Quan tâm khai thác hiệu quả tiềm năng du lịch

11/07/2019 | 17:29 GMT+7

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 09 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 đã giúp du lịch Hậu Giang có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, để khai thác hết tiềm năng, lợi thế của lĩnh vực này thì còn nhiều vấn đề phải bàn, phải giải quyết.

Vườn dâu cao sản Thiên Ân là điểm du lịch miệt vườn ở thị xã Ngã Bảy.

Du lịch khởi sắc

Theo đánh giá của Tỉnh ủy, công tác triển khai, quán triệt nghị quyết được thực hiện sâu rộng tới cán bộ, đảng viên, Nhân dân và các khu, điểm du lịch. Ngành chức năng còn tích cực tuyên truyền, vận động để nâng cao ý thức của mọi người về vai trò của lĩnh vực du lịch đối với sự phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Đặc biệt cấp ủy, chính quyền một số nơi còn ban hành nhiều kế hoạch, chương trình thực hiện Nghị quyết 09 tại địa phương, đơn vị.

Sau khi ban hành nghị quyết, tỉnh đặc biệt quan tâm một số công trình trọng điểm như: dự án Khu du lịch sinh thái Trung tâm Nông nghiệp Mùa Xuân; dự án Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Phú Hữu, dự án Khu du lịch sinh thái Việt - Úc; xây dựng và phát triển du lịch tại địa điểm cây lộc vừng; quy hoạch và kêu gọi đầu tư Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng tới năm 2020… Nhìn chung, số lượng các dự án du lịch được đầu tư tăng so với trước, tạo ra những địa điểm du lịch mới trên địa bàn.

Xác định sản phẩm du lịch quyết định đến sự phát triển của ngành này nên tỉnh cho triển khai xây dựng các sản phẩm du lịch. Nổi bật có sản phẩm đã đăng ký sở hữu thương hiệu như: bưởi Năm Roi Phú Thành - Hậu Giang, cam sành Ngã Bảy, quýt đường Long Trị, cá thát lát Hậu Giang, cam xoàn Phụng Hiệp, khóm Cầu Đúc… Tỉnh cũng được Tổng cục Du lịch hỗ trợ kinh phí gần 400 triệu đồng để hình thành các khu, điểm du lịch cộng đồng tại vùng khóm Cầu Đúc, quýt đường Long Trị, Khu bảo tồn thiên nhiên Lung Ngọc Hoàng.

Song song đó là xây dựng, giới thiệu, quảng bá và tổ chức khai thác các loại hình sản phẩm du lịch tham quan các di tích lịch sử, du lịch cộng đồng trải nghiệm, giải trí, du lịch văn hóa tâm linh…

Ông Đồng Văn Thanh, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh, thông tin, để đánh giá đúng thực trạng và định hướng du lịch trên địa bàn, tỉnh đã phối hợp tổ chức các hội nghị, hội thảo như: Hội nghị du lịch nông nghiệp - hướng đi bền vững; Hội thảo thực trạng và giải pháp phát triển du lịch nông nghiệp, nông thôn; Tọa đàm du lịch Hậu Giang tiềm năng và phát triển; Hội thảo phục hồi chợ nổi Ngã Bảy gắn với việc liên kết các điểm du lịch trên địa bàn thị xã Ngã Bảy và huyện Phụng Hiệp… Cùng với đó là tổ chức tham quan nhiều mô hình phát triển du lịch hiệu quả ở các tỉnh có điều kiện tương đồng; mời và tạo điều kiện cho các công ty lữ hành từ Thành phố Hồ Chí Minh đến khảo sát các điểm du lịch trên địa bàn…

Theo bà Nguyễn Thị Lý, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, thời gian qua, Sở đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành các kế hoạch, đề án phát triển lĩnh vực du lịch trên địa bàn. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan báo chí trong và ngoài tỉnh thực hiện các chuyên mục giới thiệu, quảng bá hình ảnh, tiềm năng, thế mạnh các sản phẩm du lịch đặc trưng, các dự án du lịch tỉnh nhà. Nhất là tích cực phổ biến phương châm “Mỗi công chức, viên chức là một hướng dẫn viên du lịch tích cực”, góp phần phát thúc đẩy lĩnh vực du lịch trên địa bàn tỉnh phát triển.

Nghị quyết số 09 được ban hành và đi vào cuộc sống đã thúc đẩy ngành du lịch của tỉnh nhà có bước chuyển biến tích cực, giúp lượng khách du lịch đến Hậu Giang và doanh thu lĩnh vực du lịch tăng qua từng năm. Năm 2018, lượng khách đến Hậu Giang đạt 420.000 lượt, tăng 26,5% so 2017, doanh thu tăng 147 tỉ đồng, tăng 22%.

Khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Phú Hữu - Hậu Giang.

Để du lịch phát triển

Theo nhận định của ngành chức năng, du lịch Hậu Giang có nhiều khởi sắc nhờ Nghị quyết số 09, nhưng chừng đó là chưa đáp ứng được như kỳ vọng.

Theo đó, lượng khách du lịch đến Hậu Giang tuy có tăng nhưng chủ yếu là khách nội địa, thời gian lưu trú rất ít; lượng khách quốc tế chiếm tỷ lệ thấp do hạ tầng du lịch chưa đồng bộ, các khu, điểm du lịch chưa thật sự hấp dẫn, chất lượng phục vụ du khách còn hạn chế.

Mặt khác, sản phẩm du lịch của tỉnh còn đơn điệu, chưa tạo được nét riêng so với các địa phương nên chưa thu hút nhiều tour du lịch của khách trong và ngoài nước. Hoạt động xúc tiến du lịch đạt kết quả chưa cao; các điểm du lịch của tỉnh phần lớn có quy mô nhỏ; cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch còn chưa đáp ứng được yêu cầu…

Đáng nói là Dự án bảo tồn và phát huy chợ nổi Ngã Bảy gắn với du lịch sông nước miệt vườn với tổng mức đầu tư 35 tỉ đồng đã hoàn thành vào năm 2018 được kỳ vọng sẽ khôi phục lại vị thế của chợ nổi lừng danh một thời, nhưng đến nay công trình này vẫn chưa phát huy được hiệu quả như mong đợi.

Ông Nguyễn Đăng Hải, Chủ tịch UBND thị xã Ngã Bảy, cho biết, nguyên nhân là do hạ tầng giao thông đấu nối đến chợ nổi chưa thông suốt; hoạt động mua bán tại khu vực chợ nổi trên sông giảm rất nhiều so với hình ảnh tấp nập ghe xuồng mua bán của chợ nổi trước đây. Bên cạnh đó, việc kết nối các điểm du lịch trên địa bàn thị xã cũng chưa thực hiện tốt, dẫn tới khai thác tiềm năng của chợ nổi còn hạn chế.

Với mục tiêu xây dựng ngành du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh trong tương lai nên Tỉnh ủy, UBND tỉnh và ngành chức năng đã đề ra nhiều giải pháp để thực hiện hiệu quả hơn Nghị quyết số 09. Trong đó, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch; tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội vào đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch; xây dựng và phát triển các tuyến du lịch trên kênh xáng Xà No, đặc biệt là đoạn thuộc địa bàn thành phố Vị Thanh.

Cùng với đó là nâng cao chất lượng hạ tầng giao thông, nhất là ưu tiên tuyến đường vào Khu du lịch cộng đồng khóm Cầu Đúc. Triển khai hiệu quả Đề án phát triển du lịch tỉnh Hậu Giang đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025. Đẩy nhanh tiến độ triển khai Khu du lịch sinh thái Việt - Úc; đẩy mạnh loại hình du lịch sông nước miệt vườn trên tuyến Quốc lộ 61C; tập trung khai thác các điểm du lịch cộng đồng; trùng tu các di tích lịch sử văn hóa trên địa bàn để phát triển loại hình du lịch về nguồn…

Tỉnh cũng sẽ ưu tiên đầu tư khai thác hiệu quả các làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch; tăng cường hợp tác phát triển du lịch với các tỉnh, thành trong khu vực, đặc biệt là Tây Ninh, thành phố Cần Thơ và Thành phố Hồ Chí Minh để liên kết mở rộng thị trường. Các huyện, thị, thành phải tích cực triển khai tiến độ thực hiện các dự án phát triển du lịch ở địa phương mình.

Ông Lữ Văn Hùng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, yêu cầu phải tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị trong công tác phát triển du lịch, nhất là nâng cao ý thức của người dân, doanh nghiệp và cộng đồng trong xây dựng và bảo vệ hình ảnh đất và người Hậu Giang.

Bí thư Tỉnh ủy lưu ý phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án du lịch, các dự án hạ tầng giao thông tại các điểm xây dựng các sản phẩm du lịch. Bố trí nguồn nhân lực thích hợp để triển khai các đề án quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh. Phát huy nguồn xã hội hóa phát triển lĩnh vực này, để làm sao nhà nhà làm du lịch, người người làm du lịch; nâng cao hiệu quả xúc tiến du lịch, phát huy vai trò của cơ quan truyền thông, phấn đấu sớm đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh…

“Để phát huy chợ nổi Ngã Bảy thì hạ tầng phải hoàn thiện, trong đó đường giao thông phải đảm bảo cho xe khách có thể hoạt động tốt đến khu chợ nổi; phải xây dựng cầu tàu để lên xuống hàng hóa, có bãi đậu, đỗ xe. Đặc biệt là chợ nổi phải gắn liền với việc tiêu thụ nông sản nên địa phương rất cần có một chợ đầu mối nông sản ở khu vực này”, ông Nguyễn Đăng Hải, Chủ tịch UBND thị xã Ngã Bảy, nêu ý kiến.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>