Cử tri nói giá xăng, dầu chưa tuân thủ nguyên tắc thị trường

10/05/2019 | 06:51 GMT+7

Nêu ý kiến của mình tại các lần tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội tỉnh, cử tri Hậu Giang cho biết: “Qua nhiều đợt tăng giảm giá, việc điều chỉnh giá xăng, dầu chưa thực sự như mong đợi của Nhân dân”.

Bộ Tài chính cho biết, doanh nghiệp không được phép tự động trích, tự động sử dụng tiền từ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu.

Bộ Tài chính cho biết: Về nắm giữ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, theo quy định hiện hành, các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu phải mở tài khoản tiền gửi tại ngân hàng thương mại hoạt động hợp pháp tại Việt Nam để hạch toán, theo dõi khoản tiền thuộc Quỹ bình ổn giá xăng, dầu.

Tuy nhiên, mức trích lập, sử dụng quỹ phải thực hiện theo văn bản điều hành giá trên cơ sở của liên Bộ Công thương - Bộ Tài chính; doanh nghiệp không được phép tự động trích, tự động sử dụng tiền từ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu chỉ được sử dụng khoản tiền từ Quỹ bình ổn giá xăng, dầu vào mục đích bình ổn giá xăng, dầu trong nước, không được sử dụng để cấp vốn kinh doanh hoặc cho các mục đích khác.

Thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu cũng phải có trách nhiệm hạch toán đầy đủ, chính xác khoản trích lập Quỹ bình ổn giá xăng, dầu vào giá vốn hàng bán. Khi phân tích báo cáo tài chính, thương nhân đầu mối được loại trừ khoản tiền trên tài khoản tiền gửi Quỹ bình ổn giá và số dư tài khoản Quỹ bình ổn giá trên báo cáo tài chính để phân tích, đánh giá các chỉ tiêu tài chính.

Về việc công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu:

Theo quy định, định kỳ hàng tháng và trước mỗi lần điều chỉnh giá bán xăng, dầu trong nước, thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu phải công bố số dư đầu kỳ, số trích lập, số sử dụng, số dư Quỹ bình ổn giá xăng, dầu trên trang thông tin điện tử của thương nhân hoặc trên phương tiện thông tin đại chúng và kết chuyển toàn bộ số trích lập của tháng liền kề trước đó vào tài khoản tiền gửi Quỹ bình ổn giá xăng, dầu. Đồng thời, có trách nhiệm báo cáo định kỳ hàng tháng hoặc theo yêu cầu quản lý đột xuất nội dung về số dư, số trích lập, số sử dụng, tiền lãi phát sinh về Bộ Tài chính, Bộ Công thương để giám sát, công khai.

Trong thời gian qua, để giúp dư luận hiểu rõ hơn về định hướng điều hành giá; đảm bảo công khai, minh bạch trong điều hành giá xăng, dầu, khi thay đổi mức trích, mức sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, liên Bộ Công thương - Bộ Tài chính đều có thông cáo báo chí gửi các cơ quan thông tấn báo chí. Đồng thời, Bộ Tài chính đã phối hợp với Bộ Công thương công khai chi tiết tình hình trích lập, sử dụng Quỹ bình ổn xăng, dầu của từng thương nhân đầu mối kinh doanh xăng, dầu các quý từ năm 2013 đến nay trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính, Bộ Công thương để người dân biết và giám sát.

Trên thực tế, thời gian qua, việc sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu đã phát huy tác dụng tích cực và hiệu quả trong việc tạo một “bước đệm” nhằm góp phần bình ổn giá (giữ ổn định hoặc giảm mức tăng) trong trường hợp cần thiết, linh hoạt trong việc bình ổn giá để đáp ứng yêu cầu đặt ra trong thực tiễn tại một thời kỳ, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội.

Về hiệu quả của Quỹ bình ổn giá xăng, dầu, tại Báo cáo kiểm toán nhà nước ban hành kèm theo Công văn 271 kiểm toán chuyên đề về việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu giai đoạn 2009-2010 cũng đã khẳng định: “Đối với kinh tế - xã hội: nhờ có cơ chế trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu mà giảm được tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng, dầu trong bối cảnh giá xăng, dầu trên thế giới biến động phức tạp, khó lường, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì tăng trưởng và ổn định an sinh xã hội”.

Đồng thời, tại Báo cáo kiểm toán chuyên đề việc trích lập, quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu và công tác quản lý, điều hành giá xăng, dầu giai đoạn 2015-2016 cũng có nêu: “Quy định về việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng, dầu theo chế độ hiện hành là cần thiết, bởi Quỹ bình ổn giá xăng, dầu đóng vai trò là một trong những công cụ để Nhà nước bình ổn giá xăng, dầu trong nước trong trường hợp giá xăng, dầu thế giới có biến động tăng/giảm bất thường nhằm ổn định giá cả, kiềm chế lạm phát, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam bước vào thời kỳ thực hiện các cam kết quốc tế về giảm thuế nhập khẩu xăng, dầu”.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>