Chủ động ứng phó thiên tai

23/10/2019 | 18:07 GMT+7

Từ đầu năm 2019 đến nay, các tỉnh ĐBSCL chịu tác động nhiều cơn bão, giông lốc, lũ lụt, nắng nóng, xâm nhập mặn và đặc biệt là sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển... gây ra thiệt hại lớn.

Có thể nói, diễn biến thiên tai ngày càng khó lường đã gây ra nhiều thiệt hại cho người dân. Vì vậy, đề cao cảnh giác để phòng, chống thiên tai luôn được ngành chức năng quan tâm.

Kè chống sạt lở ở huyện Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: HƯNG TÂN

Diễn biến phức tạp

Tổng cục Phòng, chống thiên tai (Bộ NN&PTNT) cho biết, từ đầu năm 2019 đến nay, tình hình thiên tai gây ảnh hưởng tới tất cả 13 tỉnh, thành vùng ĐBSCL và diễn biến rất phức tạp. Toàn vùng có khoảng 512 điểm sạt lở bờ sông với chiều dài 566km, trong đó có 59 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, dài 103km; song song đó, có 52 điểm xói lở bờ biển, dài 268km, trong đó có 43 điểm xói lở đặc biệt nguy hiểm, dài 160km… Đáng lo ngại là xuất hiện một số đợt thiên tai nghiêm trọng, như: mưa lớn kèm giông lốc vào cuối tháng 7-2019 làm thiệt hại 1.147 căn nhà ở An Giang, 208 căn nhà ở Đồng Tháp và nhiều thiệt hại về sản xuất nông nghiệp; mưa lớn kéo dài gây ngập lụt ở đảo Phú Quốc (Kiên Giang) vào tuần đầu tháng 8-2019, khiến 8.424 nhà bị ngập, 63km đường giao thông chìm trong nước; đến giữa tháng 9-2019, tiếp tục xảy ra mưa lớn gây ra ngập lụt tại đảo Phú Quốc sâu từ 0,5-1,2m làm ngập 8.400 nhà. Tại Cà Mau, tình trạng xói lở bờ biển do sóng lớn làm tràn 0,3-0,4m ở một số đoạn trên tuyến đê Biển Tây, huyện Trần Văn Thời; đặc biệt gây xói lở nghiêm trọng tuyến Đá Bạc - Kinh Mới với chiều dài 356m, có 2 vị trí xói lở chân đê.

Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, từ đầu năm 2019 đến nay thiên tai làm sập, tốc mái 240 căn nhà dân, phòng học trên địa bàn. Bên cạnh đó, còn xảy ra 46 điểm sạt lở đất bờ sông với chiều dài 1.112m; có 1 trường hợp bị sét đánh; tổng thiệt hại 5,073 tỉ đồng. Đến nay, các địa phương đã tiến hành hỗ trợ cho người dân có nhà sập, tốc mái, bị sét đánh với số tiền hơn 724 triệu đồng và đang trình các cấp có thẩm quyền để hỗ trợ các trường hợp còn lại.

Trước tình hình thiên tai diễn biến phức tạp, Bộ NN&PTNT đã tổ chức 3 đoàn công tác kiểm tra trực tiếp tại các tỉnh Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre; chỉ đạo các địa phương rà soát, xây dựng bản đồ phòng, chống sạt lở vùng ĐBSCL, tổ chức cắm biển cảnh báo, di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm. Ngoài ra, Bộ NN&PTNT yêu cầu tỉnh Cà Mau tiếp tục thử nghiệm, ứng dụng một số giải pháp đã thực hiện trong thời gian qua, trong đó có giải pháp 2 hàng cọc ly tâm phía trong thả đá hộc nhằm giảm xuất đầu tư từ 45 tỉ đồng/km xuống 30 tỉ đồng/km đối với bờ Biển Đông bị lở nghiêm trọng.

Bộ Khoa học và Công nghệ cũng triển khai nghiên cứu một số đề tài phòng, chống xói lở bờ biển ĐBSCL và ban hành 4 tiêu chuẩn về phòng, chống xói lở bờ biển. Bộ NN&PTNT đã trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ các địa phương 1.720 tỉ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách năm 2019 để xử lý sạt lở khẩn cấp; có văn bản gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hỗ trợ các địa phương xử lý sạt lở khẩn cấp 1.273 tỉ đồng từ nguồn dự phòng đầu tư công trung hạn 2016-2020. Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đã trình Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ 419 tỉ đồng cho 4 dự án xử lý sạt lở khẩn cấp ở tỉnh An Giang, Kiên Giang, Cà Mau và thành phố Cần Thơ.

 Sạt lở phức tạp ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang. Ảnh: HOÀI THU       

Tăng cường công tác phòng, chống

Hiện nay, lũ ở đầu nguồn vùng ĐBSCL đã giảm. Tuy nhiên, tình hình bão, mưa lớn, giông lốc, sét, sạt lở bờ sông, xói lở bờ biển và các đợt triều cường cao vào những tháng cuối năm 2019 còn diễn biến phức tạp. Vì vậy, Tổng cục Phòng, chống thiên tai lưu ý các địa phương tiếp tục theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết, thiên tai; sẵn sàng phương án sơ tán dân vùng nguy hiểm ven biển, ven sông, đảm bảo an toàn cho người dân, nhất là học sinh, trẻ em. Chủ động các biện pháp bảo vệ sản xuất nông nghiệp, đề phòng mưa lớn, ngập lụt do triều cường xảy ra.

Các địa phương tranh thủ thời tiết thuận lợi trong mùa khô đẩy nhanh tiến độ triển khai thi công các công trình đã được bố trí vốn của 5 dự án thuộc các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Sóc Trăng và Tiền Giang đã hoàn thành hơn 90% khối lượng; 3 dự án kinh phí 210 tỉ đồng thuộc các tỉnh An Giang, Vĩnh Long chưa tổ chức thi công… Tăng cường quản lý khai thác cát sông, xây dựng nhà ở, công trình trên lòng sông, bãi sông; nghiên cứu đề xuất mô hình xã hội hóa đầu tư xây dựng công trình phòng, chống sạt lở bảo vệ đê biển. Theo nhận định, mùa mưa năm nay sẽ kết thúc sớm vào đầu tháng 11-2019; do lũ ở mức thấp nên tình hình hạn hán và xâm nhập mặn trong mùa khô 2019-2020 có thể xảy ra nghiêm trọng.

Để chủ động đối phó với tình hình thiên tai, triều cường gây ngập úng cục bộ, ông Trần Thanh Toàn, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hậu Giang, cho biết đã đề nghị các địa phương thực hiện phương châm 4 tại chỗ, chỉ đạo bộ phận chuyên môn kiểm tra, rà soát hệ thống đê bao các khu vực có khả năng bị ảnh hưởng của lũ nội đồng. Tăng cường gia cố, tôn cao các đoạn đê, bờ bao thấp, yếu có nguy cơ xảy ra tràn, vỡ, sạt lở để bảo vệ vườn cây ăn trái, vùng nuôi thủy sản, vùng trồng hoa màu. Đối với vùng mía nguyên liệu huyện Phụng Hiệp, đây là vùng trũng, thấp, nước lũ ngập úng cục bộ nên chính quyền địa phương cần hỗ trợ người dân thu hoạch mía chạy lũ để tránh thiệt hại...

Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nhận định, mùa khô 2019-2020 độ mặn 4g/l xâm nhập sâu vào nội đồng từ 65-67km trên sông Vàm Cỏ; từ 40-55km trên các cửa sông Cửu Long; từ 45km trên sông Cái Lớn. Khả năng ảnh hưởng đến 100.000ha lúa Đông xuân nhất là ở các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu; ảnh hưởng nước sinh hoạt của 50.000 hộ dân ven biển (nhất là ở các tỉnh Long An, Bến Tre, Trà Vinh, Sóc Trăng, Bạc Liêu, Cà Mau)… Do đó, các địa phương cần nhanh chóng triển khai nạo vét kênh rạch, thực hiện các biện pháp tích trữ nước ngọt để phục vụ sản xuất và sinh hoạt… Lãnh đạo Bộ NN&PTNT cũng yêu cầu các địa phương ở ĐBSCL theo dõi chặt chẽ các thông tin dự báo, cảnh báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam bộ, tham khảo dự báo của Ủy ban sông Mekong Việt Nam, Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam, Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam và các cơ quan khoa học… nhằm nắm bắt những diễn biến thiên tai kịp thời và chủ động điều chỉnh thời vụ, có giải pháp ứng phó phù hợp để đảm bảo sản xuất nông nghiệp được hiệu quả và giảm thiểu thấp nhất những ảnh hưởng thiên tai đối với người dân…

Mới đây, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh đã đề nghị Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn tỉnh thường xuyên kiểm tra, đôn đốc các sở, ban, ngành tỉnh và UBND huyện, thị xã, thành phố thực hiện tốt kế hoạch phòng, chống hạn hán, xâm nhập mặn sát với tình hình thực tế. Đồng thời, phối hợp chặt chẽ với Đài khí tượng thủy văn tỉnh theo dõi, dự báo, cảnh báo tình hình xâm nhập mặn, xây dựng các trạm đo mặn tự động tại các cửa sông chính để kiểm soát mặn xâm nhập từ Biển Đông và Biển Tây vào địa bàn tỉnh Hậu Giang. Nắm lại số hộ dân bị thiếu nước ngọt sinh hoạt, nhất là đối với các hộ nghèo, hộ cận nghèo, gia đình chính sách, đồng bào dân tộc thiểu số để kịp thời thực hiện các giải pháp hỗ trợ cho người dân.

 

Thống kê cho thấy, thiên tai trong 9 tháng đầu năm 2019, ở khu vực ĐBSCL và Đông Nam bộ đã làm 16 người chết và mất tích, 54 người bị thương; 2.210 căn nhà thiệt hại nặng, 15.603 nhà bị ngập nước; 21.355ha lúa và 1.342ha cây ăn trái bị thiệt hại; 117.675 con gia cầm bị chết, nước cuốn trôi; 80 tàu cá bị hư hỏng… Tổng giá trị thiệt hại ước tính khoảng 315 tỉ đồng.

 

HƯNG TÂN - HOÀI THU

 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>