Cao điểm tiêu độc, vệ sinh môi trường

01/12/2019 | 12:59 GMT+7

Thời tiết nắng, mưa đan xen dễ làm phát sinh nhiều loại dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Người dân cần nâng cao ý thức phòng bệnh để đảm bảo an toàn trong chăn nuôi.

Các địa phương ra quân tiêu độc khử trùng môi trường đợt 2.

Ý thức chưa cao

Các bệnh trên gia súc, gia cầm thường xảy ra vào những tháng cuối năm, nhất là thời điểm giao mùa, nắng, mưa đan xen. Thời tiết thay đổi đột ngột, sức đề kháng của vật nuôi yếu không thể thích nghi kịp, vi-rút gây bệnh dễ tấn công. Vấn đề quan trọng vẫn là tuyên truyền nâng cao ý thức phòng, chống dịch bệnh cho người chăn nuôi. Thời gian qua, ngành chuyên môn vẫn tập trung công tác này, nhưng một bộ phận người chăn nuôi nhỏ lẻ ở nông thôn vẫn còn lơ là chuyện tiêm phòng bệnh.

Bà Nguyễn Thị Kiểm, ở ấp 3, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, cho biết do nuôi nhỏ lẻ nên không chú ý khâu tiêm phòng bệnh. “Nuôi cho nó ăn cơm đổ, lúa. Mấy tháng thì có người vô tiêu độc khử trùng môi trường. Năm rồi, tôi làm ruộng sau hè, không bán lúa chét mà để lại cho vịt ăn. Nhưng nó chết nhiều quá còn chừng mười con”, bà Kiểm cho biết.

Bà Nguyễn Thị Lệ, ở thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy, cho biết mới bắt đầu nuôi năm nay khoảng 30 con gà để bán kiếm tiền xài tết. Người ta nuôi gà, vịt ngán nhất là thời tiết cuối năm, lúc chuyển lạnh là bị thất thoát.

Khi được hỏi về bệnh nguy hiểm như cúm gia cầm, bà Lệ chia sẻ chỉ biết sơ sài và cho rằng những chỗ nuôi nhiều mới cần tiêm phòng. “Người ta nuôi nhiều thì còn tiêm phòng, chứ mình nuôi ít thì tiêm chi cho tốn tiền. Có khi thấy người ta chích ngừa bệnh xong thì gà bị chết nên tôi không làm. Ở đây, tôi mua thuốc nhức đầu cảm cúm cho tôi uống rồi pha cho gà uống luôn chứ không có tiêm ngừa gì. Cứ hết thuốc thì mua nữa”.

Cao điểm phòng bệnh

Theo ông Ngô Minh Long, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, để chủ động tiêu diệt mầm bệnh, ngăn ngừa dịch bệnh phát sinh và lây lan rộng, giảm thiểu nguy cơ lây bệnh cho con người, đảm bảo an toàn thực phẩm cũng như an toàn dịch bệnh cho phát triển chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành kế hoạch thực hiện “Tháng tổng vệ sinh, khử trùng, tiêu độc môi trường đợt 2 năm 2019”. Hiện nay, các địa phương khẩn trương ra quân tiêu độc khử trùng môi trường trên diện rộng. Đây là hoạt động thường niên, mỗi năm được ngành nông nghiệp tỉnh tổ chức 2 lần. Năm nay, hoạt động này càng có ý nghĩa bởi đợt phun xịt khử trùng diễn ra ở thời điểm dịch tả heo châu Phi đang tạm lắng. Tương tự đợt 1, đối tượng vệ sinh tiêu độc là các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung, chăn nuôi hộ gia đình, các cơ sở ấp trứng, thu gom, kinh doanh gia cầm và sản phẩm gia cầm. Các cơ sở giết mổ; các điểm, chợ mua bán gia súc, gia cầm, cơ sở thu gom, kinh doanh trứng, cơ sở ấp trứng gia cầm; đường ra vào cơ sở giết mổ, kinh doanh gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm. Khai thông cống rãnh, thu gom, chôn, đốt phân, rác, chất độn chuồng. Phun hóa chất tiêu độc, khử trùng toàn bộ chuồng trại, khu vực chăn nuôi và vùng lân cận mỗi tuần 1 lần, liên tục trong 4 tuần.

Theo ông Nguyễn Hùng Vỹ, Trưởng Trạm Chăn nuôi và Thú y huyện Vị Thủy, hiện nay lực lượng thú y phối hợp với các địa phương đã triển khai phun xịt khử trùng tại các hộ chăn nuôi, các chợ theo đúng kế hoạch. Hoạt động này nhằm ngăn ngừa mầm bệnh, đảm bảo an toàn chăn nuôi trên địa bàn.

UBND cấp xã cũng thành lập các đội vệ sinh và phun hóa chất tiêu độc khử trùng đối với khu vực chăn nuôi gia súc, gia cầm nhỏ lẻ quy mô hộ gia đình mỗi tuần 1 lần, liên tục trong 4 tuần và thực hiện hàng ngày đối với các chợ buôn bán gia súc, gia cầm, sản phẩm gia súc, gia cầm. Đối với các cơ sở chăn nuôi gia súc, gia cầm tập trung; cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm; cơ sở ấp trứng, thu gom kinh doanh trứng gia cầm, chủ cơ sở tự trang bị vật tư, hóa chất, kinh phí, tổ chức thực hiện dưới sự giám sát của chính quyền địa phương và thú y cơ sở.

Thực hiện vệ sinh, tiêu độc khử trùng sau mỗi ca sản xuất ở nơi giết mổ. Sau khi gia súc, gia cầm được đưa đi giết mổ, toàn bộ khu vực nhốt phải được vệ sinh tiêu độc, khử trùng trước khi nhập đàn mới. Xông hoặc phun khử trùng máy ấp sau mỗi ca sản xuất, phun tiêu độc khử trùng hàng ngày toàn bộ diện tích cơ sở ấp trứng, thu gom kinh doanh trứng, đường ra vào cơ sở ấp trứng, các phương tiện vận chuyển. Đồng thời, thu gom và tiêu hủy vỏ trứng sau khi ấp nở. Vệ sinh, tiêu độc khử trùng các quầy kệ, nơi bày bán gia súc, gia cầm vào cuối mỗi buổi chợ; phun thuốc khử trùng các lồng nhốt, phương tiện vận chuyển khi vào, ra khỏi chợ. Thống kê đến ngày 22-11, tổng số hóa chất đã phun xịt tại hộ chăn nuôi và tại các chợ gần 1.700 lít.

Trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, tính đến ngày 22-10-2019 đã xảy ra 2.638 ổ dịch tả heo châu Phi ở 463 ấp, khu vực tại 75 xã, phường, thị trấn của 8 huyện, thị xã, thành phố. Tổng số heo chết và tiêu hủy do dịch bệnh hơn 55.000 con, với tổng trọng lượng trên 3.365 tấn. Bên cạnh đó, cũng xảy ra các dịch bệnh khác trên đàn heo như: 3 ổ dịch bệnh lở mồm long móng, 1 ổ dịch bệnh dịch tả heo cổ điển, 3 ổ dịch bệnh tai xanh làm chết và tiêu hủy 143 con; 3 ổ dịch cúm gia cầm với tổng số gà bị chết và tiêu hủy là 11.920 con.

 

Bài, ảnh: KỲ ANH

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>