Dịch châu chấu lan sang châu Á

22/02/2020 | 12:03 GMT+7

Dịch châu chấu đã tàn phá khắp phía Đông châu Phi và hiện đã lan tới các nước châu Á. Vùng biên giới giữa khu tự trị Tây Tạng với các nước Pakistan, Ấn Độ và Nepal là khu vực đang bị châu chấu tấn công.

Nạn châu chấu đang gây ảnh hưởng ở Đông Phi, Trung Đông và các nước Tây, Nam Á.

Theo Sputnik, trang CGTN của truyền thông nhà nước Trung Quốc mới đây đăng video với dòng mô tả viết rằng 400 tỉ con châu chấu đang áp sát biên giới Trung Quốc từ ngả Ấn Độ - Pakistan.

Nhiều khu vực của Trung Quốc đang bị ảnh hưởng bởi dịch châu chấu như tỉnh Vân Nam và Tứ Xuyên, cũng như khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây. Nguyên nhân được xác định là do các yếu tố thời tiết thuận lợi như lượng mưa nhiều và gió mùa kéo dài khiến châu chấu dễ sinh sôi.

Châu chấu sa mạc có thể gây ra mối đe dọa đối với an ninh lương thực của Trung Quốc nếu chúng không được kiểm soát tốt và di chuyển vào nội địa Trung Quốc để sinh sản.

Ông Zhang Zehua, nhà nghiên cứu của Viện Bảo vệ Thực vật thuộc Viện Khoa học Nông nghiệp Trung Quốc cho biết, tuy nhiên, do cao nguyên Tây Tạng có thể thành lá chắn cản trở đàn châu chấu nên cơ hội chúng đổ xô vào khu vực nội địa Trung Quốc ít có khả năng xảy ra.

Theo mạng lưới Truyền hình toàn cầu Trung Quốc (CGTN), tỉnh Tân Cương (Trung Quốc) đã gửi hơn 100.000 con vịt sang châu Phi để đối phó với dịch châu chấu. Một con vịt có thể “kiểm soát” 4m2 và ăn châu chấu trong đó - một giải pháp thân thiện với kinh tế và môi trường so với dùng thuốc trừ sâu.

Sáng kiến sử dụng vịt diệt châu chấu đã nhận được sự ủng hộ từ các thành viên trên mạng xã hội Twitter.

Trước đó vài ngày, quốc gia láng giềng Pakistan đã ban bố tình trạng khẩn cấp vì nạn châu chấu. Đây được coi là nạn châu chấu tồi tệ nhất trong hai thập kỷ qua ở Pakistan, phá hoại tới 40% mùa màng. Pakistan có kế hoạch nhập khẩu một lượng lớn thuốc diệt côn trùng từ Ấn Độ dù hai nước đã tạm ngừng giao thương do căng thẳng ở vùng tranh chấp Kashmir.

Nạn châu chấu sa mạc phá hoại mùa màng nghiêm trọng ở Đông Phi từ giữa năm ngoái nay đã bắt đầu lan sang nhiều quốc gia châu Á. Dịch châu chấu bùng phát từ Ethiopia, Somalia và Kenya rồi tràn đến Djibouti và Eritrea vào tháng 1 và hiện đang hoành hành ở Tanzania và Uganda.

Đàn châu chấu phủ kín không trung, che khuất mặt trời. Thuốc trừ sâu truyền thống cũng vô dụng trong trường hợp này. Chúng có đến hàng triệu con và có thể kéo đàn dài đến 60km. Con người không thể giết chúng, không thể ngăn chúng, chúng ta bất lực trước hàng triệu con châu chấu đang “xâm lược”. Chúng đến rồi đi nhanh chóng. Bất cứ nơi nào chúng đi qua, mùa màng và thảm thực vật đều bị cuốn theo, để lại mặt đất trống trơn.

Một số chuyên gia dự đoán, sản lượng ngũ cốc của Ấn Độ trong năm nay sẽ giảm 30-50% vì thảm họa châu chấu. Bà Maria Helena Semedo, Phó Giám đốc Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên Hiệp Quốc, đã lên tiếng cảnh báo: “Các quốc gia phải cùng nhau hành động ngay lập tức, châu chấu sẽ không chờ đợi, chúng sẽ áp đảo và gây ra những thảm họa tàn khốc”.

Năm 2017, dịch châu chấu đã xảy ra ở tỉnh Sơn Đông của Trung Quốc, ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp địa phương. Tuy nhiên, vì châu chấu chiên là một món ăn truyền thống trong ẩm thực địa phương, một số nông dân đã chuyển sang bắt châu chấu để bán. “Thu hoạch ngô của chúng tôi chắc chắn sẽ giảm, nhưng việc bắt châu chấu mang lại cho tôi nhiều tiền hơn”, Hoàn Cầu trích dẫn lời một người dân nói trên trang The News News.

Thậm chí châu chấu còn được nuôi bởi một số trang trại ở Sơn Đông, tỉnh Vân Nam của vùng Tây Nam và tỉnh Cát Lâm ở Đông Bắc Trung Quốc.

Tuy nhiên, khi dịch châu chấu hoành hành năm 2017, Sơn Đông đã phải sử dụng trực thăng và máy bay không người lái để ngăn chặn và kiểm soát. Sản xuất nông nghiệp ở một số vùng giảm 20-30%.

Châu chấu sa mạc đặc biệt nguy hiểm vì là một trong những loài di cư tàn phá mạnh nhất. Chúng có thể bay xa tới 150km mỗi ngày nhờ vào gió, sống lâu được tới 3 tháng.

 

NGUYỄN TẤN tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>