Tổ chức thực hiện Công ước số 98

08/08/2019 | 17:04 GMT+7

Kết quả Quốc hội bỏ phiếu thông qua Nghị quyết phê chuẩn việc gia nhập Công ước số 98. Ảnh: Internet

 

(Tiếp theo)

Ban hành Nghị quyết số 80/2019/QH14 gia nhập Công ước số 98 của Tổ chức Lao động Quốc tế về Áp dụng những nguyên tắc của quyền tổ chức và thương lượng tập thể (Công ước số 98), Quốc hội quyết nghị: “Áp dụng toàn bộ nội dung của Công ước số 98”. 

Các tuyên bố gửi cho Tổng Giám đốc Văn phòng Lao động Quốc tế theo khoản 2 Điều 35 của Điều lệ của Tổ chức Lao động Quốc tế phải chỉ rõ:

a) Các vùng lãnh thổ mà thành viên đó cam kết sẽ áp dụng toàn bộ các quy định của Công ước này mà không sửa đổi;

b) Các vùng lãnh thổ mà thành viên đó cam kết sẽ áp dụng những quy định của Công ước này với những sửa đổi và chi tiết những sửa đổi đó;

c) Các vùng lãnh thổ không áp dụng Công ước này và trong trường hợp đó, lý do không áp dụng;

d) Các vùng lãnh thổ mà thành viên đó còn bảo lưu quyết định của mình.

Những cam kết nêu trong mục (a) và (b) được coi là một phần không thể thiếu trong việc phê chuẩn và có hiệu lực cùng với việc phê chuẩn.

Mọi thành viên có thể hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần mọi quyết định bảo lưu của mình được đưa ra trong tuyên bố ban đầu của nó theo mục (b), (c) hoặc (d) tại bất cứ thời điểm nào bằng một tuyên bố khác sau đó.

Mọi thành viên có thể thông báo cho Tổng Giám đốc bằng một tuyên bố sửa đổi bất cứ điều khoản nào trong tuyên bố trước đó và ghi rõ quan điểm hiện nay về những vùng lãnh thổ mà thành viên đó xác định, vào bất cứ thời điểm nào mà Công ước này bị bãi ước theo quy định tại Điều 11.

Các tuyên bố gửi cho Tổng Giám đốc Văn phòng Lao động Quốc tế theo khoản 4 hoặc 5 Điều 35 của Điều lệ của Tổ chức Lao động Quốc tế phải chỉ rõ liệu các điều khoản của Công ước có được áp dụng trong vùng lãnh thổ có liên quan mà không sửa đổi hay có sửa đổi; khi tuyên bố chỉ ra rằng các điều khoản của Công ước sẽ được áp dụng có sửa đổi, tuyên bố phải nêu chi tiết những sửa đổi đó.

Một thành viên, nhiều thành viên hoặc cơ quan quốc tế có liên quan có thể từ bỏ toàn bộ hoặc một phần quyền áp dụng bất cứ sửa đổi nào được nêu trong tuyên bố trước đây vào bất cứ thời điểm nào bằng một tuyên bố mới.

Một thành viên, nhiều thành viên hoặc cơ quan quốc tế có liên quan có thể thông báo với Tổng Giám đốc bằng một tuyên bố sửa đổi bất cứ điều khoản nào trong tuyên bố trước đó và ghi rõ quan điểm hiện nay về việc áp dụng Công ước, vào bất cứ thời điểm nào mà Công ước này bị bãi ước theo quy định tại Điều 11.

Điều 11 Công ước nêu, thành viên đã phê chuẩn Công ước này có thể bãi ước sau khi kết thúc thời hạn 10 năm kể từ ngày Công ước bắt đầu có hiệu lực, bằng một văn bản đăng ký việc bãi ước này cho Tổng Giám đốc Văn phòng Lao động Quốc tế. Việc bãi ước này chỉ có hiệu lực sau một năm kể từ ngày đã đăng ký với Tổng Giám đốc. Mỗi thành viên đã phê chuẩn Công ước này và thành viên chưa phê chuẩn công ước, trong vòng 1 năm sau khi kết thúc thời hạn 10 năm nói trong khoản trên mà không thực hiện quyền bãi ước quy định tại điều này thì sẽ bị ràng buộc trong một thời hạn 10 năm nữa rồi sau đó mới có thể bãi ước Công ước này mỗi khi kết thúc thời hạn 10 năm theo những điều kiện quy định tại Điều này.

Tổng Giám đốc Văn phòng Lao động Quốc tế sẽ thông báo cho mọi thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế biết mọi trường hợp đăng ký phê chuẩn, gửi tuyên bố và bãi ước mà các thành viên đã truyền đạt cho Tổng Giám đốc.

Khi thông báo cho các thành viên của Tổ chức Lao động Quốc tế về việc đăng ký phê chuẩn của thành viên thứ hai, Tổng Giám đốc sẽ lưu ý các thành viên về thời điểm mà Công ước bắt đầu có hiệu lực.

Để đăng ký theo Điều 102 của Hiến chương Liên Hiệp Quốc, Tổng Giám đốc Văn phòng Lao động Quốc tế sẽ truyền đạt cho Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc đầy đủ mọi chi tiết về việc phê chuẩn, các tuyên bố và các văn bản về bãi ước đã được đăng ký theo các quy định tại các điều trên.

Mỗi khi xét thấy cần thiết, Hội đồng Quản trị của Văn phòng Lao động Quốc tế sẽ trình một bản báo cáo về tình hình hoạt động của Công ước này lên Hội nghị toàn thể ILO và sẽ xem xét có cần đưa vào chương trình nghị sự của Hội nghị toàn thể việc sửa đổi lại một phần hoặc toàn bộ Công ước này hay không.

Nếu Hội nghị toàn thể thông qua một Công ước mới sửa đổi lại một phần hoặc toàn bộ Công ước này và nếu Công ước mới không quy định khác thì:

- Mặc dù có những quy định về việc bãi ước, một thành viên phê chuẩn một Công ước mới sửa đổi thì sẽ đương nhiên dẫn đến sự bãi ước ngay lập tức đối với Công ước này, bất kể quy định trong Điều 11 bên trên, vào lúc Công ước mới sửa đổi đó bắt đầu có hiệu lực.

- Kể từ ngày Công ước mới sửa đổi bắt đầu có hiệu lực, các thành viên sẽ không tiếp tục phê chuẩn Công ước này nữa.

Trong mọi trường hợp, Công ước này sẽ giữ nguyên hiệu lực về cả hình thức và nội dung đối với những thành viên đã phê chuẩn Công ước này mà chưa phê chuẩn Công ước mới sửa đổi.

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>