Nét văn hóa của nghề làm nhang

19/01/2017 | 11:52 GMT+7

Cận kề Tết Nguyên đán, những người gắn bó với nghề làm nhang lại hối hả với công việc để cho ra những nén nhang thành phẩm kịp phục vụ nhu cầu tết và dịp rằm tháng Giêng.

Chị Huệ đang chuẩn bị nhang mang giao cho cơ sở thu mua.

Dưới cái nắng dịu nhẹ của những ngày cuối năm, ven con đường về trung tâm huyện Châu Thành A, rất dễ bắt gặp hình ảnh những sân phơi nhang vàng óng của một số hộ dân nơi đây. Tranh thủ ghé thăm gia đình bà Trần Lệ Trúc, ở thị trấn Một Ngàn, một trong những hộ chuyên làm nhang ở đây, thấy ai cũng tất bật, không ngơi tay. Đang nhanh tay cho tăm nhang vào máy để se nhang, bà Trúc vui vẻ nói: “Tui làm nghề se nhang này cũng được hơn 2 năm nay rồi. Ở đây, chủ yếu tui làm xong bỏ mối cho chủ ở ngoài thị trấn Cái Tắc. Do gia đình chỉ có mình tui làm nên mỗi ngày cũng được khoảng 10kg nhang thành phẩm thôi. Thường vào mấy dịp rằm hay tết làm không kịp nghỉ tay luôn nhằm bữa quên cả ăn uống. Có khi nhiều sư cô trong mấy chùa gần đây cũng đến đặt mua nữa”.

Cái cụm từ “luôn chân luôn tay” thấy thật đúng với nghề se nhang. Nhang đã thành phẩm sẽ được thu mua với giá 20.000 đồng/kg. Thường nguyên liệu để làm nhang gồm có bột, tăm nhang, phẩm màu… bà Trúc sẽ mua tại điểm thu mua nhang thành phẩm. Tăm nhang khi lấy về sẽ đem đi sơn màu đỏ phần dưới chân nhang, rồi mang đi phơi cho màu khô. Bột để làm nhang mua về sẽ được trộn với nước ở tỷ lệ vừa phải. Để bột dính và không rơi ra khỏi tăm nhang khi se xong, người thợ phải biết điều chỉnh lượng nước thường xuyên để bột không quá khô cũng như không quá ướt. Nhang sau khi se xong chỉ cần mang ra phơi dưới ánh nắng từ 2-3 giờ là có thể cho ra nhang thành phẩm. “Với người làm nhang, quan trọng là để nhang được khô ráo. Nhang làm xong phải được phơi kỹ, các nén nhang khi thành phẩm phải được đặt ở nơi khô ráo, tránh nước và không khí ẩm”, bà Trúc chia sẻ thêm. 

Cũng gắn bó với nghề làm nhang hơn một năm nay, gia đình ba người của chị Trần Kim Huệ, ở xã Tân Hòa, huyện Châu Thành A, mấy ngày này cũng tất bật với công việc làm nhang. Chị Huệ tâm sự: “Thấy mấy bữa nay, trời còn nắng gắt nên gia đình tui gắng làm cho nhiều. Chứ sợ ít bữa nữa trời lại mưa như mấy ngày trước hay trời ui ui là làm ra phơi cực lắm. Nhằm bữa thấy trời nắng đẹp, trộn bột sẵn hết tới lúc làm xong mang nhang đi phơi thì trời bắt đầu mưa coi như bữa đó ngồi… rầu luôn. Nghề làm nhang chủ yếu lấy công làm lời. Dạo gần tết là bắt đầu vào vụ của nghề se nhang rồi”. Do thấy công việc se nhang cũng nhẹ nhàng nên chồng chị Huệ hồi trước chuyên làm thuê làm mướn cũng bỏ nghề để về phụ chị làm nhang.

Ngày nay, có rất nhiều loại nhang như nhang trầm, nhang vòng, nhang đen… Nhưng nhang trầm vẫn được nhiều người lựa chọn. Theo chị Huệ để làm ra nhang nhìn thấy đơn giản thế, nhưng phải trải qua rất nhiều công đoạn và đòi hỏi người thợ phải hết sức tỉ mỉ mới tạo ra được sản phẩm ưng ý khách hàng. Thường sau khi nhang đã thành phẩm khoảng 2 ngày, chị Huệ mới mang ra bán lại cho mối thu mua ở thị trấn Cái Tắc. Trung bình mỗi ngày, gia đình chị làm được gần 50kg nhang thành phẩm và mỗi lần bán trừ hết chi phí cũng lời được từ 400.000-500.000 đồng.

Phong tục thắp nhang đã theo suốt hành trình mở đất của ông cha, chắc cũng không biết có tự bao giờ. Vào ngày tết, ngày giỗ, ngày lễ, mỗi khi lễ chùa hay khi chuẩn bị đi xa hoặc khi sắp bắt đầu việc gì đó quan trọng, nhiều người thường có thói quen thắp nhang. Ngày tết, đốt nén nhang thờ cúng đất trời, tổ tiên mỗi người chúng ta như gửi gắm vào đó tâm tư tình cảm, cầu mong may mắn, hạnh phúc và vạn sự như ý cho một năm mới… từ nét văn hóa đó, đã giúp cho những làng nghề như nghề làm nhang phát triển và sống được hơn…

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>