Chủ động trong tham mưu lập pháp

23/08/2019 | 06:43 GMT+7

Thực hiện các nghị quyết, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về chất vấn và giám sát chuyên đề từ đầu nhiệm kỳ đến hết năm 2018 thuộc lĩnh vực trách nhiệm của mình, Bộ Tư pháp cho biết rất chủ động trong tham mưu lập pháp.

Phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Ảnh: QUOCHOI.VN

Khi được yêu cầu nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (BHVBQPPL); trong thời gian chưa sửa, đề nghị các cơ quan tăng cường phối hợp, tháo gỡ vướng mắc để thực hiện đúng luật, trước hết là các quy định trong lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019 và điều chỉnh chương trình năm 2018, chú trọng các quy định về đánh giá tác động, xây dựng nội dung về chính sách, Bộ Tư pháp cho biết, trên cơ sở đề xuất của Bộ, Chính phủ đã trình và được Quốc hội khóa XIV thông qua Nghị quyết số 57/2018 về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018 (thông qua ngày 8-6-2018).

Theo đó, dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHVBQPPL sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10-2019) và thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 6-2020).

Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng dự án Luật nêu trên (Quyết định số 792/QĐ-TTg ngày 28/6/2018 phân công cơ quan chủ trì soạn thảo, thời hạn trình các dự án luật được điều chỉnh trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2018, các dự án luật thuộc Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019). Bộ Tư pháp cũng đã ban hành Kế hoạch soạn thảo, Quyết định thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương tổ chức nghiên cứu, rà soát, đánh giá tình hình 3 năm thi hành Luật BHVBQPPL năm 2015 và đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung; chuẩn bị hồ sơ dự án luật theo đúng quy định của Luật BHVBQPPL năm 2015; tổ chức lấy ý kiến các bộ, cơ quan ngang bộ, HĐND, UBND các cấp và cơ quan, tổ chức liên quan và tổ chức thẩm định dự án luật vào ngày 29/3/2019.

Trong thời gian đang sửa đổi Luật BHVBQPPL, Chính phủ thường xuyên chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục thực hiện nghiêm túc các quy định của Luật BHVBQPPL; đặc biệt chú trọng các quy định về đánh giá tác động, xây dựng nội dung về chính sách để bảo đảm tính khả thi của các chính sách, quy định khi chuẩn bị các đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết để đưa vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2019, điều chỉnh năm 2018; Chương trình trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020, điều chỉnh năm 2019.

Về nội dung “Tăng cường công tác phối hợp giữa các bộ, cơ quan ngang bộ với các cơ quan Quốc hội trong quá trình lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, soạn thảo, chỉnh lý, trình dự án luật, pháp lệnh nhằm bảo đảm sự thống nhất về nội dung, hạn chế phải lùi thời hạn trình, rút dự án ra khỏi chương trình”, Bộ Tư pháp thông tin rất có trách nhiệm.

Theo đó, nhằm nâng cao chất lượng các đề nghị, dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết, Chính phủ thường xuyên quán triệt các bộ, cơ quan ngang bộ chủ động tăng cường phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trong quá trình lập dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; soạn thảo, chỉnh lý, trình dự án luật, pháp lệnh.

Để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao, trong quá trình lập Đề nghị của Chính phủ về Chương trình, Bộ Tư pháp đã tổ chức họp với đại diện Ủy ban Pháp luật của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội và các cơ quan liên quan nhằm trao đổi, thảo luận, làm rõ các vấn đề còn có ý kiến khác nhau. Các bộ, cơ quan ngang bộ được giao chủ trì xây dựng luật, pháp lệnh, nghị quyết cũng đã chủ động hơn trong phối hợp với các cơ quan của Quốc hội trao đổi, thảo luận, giải trình rõ hơn những vấn đề liên quan trong soạn thảo, chỉnh lý và trình các dự án, dự thảo.

Về “Đề cao vai trò, trách nhiệm của bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các tổ chức, cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị trong bảo đảm tiến độ, hồ sơ, thủ tục, chất lượng các đề nghị, dự án, dự thảo trình, cũng như trong việc triển khai công tác phổ biến, giáo dục pháp luật”, Bộ Tư pháp cho biết, tại các phiên họp thường kỳ của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã nhắc nhở và kiểm điểm từng bộ trưởng còn để xảy ra tình trạng xin rút, xin lùi các dự án luật, trình các dự án luật có chất lượng chưa cao, chậm, nợ ban hành văn bản quy định chi tiết.

Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh: “Đề nghị các đồng chí Phó Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc lĩnh vực phụ trách hoàn thành tốt nhiệm vụ xây dựng các dự án luật; chủ động họp cùng các đồng chí bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ xử lý các vấn đề vướng mắc, còn ý kiến khác nhau, nếu cần thiết thì kịp thời báo cáo Thủ tướng Chính phủ. Cùng với các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các đồng chí Phó Thủ tướng chịu trách nhiệm trước Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện nhiệm vụ xây dựng các dự án luật thuộc lĩnh vực phụ trách”.

Trong năm 2018, căn cứ kết quả Phiên họp thứ 23 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ý kiến của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, Công điện của Thủ tướng Chính phủ và kết quả Phiên họp kiểm điểm của Chính phủ về công tác xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp đã có Công văn số 1653 ngày 16/5/2018 gửi các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ.

Trong đó, đề nghị các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ đề cao trách nhiệm cá nhân trong bảo đảm tiến độ, hồ sơ, thủ tục, chất lượng các đề nghị, dự án, dự thảo trình; hướng dẫn việc chuẩn hóa hồ sơ, tài liệu đề nghị, dự án, dự thảo luật, pháp lệnh, nghị quyết gửi thẩm định và trình Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Quốc hội.

Kết quả, nhiều bộ đã tổ chức kiểm điểm trách nhiệm tại các cuộc họp giao ban, đề ra một số hình thức kiểm điểm trách nhiệm như không xem xét khen, tặng danh hiệu thi đua cho các cơ quan, đơn vị, thủ trưởng cơ quan, đơn vị để xảy ra tình trạng chậm tiến độ, phải đề nghị lùi, rút các dự án luật, chậm ban hành, nợ đọng văn bản quy định chi tiết.

Để nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của các địa phương trong tham mưu, triển khai các giải pháp cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, Bộ Tư pháp đã kịp thời tổ chức quán triệt, triển khai Thông báo số 1672 ngày 09/4/2018 của Tổng Thư ký Quốc hội về kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động chất vấn tại phiên họp thứ 22 và Công văn số 3689 ngày 20/4/2018 của Văn phòng Chính phủ thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện kết luận về chất vấn tại phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tới Sở Tư pháp 63 địa phương tại các hội nghị tập huấn nghiệp vụ công tác PBGDPL tổ chức tại 3 miền Bắc, Trung, Nam; tổ chức Hội thảo “Các giải pháp đẩy mạnh công tác PBGDPL, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật”‘ với sự tham dự của đông đảo các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, đại diện lãnh đạo cơ quan, các đơn vị chức năng của bộ, ngành, đoàn thể Trung ương và một số địa phương.

Bên cạnh đó, để phát huy vai trò của các thành viên Hội đồng phối hợp PBGDPL Trung ương, thực hiện trách nhiệm cơ quan thường trực Hội đồng, Bộ Tư pháp cũng đã tích cực tham mưu các giải pháp để phát huy vai trò của từng thành viên Hội đồng trong tư vấn chỉ đạo, định hướng, triển khai công tác PBGDPL về lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý tại bộ, ngành, đoàn thể theo đúng định hướng triển khai công tác này đã được xác định tại các Nghị quyết, Kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>