Chú trọng giáo dục đạo đức, truyền thống cho học sinh

11/05/2022 | 08:27 GMT+7

Các trường học chú trọng giáo dục truyền thống, đạo đức, lối sống cho học sinh, giúp các em phát triển toàn diện về cả trình độ, năng lực, phẩm chất và nhân cách, đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm của ngành giáo dục và đào tạo, đã được đề cập trong Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang.

Nhiều trường tổ chức cho học sinh “Về nguồn” ở các khu di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh.

Đa dạng cách làm

Trường THCS Trường Long A, một trường nằm ở vùng nông thôn huyện Châu Thành A, luôn chú trọng giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh. Cô Lâm Kim Ny, giáo viên Tổng phụ trách đội, tâm sự: “Nhà trường đã thực hiện Mô hình giáo dục đạo đức học sinh qua tiết sinh hoạt dưới cờ. Mô hình được trường duy trì trong 3 năm học qua. Thông qua các tiết sinh hoạt dưới cờ đầu tuần, nhà trường sẽ cho học sinh kể một câu chuyện về Bác hoặc một câu chuyện ý nghĩa về tình bạn, lòng sẻ chia… Sau mỗi câu chuyện, các em rút ra bài học kinh nghiệm thông qua các bài học được kể. Ngoài kể chuyện, việc giáo dục đạo đức cho học sinh còn được lồng ghép vào các tiết giáo dục công dân, lịch sử”.

Trường THCS Trường Long A hiện có hơn 600 học sinh đang theo học, thông qua Mô hình giáo dục đạo đức học sinh, ngoài giúp học sinh được tìm hiểu thêm nhiều câu chuyện hay ý nghĩa về Bác, về cuộc sống, còn giúp các em học sinh tự biết phấn đấu trong học tập, rèn luyện.

Hầu hết các trường học trên địa bàn tỉnh hiện nay đều có những cách làm hay, sáng tạo để giáo dục truyền thống cách mạng, đạo đức, lối sống cho học sinh. Nhiều trường định kỳ tổ chức dâng hương, quét dọn đài tưởng niệm liệt sĩ; thăm nom, giúp đỡ các gia đình chính sách, gia đình mẹ Việt Nam anh hùng… Ông Huỳnh Thanh Võ, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quốc Trị, huyện Vị Thủy, bày tỏ: “Bên cạnh việc trang bị cho học sinh kiến thức, việc giáo dục để các em biết truyền thống lịch sử của cha ông, rèn luyện cho các em tránh xa các tệ nạn xã hội là điều vô cùng cần thiết. Ngoài định kỳ hàng tuần tổ chức cho các em thắp nhang ở Phòng thờ Bác Hồ tại trường, chúng tôi thường xuyên phối hợp với Đoàn thanh niên thị trấn tổ chức cho các em đến quét dọn, thắp hương tại Bia tưởng niệm đặt ở ấp 1, thị trấn Nàng Mau”.

Là trường nằm ở trung tâm thị trấn, có hơn 1.300 học sinh đang theo học, cũng đặt ra khó khăn không nhỏ đối với Trường THCS Ngô Quốc Trị trong việc giáo dục đạo đức, truyền thống cho học sinh do số học sinh đông. Năm 2018, thực hiện theo chỉ đạo của Huyện ủy Vị Thủy, Trường THCS Ngô Quốc Trị đã xây dựng một Phòng thờ Bác Hồ ngay tại trường. Đầu tuần, trường phân công một lớp đến thắp hương và xem các tranh ảnh về cuộc đời, con người và hoạt động của Bác. Song song đó, vào các ngày lễ lớn, trường còn phối hợp tổ chức cho học sinh quét dọn, thắp hương tại Bia tưởng niệm trên địa bàn thị trấn. Từ những hoạt động thiết thực này, tình trạng học sinh vi phạm nội quy ở trường đã giảm đáng kể.

“Thông qua các hoạt động này, giúp trường thực hiện hiệu quả trong việc giáo dục đạo đức cho học sinh. Đến nay, số lượng học sinh hạnh kiểm yếu, kém ở trường không còn, tỷ lệ học sinh hạnh kiểm tốt không ngừng tăng”, ông Huỳnh Thanh Võ, Hiệu trưởng Trường THCS Ngô Quốc Trị chia sẻ thêm.

Giúp các em chăm chỉ học hành, sống có trách nhiệm

Tại Trường Tiểu học Tân Long 1 (huyện Phụng Hiệp), để giáo dục đạo đức, truyền thống cho học sinh, ngoài lồng ghép các bài học thông qua mô hình biển, đảo được xây dựng tại trường, trường còn tổ chức các hoạt động về nguồn. Bà Võ Việt Oanh, Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: “Nhà trường kết hợp các bài giảng ở môn đạo đức, lịch sử, địa lý và trực tiếp tham quan mô hình biển, đảo để giáo dục đạo đức, truyền thống cho các em. Song song đó, để cụ thể hóa 5 điều Bác Hồ dạy, trường phát động thi đua ở các lớp. Nhờ vậy, tình trạng học sinh nói tục, chửi thề trong lớp không còn, đối với học sinh khối 5, trường tổ chức các chuyến “Về nguồn” tham quan tại các di tích lịch sử trên địa bàn tỉnh”.

Với mục tiêu tạo môi trường để học sinh phát triển toàn diện, ngành giáo dục và đào tạo thường xuyên chỉ đạo các nhà trường thực hiện tốt Chỉ thị số 31 của Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2019 về tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên. Song song đó, tăng cường giáo dục kỹ năng sống, xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học, tư vấn tâm lý cho học sinh phổ thông, lồng ghép nội dung giáo dục đạo đức, lối sống, kỹ năng sống trong các chương trình học và hoạt động giáo dục gồm: Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, phổ biến, giáo dục pháp luật, giáo dục an toàn giao thông, văn hóa giao thông, kết hợp giáo dục truyền thống nhà trường, lịch sử địa phương...

Để tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 171 vào đầu năm 2019 về triển khai Đề án xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học giai đoạn 2018-2025. Các trường đã thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, kỹ năng sống cho học sinh; chú trọng xây dựng văn hóa trường học, môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện. 

Ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, cho biết: “Theo tinh thần Chỉ thị số 31 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, văn hóa Việt Nam trong các trường học trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, Sở đã ban hành nhiều kế hoạch, công văn, chỉ đạo các trường xây dựng nội dung về giáo dục đạo đức, văn hóa Việt Nam lồng ghép trong kế hoạch thực hiện nhiệm vụ giáo dục chính trị và công tác học sinh, sinh viên vào đầu mỗi năm học. Các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã chủ động triển khai các bộ quy tắc ứng xử trong trường học, các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường, xây dựng cơ chế phối hợp giữa gia đình - nhà trường - xã hội trong giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh…”.

Bên cạnh kết quả đạt được, theo ông Hiền vẫn còn một số giáo viên chưa quan tâm đúng mức đến công tác giáo dục đạo đức, văn hóa học sinh; hầu hết phụ huynh đều quan tâm điểm số của con em hơn là việc phát triển đạo đức của các em; đa số các trường còn gặp nhiều khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, nhân lực để triển khai thực hiện công tác giáo dục đạo đức, văn hóa.

Có thể thấy, trước những tác động tiêu cực xã hội, giáo dục truyền thống, bồi dưỡng đạo đức cho học sinh có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Đây cũng là cách góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, để học sinh tiếp tục đạt được nhiều kết quả hơn nữa trong sự nghiệp đổi mới giáo dục, nâng cao dân trí tại tỉnh nhà.

Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Hậu Giang lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2020-2025 nêu rõ một trong những nhiệm vụ, giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo là Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện ở các cấp học, bậc học, trong đó ưu tiên giáo dục đạo đức, truyền thống văn hóa Việt Nam trong các trường học theo tinh thần Chỉ thị số 31 ban hành năm 2017 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về đẩy mạnh giáo dục đạo đức, văn hóa Việt Nam trong các trường học trên địa bàn tỉnh Hậu Giang. Đây cũng là nhiệm vụ được đề cập trong nghị quyết các nhiệm kỳ qua của Đảng bộ tỉnh.

Mới đây, Ban Tuyên giáo Trung ương phối hợp cùng Trung ương Đoàn, Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai Quyết định số 1895 của Thủ tướng Chính phủ về Chương trình “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống và khơi dậy khát vọng cống hiến cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng giai đoạn 2021-2030”, với nhiều nội dung quan trọng, đề cao trách nhiệm này của cấp ủy, đoàn thanh niên các cấp, trường học...

 

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>