Khó khăn vì mưa dầm

15/10/2020 | 07:42 GMT+7

Mưa dầm kéo dài trong nhiều ngày qua kết hợp với triều cường dâng cao đã gây nhiều hệ lụy về sản xuất nông nghiệp và đời sống của người dân trên địa bàn tỉnh.

Mưa dầm kết hợp triều cường dâng đang gây đổ ngã và ngập úng nhiều diện tích lúa Thu đông trên địa bàn tỉnh.

Thiệt hại nặng trên lúa

Những ngày qua, khi nhiều cánh đồng lúa Thu đông trên địa bàn tỉnh bước vào giai đoạn thu hoạch rộ thì cũng là lúc xuất hiện mưa dầm liên tục cả ngày lẫn đêm do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu bão số 7. Từ việc mưa dầm kết hợp với triều cường dâng cao làm ngập các cánh đồng lúa, có nơi nước ngập đến bông lúa. Với tình cảnh trên đã và đang làm ảnh hưởng không nhỏ đến tiến độ thu hoạch lúa của bà con, đặc biệt có ruộng vì quá ngày cắt cộng thêm lúa bị sập, bông lúa nằm trong nước nhiều ngày nên hạt lúa đã bắt đầu lên mộng.

Đứng trên bờ mẫu chỉ tay về phía hơn 1ha lúa Thu đông của gia đình bị mưa dầm làm sập khoảng 70% diện tích, có nơi lúa đã lên mộng xanh, ông Trần Văn Luận, ở ấp 4, xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, buồn bã cho biết: “Toàn bộ đất của tôi và bà con ở cánh đồng này đều sạ giống lúa ST 24. Năm ngày trước, khi đến ngày hẹn thu hoạch, máy lên cắt được 2 vòng lúa thì mưa kéo dài đến nay. Cứ nghĩ vụ này sẽ có nguồn lợi nhuận cao do đánh giá năng suất đạt khoảng 700kg/công, cộng với giá lúa được thương lái bao tiêu trước đó là 6.200 đồng/kg, nào ngờ mưa làm lúa đổ ngã, lên mộng làm cho năng suất lúa còn khoảng 300kg/công, thậm chí thấp hơn”.

Do lúa quá ngày thu hoạch, bị đổ ngã và lên mộng khá nhiều; đồng thời nhận định tình hình mưa sẽ còn kéo dài trong nhiều ngày tới nên một số bà con ở cánh đồng sản xuất giống lúa ST 24 của ấp 4, xã Vị Bình và nhiều cánh đồng khác trong tỉnh vì nóng lòng nên định kiếm nhân công thu hoạch bằng tay. Tuy nhiên, theo bà con, cái khó hiện nay là việc tìm nhân công cắt lúa bằng tay và nếu có thì giá mướn cắt một công lúa sập bây giờ không dưới 600.000 đồng. Mặt khác, nếu có người cắt thì cũng chưa chắc đã có máy suốt do những thùng máy suốt đã bị hư vì lâu ngày không sử dụng hoặc người dân đã bán đi nơi khác.

Có chung hoàn cảnh với người dân xã Vị Bình, hiện có hơn 20ha lúa Thu đông (giống OM 5451 và OM 18) của bà con ở ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, cũng quá ngày thu hoạch gần 10 ngày nay và lúa cũng bị đổ ngã, lên mộng khá nhiều nhưng chưa thể thu hoạch vì mưa dầm liên tục trong những ngày qua. Để hạn chế hạt lúa tiếp xúc với nước làm lên mộng và đổ ngã thêm, bà con ở cánh đồng này đã thuê máy bơm rút nước liên tục từ trên ruộng ra ngoài trong nhiều ngày qua. Ông Nguyễn Thành Được, có gần 4ha lúa trong cánh đồng nơi đây, thông tin: “Từ khi bơm đến lúc cắt được lúa thì nông dân phải trả tiền thuê là 160.000 đồng/công. Dù bơm liên tục trong 7 ngày qua nhưng nước trên ruộng vẫn còn khá nhiều. Tuy nhiên, nhờ bơm rút nước nên cây lúa vẫn còn cầm cự được, chưa bị xuống lá nhiều, bông lúa vẫn còn vàng. Hiện có một số máy cắt đã nằm chờ sẵn ở bờ kênh và trên tinh thần sẵn sàng nên khi có điều kiện thuận lợi là tranh thủ cắt lúa liền”.

Qua ghi nhận của ngành nông nghiệp Hậu Giang, hiện toàn tỉnh có khoảng 19.000ha lúa Thu đông trong giai đoạn trổ - chín. Trong số này thì có nhiều diện tích ở giai đoạn thu hoạch. Tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể của ngành nông nghiệp tỉnh, thế nhưng qua ghi nhận thì tình hình mưa dầm kết hợp với triều cường dâng cao trong những ngày qua đã làm đổ ngã và gây ngập úng không ít diện tích lúa Thu đông của người dân. Dù lúa đã quá ngày cắt và bị đổ ngã nhưng điều khó hiện nay là máy cắt không thể vào ruộng thu hoạch do mưa liên tục, từ đó làm tiến độ thu hoạch lúa trong thời gian khoảng 10 ngày qua rất chậm. Ông Nguyễn Văn Hơn, chủ 2 máy cắt đang nằm chờ thu hoạch lúa cho bà con ở xã Vị Bình, huyện Vị Thủy, cho hay: “Không chỉ người trồng lúa lo lắng mà cánh máy cắt như tôi cũng sốt ruột không kém. Bởi do trời mưa nên hơn 5 ngày qua, 2 chiếc máy cắt của tôi chỉ nằm tại chỗ. Máy cắt, nhân công thì nằm chờ còn công lúa thì cứ dồn liên tục theo lịch hẹn nên đang đối mặt nhiều áp lực”. 

Ảnh hưởng đến sinh hoạt

Không chỉ gây thiệt hại trong sản xuất lúa, tình hình mưa dầm còn làm ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Qua ghi nhận tại một số địa phương trong tỉnh, nhất là tại một số vùng trũng, thấp thì mưa kết hợp với triều cường đã gây ngập xung quanh sân của nhiều nhà dân; đồng thời làm ngập một số tuyến đường thấp làm cho việc đi lại của bà con gặp nhiều trở ngại.

Anh Mai Văn Tàu, ở ấp 3, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, cho hay: “Mưa dầm trong những ngày qua đã gây ngập nhiều đoạn đường trước nhà, trong đó có đoạn ngập đến 20-30cm. Do nước ngập sâu nên nhiều xe bị chết máy, người dân rất khó để đi lại, từ đó rất nguy hiểm, nhất là về ban đêm”. Cùng chia sẻ khó khăn trong việc lưu thông trên đường giao thông nông thôn trong lúc này, ông Lê Văn Hùng, ở ấp 13, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, bộc bạch: “Mưa liên tục không có nắng nên hầu hết các con lộ làm bằng xi măng ở nông thôn đều đóng rong rêu, nhất là ở những nơi có cây, bụi rậm thì nhiều hơn. Do lộ đóng rong rêu nên rất trơn trợt và chuyện nhiều người không để ý bị ngã xe thì thường xuyên xảy ra”.

Không chỉ ảnh hưởng đến chuyện đi lại mà mưa dầm còn khiến bà con gần như dừng lại các công việc đồng áng của gia đình. Bà Mai Hồng Thắm, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, tâm sự: “Mưa hoài nên từ trên nhà xuống tiệm dưới sông chỉ cách con lộ nhựa 5m mà có khi còn không đi được. Ông nhà tôi đã quá cử xịt thuốc dưỡng cho mấy công lúa phía sau nhà mà chưa thực hiện được. Tội nhất là mấy đứa nhỏ đi học rất khó khăn do mưa suốt ngày”.

Theo thông tin cập nhật mới đây của Thường trực Ban chỉ huy Phòng, chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn (PCTT-TKCN) tỉnh từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, hiện bão số 7 đang tiến gần vào đất liền và ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh Bắc bộ và Bắc Trung bộ, sức gió mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Cùng với bão số 7, hiện có một vùng áp thấp nhiệt đới xuất hiện gần biển Đông và hướng di chuyển vào đất liền nước ta. Dự báo, áp thấp nhiệt đới sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Khánh Hòa đến Đà Nẵng.

Ông Trần Thanh Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi, Chánh Văn phòng Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh, cho biết: Để giảm thiểu thiệt hại về sản xuất nông nghiệp và các ngành khác trước ảnh hưởng của bão số 7 và áp thấp nhiệt đới, Ban chỉ huy PCTT-TKCN tỉnh vừa có văn bản đề nghị các địa phương trong tỉnh cần theo dõi sát diễn biến tình hình, nhất là theo dõi triều cường biển Đông kết hợp với lưu lượng nước thượng nguồn đổ về để thông báo kịp thời, chính xác cho người dân biết nhằm chủ động ứng phó hiệu quả. Bên cạnh đó, tổ chức kiểm tra, xử lý kịp thời những hư hỏng về hệ thống đê bao, bờ bao nhằm đảm bảo an toàn cho diện tích lúa Thu đông, hoa màu, vườn cây ăn trái, thủy sản, khu dân cư. Mặt khác, khuyến cáo người dân khi có mưa gây ngập thì chủ động bơm thoát nước để cứu thành quả sản xuất, nhất là ở vùng trũng, thấp và không đê bao...

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>