Tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy

07/08/2020 | 05:13 GMT+7

Thực hiện Nghị quyết số 99 ngày 27/11/2019 của Quốc hội về tiếp tục hoàn thiện, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực hiện chính sách, pháp luật về phòng cháy và chữa cháy và Quyết định số 630 ngày 11/5/2020 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 99, UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch triển khai các văn bản trên với nhiều nội dung trọng tâm.

Thực tập phương án chữa cháy tại Ngân hàng Thương mại Cổ phần Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Hậu Giang. Ảnh: HOÀI XUYÊN

Lấy phòng ngừa là chính

Cụ thể là triển khai, quán triệt, thực hiện nghiêm Nghị quyết số 99, Quyết định số 630 gắn với tiếp tục thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 47 ngày 25/6/2015 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC); Chương trình số 06 ngày 19/11/2015 của Tỉnh ủy và Kế hoạch số 84 ngày 21/9/2016 của UBND tỉnh về việc thực hiện Chỉ thị số 47 của Ban Bí thư; Quyết định số 12 ngày 20/8/2019 của UBND tỉnh về ban hành Quy định đảm bảo an toàn PCCC tại các cơ sở sản xuất kinh doanh nhỏ lẻ xen cài trong khu dân cư, nhà ở kết hợp kinh doanh, nhà liền kề, nhà cho thuê trọ trên địa bàn tỉnh Hậu Giang...

Nghiên cứu tham gia đóng góp ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật PCCC và các quy định của pháp luật liên quan; sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật liên quan đến PCCC; quy chuẩn kỹ thuật địa phương về PCCC đối với một số loại hình cơ sở đặc thù; quy định chế độ, chính sách hỗ trợ cho lực lượng làm công tác PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH) tương xứng với tính chất, yêu cầu nhiệm vụ; có chính sách cụ thể để khuyến khích, động viên mọi tầng lớp nhân dân tham gia PCCC. Kịp thời xây dựng, ban hành quy định về việc xử lý các cơ sở không đảm bảo yêu cầu về PCCC được đưa vào sử dụng trước ngày Luật PCCC có hiệu lực (hoàn thành trong năm 2021).

Đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp, phương pháp tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức pháp luật, kiến thức, kỹ năng về PCCC và CNCH, đặc biệt là trang bị cho người dân kiến thức về phòng cháy, kỹ năng thoát nạn, sử dụng các phương tiện, thiết bị chữa cháy ban đầu.

Trong công tác PCCC phải lấy phòng ngừa là chính; tập trung chỉ đạo xây dựng phong trào toàn dân tham gia PCCC với phương châm “bốn tại chỗ”, nòng cốt là lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở và chuyên ngành. Cần phải xác định rõ cơ chế phối hợp giữa chính quyền địa phương và các cơ quan, tổ chức thực hiện tốt phương châm “bốn tại chỗ” trong PCCC. Tổ chức xây dựng, nhân rộng các điển hình tiên tiến về PCCC theo hướng tự phòng, tự quản tại các khu dân cư, cụm công nghiệp và tiểu thủ công nghiệp; giải quyết kịp thời, thỏa đáng các chế độ, chính sách đối với người bị thương, hy sinh hoặc thiệt hại về tài sản khi tham gia chữa cháy, CNCH; kịp thời động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác PCCC và CNCH.

Thực hiện tốt việc xây dựng chiến lược, kế hoạch, phương án PCCC, chú trọng địa bàn, công trình trọng điểm quốc gia, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp có nguy cơ cháy, nổ cao, các khu rừng. Thực hiện đồng bộ quy hoạch phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh gắn với quy hoạch hạ tầng về PCCC, đặc biệt là mạng lưới giao thông và hệ thống cấp nước chữa cháy. Thực hiện việc bố trí, di dời cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hóa, hóa chất độc hại, nguy hiểm, có nguy cơ cháy, nổ cao ra khỏi khu dân cư, nơi đông người theo quy định của pháp luật.

Nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra PCCC; công khai các công trình, dự án vi phạm quy định về PCCC trên phương tiện thông tin đại chúng; kiên quyết tạm đình chỉ, đình chỉ các công trình, dự án đang triển khai có vi phạm pháp luật về PCCC cho đến khi khắc phục hoàn toàn các sai phạm. Xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về PCCC và xem xét trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức có liên quan theo quy định của pháp luật.

Thường xuyên tổ chức tập huấn, diễn tập, thực tập các phương án, tình huống xử lý sự cố cháy, nổ và CNCH có sự tham gia của nhiều lực lượng, nhằm nâng cao tính hiệp đồng chiến đấu và hạn chế đến mức thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra…

Xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC và CNCH

UBND tỉnh yêu cầu Công an tỉnh tiếp tục tham mưu cho Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Chỉ thị số 47, Nghị quyết số 99, Quyết định số 630, Chương trình số 06, Kế hoạch số 84, Quyết định số 12… huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và quần chúng nhân dân thực hiện nhiệm vụ PCCC và CNCH.

Tăng cường phối hợp với Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh, các sở, ban ngành tỉnh, UBND các địa phương và các cơ quan thông tin đại chúng đẩy mạnh công tác tuyên truyền về PCCC và CNCH; chủ động rà soát, nắm tình hình để có biện pháp phòng ngừa sự cố cháy, nổ, tai nạn xảy ra; nâng cao chất lượng công tác thẩm duyệt các dự án, công trình; tăng cường kiểm tra và hướng dẫn tự tổ chức kiểm tra an toàn PCCC; xử lý nghiêm các vi phạm về PCCC theo quy định của pháp luật.

Triển khai thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC và CNCH đáp ứng yêu cầu tình hình mới”. Thực hiện tốt việc xây dựng phong trào Toàn dân tham gia PCCC và CNCH gắn với phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Tham mưu UBND tỉnh triển khai thực hiện “Thí điểm giao một số nhiệm vụ PCCC cho lực lượng bảo vệ dân phố, lực lượng làm nhiệm vụ bảo đảm an ninh trật tự ở cơ sở” theo hướng dẫn của Bộ Công an. Triển khai bộ tài liệu hướng dẫn của Bộ Công an việc tự kiểm tra an toàn PCCC cho người đứng đầu cơ sở, cơ quan, tổ chức doanh nghiệp trên địa bàn. Tham mưu UBND tỉnh điều chỉnh, bổ sung Đề án “Quy hoạch tổng thể hệ thống cơ sở của lực lượng Cảnh sát PCCC đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030” trong nội dung quy hoạch hạ tầng PCCC giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Triển khai thực hiện phương án, giải pháp xử lý dứt điểm các công trình đang tồn tại vi phạm pháp luật về PCCC; chấm dứt tình trạng cơ sở, công trình xây dựng đưa vào sử dụng khi chưa có văn bản chấp thuận kết quả nghiệm thu về PCCC của cơ quan cảnh sát PCCC.

Kiện toàn tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực, sức chiến đấu của lực lượng cảnh sát PCCC chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại; tham mưu cho lãnh đạo cấp trên bố trí lực lượng, phương tiện phù hợp ở các địa bàn trọng điểm nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới. Nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo cấp trên xây dựng các cơ sở huấn luyện nghiệp vụ chữa cháy và CNCH trên địa bàn tỉnh; chỉ đạo lực lượng cảnh sát PCCC và CNCH tăng cường đào tạo, bồi dưỡng, huấn luyện chuyên môn, nghiệp vụ cho lực lượng dân phòng, lực lượng PCCC cơ sở, chuyên ngành nhằm phát huy vai trò nòng cốt trong công tác PCCC tại chỗ.

Thực hiện tốt công tác điều tra cơ bản, dự báo tình hình cháy, nổ, sự cố, tai nạn để thực hiện tốt công tác phòng ngừa phù hợp, hiệu quả; tăng cường công tác thường trực sẵn sàng chiến đấu, kịp thời chữa cháy và CNCH, hạn chế đến mức thấp nhất số vụ và thiệt hại do cháy, nổ, sự cố, tai nạn xảy ra.

Rà soát, thống kê cơ sở có nguy cơ cháy, nổ cao, khi xảy ra cháy cần huy động nhiều lực lượng, phương tiện của tỉnh và cần huy động lực lượng, phương tiện của nhiều địa phương lân cận tham gia xử lý; chủ trì, tham mưu, đề xuất UBND tỉnh phê duyệt phương án chữa cháy, phương án CNCH đối với những loại hình cơ sở này. Triển khai thực hiện bộ tài liệu của Bộ Công an hướng dẫn tổ chức các hoạt động chữa cháy và CNCH đối với những loại hình cơ sở nguy hiểm cháy, nổ…

T.T tổng hợp

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>