Vì sức khỏe, vì sự phát triển của học sinh

02/10/2023 | 19:00 GMT+7

Bước vào đầu năm học mới, các trường mầm non, mẫu giáo và trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đặc biệt lưu ý việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, phòng tránh ngộ độc thực phẩm, các bệnh truyền qua đường thực phẩm cho học sinh.

Các trường mầm non, mẫu giáo trên địa bàn tỉnh luôn chủ động, chú trọng việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm cho trẻ.

An toàn thực phẩm là ưu tiên hàng đầu

Những ngày đầu đưa con đến trường, bên cạnh nỗi lo về việc học hành và thích nghi với môi trường mới, chị Nguyễn Ngọc Thùy, ở ấp 8, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, rất chú ý đến việc ăn uống, sinh hoạt của con. Con trai chị là cháu Nguyễn Khôi Nguyên, năm nay mới lên 4 tuổi, rất cần một chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và lành mạnh để đảm bảo sức khỏe cũng như sự phát triển toàn diện trong tương lai.

Chị Thùy chia sẻ: “Tôi thường xuyên tranh thủ nấu ăn tại nhà cho con, hạn chế để con ăn những đồ ăn được chế biến sẵn bên ngoài. Với những loại bánh, kẹo có chứa phẩm màu độc hại hay không rõ nguồn gốc xuất xứ, tôi sẽ không cho con ăn. Vì vậy, khi con đến trường, tôi cũng mong con được ăn những món ăn đảm bảo chất lượng để con luôn khỏe mạnh”.

Tâm tư của chị Thùy cũng là mong muốn của nhiều bậc phụ huynh khi cho con đi học ở các trường mầm non, mẫu giáo và trường tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Thấu hiểu được tâm lý đó của phụ huynh, thời gian qua, việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn, căn tin trường mầm non, mẫu giáo và trường tiểu học tại tỉnh được đặc biệt chú trọng. Bên cạnh quản lý của ngành y tế, ngành giáo dục và đào tạo, lãnh đạo các trường và người phụ trách bếp ăn, căn tin đã nỗ lực kiểm soát, thực hiện tốt việc nhập nguyên liệu đầu vào, chế biến và cung cấp các suất ăn cho học sinh.

Theo bà Mai Thị Thu Sương, nhân viên cấp dưỡng tại Trường Mầm non Họa Mi, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy: “Mỗi ngày, khi nấu các suất ăn cho trẻ, chúng tôi luôn chú ý chọn những thực phẩm tươi ngon. Đảm bảo sạch sẽ, vệ sinh trong quá trình sơ chế, chế biến và phân chia thực phẩm. Tiến hành lưu mẫu thức ăn trước khi cho trẻ ăn. Ngoài ra, chúng tôi cũng lưu ý lên thực đơn mỗi ngày sao cho đầy đủ chất và đảm bảo sức khỏe cho trẻ”.

Nhờ đó, thời gian qua, không xảy ra tình trạng ngộ độc thực phẩm tại các bếp ăn, căn tin trường mầm non, mẫu giáo và trường tiểu học trên địa bàn tỉnh.

Tiếp tục kiểm soát hiệu quả

Đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn, căn tin trường mầm non, mẫu giáo và trường tiểu học tại tỉnh cũng còn tiềm ẩn nhiều mối nguy, cần được quan tâm, kiểm soát hiệu quả hơn nữa. Ông Nguyễn Văn Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm tỉnh, cho biết: “Để tăng cường công tác đảm bảo an ninh, an toàn thực phẩm trong tỉnh, vừa qua, chi cục đã triển khai kế hoạch đã tổ chức hội nghị tập huấn, hướng dẫn, triển khai văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm cho các bếp ăn, căn tin trường mầm non, mẫu giáo và trường tiểu học trên địa bàn tỉnh năm 2023”.

Hội nghị đã tập trung triển khai một số nội dung trọng tâm Chỉ thị số 17 ngày 21-10-2022 của Ban Bí thư về tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới. Điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh thực phẩm, kinh doanh dịch vụ ăn uống thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ Y tế. Hướng dẫn kiểm thực 3 bước và lưu mẫu thức ăn tại các bếp ăn, căn tin trường mầm non, mẫu giáo, tiểu học.

Qua tổ chức hội nghị tại 8 huyện, thị, thành phố trên địa bàn tỉnh, 100% người đại diện lãnh đạo trường, người quản lý bếp ăn, căn tin các trường mầm non, mẫu giáo và trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã được cập nhật kịp thời các văn bản pháp luật về an toàn thực phẩm, nâng cao kiến thức phòng ngừa ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Từ đó, duy trì và thực hiện tốt hơn việc đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong trường học.

Theo ông Nguyễn Văn Mẫm, Trưởng khoa Y tế công cộng - An toàn thực phẩm, Trung tâm Y tế huyện Long Mỹ: “Chúng tôi đã phối hợp với Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện để đi kiểm tra các bếp ăn, căn tin trong trường học. Các cơ sở phải đảm bảo đầy đủ cơ sở pháp lý, việc khám sức khỏe, tránh trường hợp bệnh tật để lây nhiễm chéo trong thực phẩm trường học. Nhắc nhở họ lấy những mặt hàng thực phẩm rõ nguồn gốc xuất xứ, có hóa đơn chứng từ rõ ràng. Riêng các bếp ăn tập thể cần lưu ý phải có lưu mẫu trong 24 giờ”.

Với những sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt đó, ngành y tế quyết tâm phối hợp với ngành giáo dục nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, bảo vệ sức khỏe và sự phát triển toàn diện của học sinh trên địa bàn tỉnh trong năm học này.

Bài, ảnh: ĐANG THƯ

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>