Cuộc sống gia đình chính sách, người có công ngày càng tốt hơn

03/10/2019 | 19:30 GMT+7

Chăm lo hỗ trợ, tạo điều kiện để gia đình chính sách có cuộc sống tốt hơn là một trong những nhiệm vụ trọng tâm được thực hiện trong nhiệm kỳ 2015-2020 của Đảng bộ tỉnh.

Mỗi tháng, chị Hiền đều đến tận nhà để cấp tiền cho vợ chồng bà Tốt.

Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ

Bên hiên nhà, bà Trần Thị Tốt, ở khu vực Thạnh Hiếu, phường Bình Thạnh, thị xã Long Mỹ, đang trò chuyện cùng một vài cô chú ở xóm. Trong câu chuyện cùng mọi người, bà không quên kể về những thuận lợi khi bà và chồng lãnh chế độ hàng tháng qua hệ thống bưu điện. Mỗi tháng đến ngày nhận tiền chế độ, nhân viên bưu điện đến tận nhà để phát cho vợ chồng bà. “Cô Hiền, nhân viên bưu điện nhiệt tình lắm, cấp phát cẩn thận. Lần nào đến đều hỏi thăm tình hình sức khỏe, vợ chồng tôi cảm thấy rất phấn khởi”, bà Tốt bộc bạch.

Chồng bà là thương binh nặng, suy giảm sức khỏe 61%, còn bà trước đây từng bị địch bắt tù đày, chịu không ít những trận tra tấn ác liệt, nên giờ đây sức khỏe cũng giảm sút. Vì vậy, để thuận tiện trong việc nhận tiền chế độ hàng tháng, nhân viên bưu điện đã đến tận nhà để cấp phát.

Không riêng gia đình bà Tốt, 96 gia đình người có công với cách mạng nhận trợ cấp thường xuyên ở phường Bình Thạnh đều được chị Dương Diệu Hiền, nhân viên Bưu điện thị xã Long Mỹ đến tận nhà để cấp phát. Chị Hiền bộc bạch: “Để tránh tình trạng các cô, chú thương binh, người có công với cách mạng chờ đợi lâu, chúng tôi tổ chức chi trả từ ngày 6 đến ngày 9. Tuy nhiên, khi nào nhận được tiền sớm thì chúng tôi đi cấp sớm. Với những người có công lớn tuổi, đi lại khó khăn, chúng tôi đến tận nhà để chi trả cho mọi người”.

Không chỉ cấp phát tiền chế độ hàng tháng đầy đủ, kịp thời, ngành lao động - thương binh và xã hội và địa phương còn thực hiện tốt chế độ điều dưỡng cho các gia đình chính sách, người có công với cách mạng. Để làm tốt công tác này, hàng năm Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng kế hoạch, địa điểm đi điều dưỡng để mọi người chủ động đăng ký. Theo bà Đoàn Thị Thùy Hương, Trưởng phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Vị Thủy, vào đầu năm, địa phương rà soát lại các đối tượng chính sách trên địa bàn. Sau đó, trao đổi với các gia đình chính sách về nhu cầu điều dưỡng tập trung hay an dưỡng tại nhà của họ, rồi đăng ký danh sách gửi về tỉnh.

Ông Nguyễn Hoàng Xứng, thương binh sinh sống ở xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, cho biết: “Vừa qua, tôi đã được đi điều dưỡng tập trung ở thành phố Nha Trang, tôi vui lắm. Trong chuyến đi đó, tôi đã gặp lại các đồng chí, đồng đội cùng tham gia chiến đấu năm nào. Mọi người cùng nhau ôn lại kỷ niệm thời chiến, đồng thời, kể cho nhau nghe cuộc sống hiện tại. Ngày xưa chúng tôi tham gia đánh giặc, tôi đâu nghĩ sau này mình sẽ được hưởng chế độ này nọ đâu. Nay được Đảng, Nhà nước quan tâm, chính quyền địa phương chăm lo, chúng tôi thấy vui lắm”.

Công tác chăm lo đời sống gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, thân nhân liệt sĩ, người có công với cách mạng luôn được coi trọng từ tỉnh đến cơ sở. Vào các dịp lễ tết, dịp kỷ niệm ngày thương binh - liệt sĩ hàng năm, lãnh đạo các cấp tổ chức các đoàn đến các gia đình thuộc đối tượng chính sách thăm hỏi, tặng quà, động viên. Nghĩa trang liệt sĩ tỉnh, Nhà bia ghi tên liệt sĩ ở các xã được nâng cấp, tu sửa trở thành nơi tri ân, báo công với các anh hùng liệt sĩ của dân tộc. Bà Hồ Thu Ánh, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, cho biết: “Với tình cảm và trách nhiệm, thời gian qua, tỉnh đã nỗ lực và thực hiện tốt công tác chăm lo đời sống người có công với cách mạng. Các chế độ dành cho các gia đình chính sách được thực hiện đầy đủ, kịp thời. Nhiều ngôi nhà tình nghĩa được xây dựng, sửa chữa, các Mẹ Việt Nam anh hùng được đơn vị cơ quan nhận phụng dưỡng, chăm sóc suốt đời… Nhờ đó, đời sống gia đình chính sách ngày càng được nâng lên”.

Nâng cao chất lượng đời sống gia đình chính sách

Trong ngôi nhà vững chãi được sửa chữa từ nguồn hỗ trợ của Nhà nước vào cuối năm 2018, niềm vui dường như vẫn còn hiển hiện trên gương mặt vợ chồng ông Nguyễn Văn Mến và bà Cao Thị Bông, ở xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh. Bà Bông cho biết: “Trong chiến tranh, ông nhà tôi tham gia chiến đấu và bị thương, còn tôi tận tình giúp đỡ cách mạng. Chúng tôi giờ đều lớn tuổi, ông ấy còn bị ảnh hưởng chất độc hóa học, không thể lao động nặng. Thời gian qua, các chế độ vợ chồng tôi đều hưởng đầy đủ, được cất nhà tình nghĩa. Năm vừa qua, còn được hỗ trợ sửa chữa, thiệt mang ơn Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương”.

Thực hiện phong trào Đền ơn đáp nghĩa, trên địa bàn xã Vị Tân có hàng trăm căn nhà tình nghĩa được xây dựng, sửa chữa từ nguồn kinh phí của tuyến trên hỗ trợ và xã hội hóa. Xã còn thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách dành cho các gia đình. Luôn quan tâm, hỗ trợ, để gia đình chính sách có cuộc sống ngày càng tốt hơn.

Nếu như hai năm trước, gia đình ông Huỳnh Văn Tạo (con liệt sĩ), ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A là hộ nghèo của địa phương, thì đến cuối năm 2017 gia đình đã chính thức thoát nghèo. Chia sẻ về cuộc sống hiện nay của gia đình, ông Tạo cho biết: “Trước đây, chúng tôi cũng cố gắng lao động, để cuộc sống gia đình khá lên, nhưng bệnh tật nên cuộc sống cứ mãi túng thiếu rồi rơi vào hộ nghèo. Với sự quan tâm chăm lo của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương, gia đình tôi đã được hỗ trợ nhà ở, rồi còn được quan tâm giúp đỡ về nhiều mặt, nên cuộc sống từng bước được cải thiện và vươn lên thoát được cảnh nghèo”.

Huyện Châu Thành A có 820 gia đình chính sách hưởng trợ cấp hàng tháng. Với mục tiêu chăm lo cho gia đình chính sách, người có công với cách mạng có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn người dân nơi cư trú, huyện Châu Thành A đã triển khai kịp thời các chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế, chi trả trợ cấp hàng tháng theo quy định, thăm tặng quà nhân dịp lễ tết, giúp đỡ gia đình chính sách trong lao động, sản xuất. Đồng thời, đẩy mạnh công tác xã hội hóa phong trào Đền ơn đáp nghĩa, nhằm góp phần chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần cho các gia đình chính sách và người có công trên địa bàn huyện. Từ đó, đưa phong trào Đền ơn đáp nghĩa ngày càng phát triển sâu rộng, có sức lan tỏa và thu hút đông đảo nhân dân, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp cùng tích cực tham gia.

Theo ông Phan Thạch Em, Bí thư Huyện ủy Châu Thành A, để thực hiện tốt công tác đền ơn đáp nghĩa, cấp ủy, chính quyền địa phương thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đối với người có công, tổ chức chi trả đúng quy định cho đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng. Đưa các hoạt động chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng trở thành nội dung quan trọng trong thực hiện nhiệm vụ chính trị tại địa phương, góp phần cải thiện đời sống vật chất và tinh thần cho các đối tượng chính sách trên địa bàn huyện. Đến nay, huyện không còn gia đình chính sách thuộc hộ nghèo.

Những hoạt động đền ơn đáp nghĩa mà cấp ủy, chính quyền các cấp thực hiện từ tỉnh đến cơ sở đã và đang thực hiện mang một nghĩa cử cao đẹp, có ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc, góp phần quan trọng vào việc tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng thêm lòng tin của Nhân dân đối với Đảng, Nhà nước.

6.000 căn nhà tình nghĩa được xây dựng

Toàn tỉnh có trên 35.000 người có công với cách mạng, chiếm 3,65% dân số của tỉnh. Từ năm 2016 đến nay, toàn tỉnh đã hỗ trợ xây dựng, sửa chữa trên 6.000 căn nhà tình nghĩa, với tổng kinh phí trên 193 tỉ đồng. Thực hiện tốt công tác điều dưỡng phục hồi sức khoẻ đối với người có công và thân nhân liệt sĩ theo quy định. Việc chăm lo đời sống về vật chất và tinh thần cho người có công còn được các địa phương tập trung thực hiện. Kết quả, cuối năm 2018 có 100% xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công, đạt so với chỉ tiêu Nghị quyết đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra là phấn đấu trên 95% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh làm tốt công tác chăm sóc thương binh, gia đình liệt sĩ và người có công.

 

Bài, ảnh: BÍCH CHÂU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>