Nghề gác chim mùa nước nổi

18/11/2020 | 09:34 GMT+7

Nước nổi đã vào mùa, cũng là lúc dân nhà nghề gác chim quốc, cúm núm, chim cu... rủ nhau ra đồng giăng bẫy. Nghề này còn được xem là thú vui tao nhã của nhiều người mê gác chim quốc, chim cu, cúm núm... đến nỗi quên ăn, có khi chẳng dính được con nào nhưng họ vẫn vui.

Một con cúm núm dính bẫy lưới của anh Đại.

Song hành cùng thú gác chim cu, cúm núm thì gác chim quốc là môn chơi khá hấp dẫn. Anh Ba Thức (Nguyễn Văn Thức), ở ấp Trường Bình A, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, được bà con địa phương quen gọi là “vua” chim. Không phân biệt mùa nắng hay mưa, hầu như ngày nào anh cũng rong ruổi khắp nơi để gác chim cu, chim quốc và nhà anh lúc nào cũng ồn ào tiếng chim kêu. Hiện anh sở hữu hàng chục con chim cu, chim quốc, chìa vôi “mồi”, con nào cũng tinh khôn, mỗi lần anh cất lên tiếng huýt thì đàn chim quốc, chim cu, chìa vôi… xòe cánh kêu lên đồng loạt nghe rất êm tai.

Anh Thức đang tìm nơi gác quốc.  

Anh Thức cho biết, giá trị mỗi con chim mồi mà anh đang có lên đến cả triệu đồng/con. Bởi thời gian thuần dưỡng được một con chim mồi khôn khéo, biết dẫn dụ được chim hoang dã vào bẫy để bắt là kỳ công rèn luyện ít nhất cũng phải mất từ 1 năm những con chim mồi mới thuần thục. Theo kinh nghiệm của anh, để có được con chim mồi ưng ý thì vào khoảng tháng 9 đến tháng 10 âm lịch hàng năm là thời điểm chim quốc “bắt cặp”, cứ men theo các bụi rậm trong liếp vườn, hay trên ruộng tìm ổ hốt trứng quốc đem về cho gà ấp. Khi chim quốc nở ra lớn khôn đem nuôi nhốt thuần dưỡng để làm chim mồi, còn những con quốc sống hoang dã bẫy được chỉ ăn thịt chứ không thể nuôi làm quốc mồi. Bởi loài chim này sống rất chung thủy, nếu một trong hai con trống hoặc mái bị dính bẫy, con còn lại lang thang đi tìm gọi bạn tình suốt ngày đêm nếu không gặp được, nó kêu quốc oa… quốc oa… hoài có khi đến chết mới thôi.

Đưa tay vuốt nhẹ bộ lông mượt mà con quốc mồi, anh Thức nói với tôi: “Thật ra tôi đam mê nghề gác chim quốc, chim cu không phải vì lợi nhuận kinh tế, mà đây chỉ là thú vui tao nhã”. Mỗi người có một sở thích riêng, người nuôi gà, nuôi vịt nghiện tiếng vịt kêu, gà gáy anh thì nghiện tiếng chim quốc, chim cu nên những ngày rảnh rỗi công việc, sáng sớm anh đã khăn gói lên đường đến tối mịt mới về. Hôm nào nhiều lắm cũng chỉ 5-7 con chim cu, chim quốc, có khi cũng không có con nào. Lần cùng anh đi gác chim quốc, tôi mới cảm nhận được sự đam mê của anh.

Khi chọn được một bờ liếp có nhiều bụi rậm nghi có chim quốc trú ngụ, anh Thức liền đặt bẫy. Để tránh sự “nghi ngờ” của chim quốc, anh Thức và tôi ngồi nép mình trong lùm cây gần đó mở máy cassette có thu âm tiếng quốc kêu ra. Một con chim quốc từ đám lục bình dưới mương trồi lên tiến gần đến bẫy chuẩn bị đá con quốc mồi, anh Thức nói khẽ: “Đừng cử động và nói chuyện, con quốc sẽ phát hiện có tiếng người là bay lập tức”. Con chim quốc mồi nhốt trong bội rập luôn gật gù kêu to như thách thức vậy… và rồi con chim quốc rừng nhào tới đá con quốc mồi nghe “cái rẹt” xong, con quốc rừng dính bẫy.

Gần cả ngày luồn lách theo anh trong vườn cây, bờ cỏ, bụng tôi nghe như cồn cào đói. Chia tay anh cũng là lúc ánh mặt trời khuất dần sau những rạng cây, trên cánh đồng mênh mông nước thuộc địa phận xã Vĩnh Trung, huyện Vị Thủy, những nông dân hành nghề câu lưới cũng hối hả ra đồng. Chỉ có anh Hai Đại thì cứ ngồi săm soi cái máy thu băng rồi nhìn nói khẽ: “Anh có rảnh không đi giăng lưới chim với tôi một lần cho biết”.

Đêm không trăng cánh đồng vắng lặng, Hai Đại lò mò cắm sào căng lưới. Anh buộc lưới rất thành thạo, tôi nằm chéo chân trên sạp xuồng nhìn sao trời, phía trên là tấm lưới dài gần ba mươi mét bằng dây gân nhuyễn như tơ căng bốn góc thẳng băng. Hai Đại dỡ sạp xuồng lấy ra bộ đồ nghề, mở băng cassette tiếng cum, cum… phát ra, một con chim gà nước (cúm núm) đâm đầu vào lưới. Thoáng qua chưa quá 1 giờ mà đã có 4 con mắc lưới, nhìn những con chim bị trói giẫy giụa lụp cụp trong sạp xuồng. Tiếng gió rít thật mạnh hướng tấm lưới căng, Hai Đại vội phóng ùm xuống nước theo hướng chim vừa mới vụt qua rồi nói: “Rách lưới sẩy con quốc rồi không biết nó có trở lại không nữa”. Hai Đại lên xuồng uể oải ngồi lặng yên như tiếc rẻ, bỗng tôi nghe từ trong lưới giăng phát ra một tiếng “phựt”, một con chim bị quấn chặt trong lưới. Nhìn lên bầu trời tối đen như mực, Hai Đại nói với tôi “đêm nay gió mạnh, chim không di trú tìm mồi, thôi khuya rồi mình về”. Rồi Hai Đại vội nhổ sào, cuốn lưới.

Trên đường về, Hai Đại kể huyên thuyên chuyện chim cò. Số chim đánh bắt được mang về làm thịt, nếu có nhiều thì đem ra chợ hoặc bán cho nhà hàng, quán nhậu với giá khoảng 30.000-40.000 đồng/con. Theo Hai Đại thì những tháng nước nổi như hiện nay, lượng chim cò bắt được nhiều hơn những tháng nước cạn đồng. Nắm được đặc điểm này mà cánh thợ bẫy chim “hành nghề” đúng vào thời điểm chim di trú. Tôi chợt nghĩ với kiểu đánh bắt thế này, sau những mùa chim di trú, số lượng chim sinh sống ngoài tự nhiên rồi lại sẽ vơi đi, liệu những người như anh Thức, anh Đại… có còn tìm thấy niềm đam mê từ những con chim quốc, chim cu, gà đồng, cúm núm… 

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>