Ngành y tế: Những kết quả từ hành động giảm chất thải nhựa

12/12/2019 | 07:39 GMT+7

Hưởng ứng phong trào giảm chất thải nhựa trong cơ sở y tế, các trung tâm y tế, bệnh viện của tỉnh đã và đang thực hiện nhiều giải pháp tích cực giảm thiểu rác thải nhựa.

Sử dụng túi giấy thay bọc ni-lông đựng thuốc cho bệnh nhân tại Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh.

Trong các cuộc họp, hội ở các cơ sở y tế thời gian qua đã không còn xuất hiện các chai nước nhựa mà đã được thay thế bằng ly thủy tinh. Bà Trần Ngọc Phượng, Phòng Quản lý chất lượng bệnh viện và công tác xã hội, Trung tâm Y tế thành phố Vị Thanh, khẳng định: “Từ khi Bộ Y tế có chỉ thị thực hiện giảm chất thải nhựa trong ngành, Ban Giám đốc Trung tâm phát động nhiều phong trào và chúng tôi hưởng ứng tích cực với nhiều giải pháp mà trước tiên là thay đổi từ các cuộc họp, thay vì trước đây mỗi người được phát chai nước suối thì hiện nay dùng bình và ly thủy tinh. Phòng quản lý chất lượng của chúng tôi cũng đã đưa ra giải pháp sử dụng túi giấy thay túi ni-lông để đựng thuốc cho bệnh nhân và đã được thực hiện đem lại hiệu quả. Việc áp dụng giải pháp này đã giúp giảm thiểu ít nhất 75kg bọc ni-lông/quý sẽ thải ra môi trường trong quá trình phát thuốc cho bệnh nhân”.

Trên những túi giấy này còn in khẩu hiệu tuyên truyền kêu gọi mọi người cùng chung tay chống rác thải nhựa. Giải pháp trên không chỉ giúp giảm rác thải nhựa ra môi trường mà còn giúp người bệnh nâng cao được ý thức bảo vệ môi trường cũng như bảo vệ chính sức khỏe của mỗi cá nhân và gia đình. trung tâm đã thay thế các thùng nước dành cho bệnh nhân và thân nhân người bệnh bằng hệ thống lọc nước RO, đảm bảo không sử dụng bình nhựa và ly nhựa trong phục vụ người bệnh.

Tại Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp đã triển khai nhiều giải pháp hay nhằm giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động. Tất cả các khoa, phòng của trung tâm đã ký cam kết thực hiện giảm thiểu chất thải nhựa. Các cuộc họp trước đây sử dụng nước suối bằng chai nhựa nay cũng được thay thế bằng ly thủy tinh. Tại trung tâm cũng lắp đặt hệ thống bình lọc nước cho người bệnh và thân nhân người bệnh để giảm thiểu việc sử dụng chai nhựa. Ông Lý Minh Quang, Giám đốc Trung tâm, cho biết: “Trung tâm đã phát cho mỗi nhân viên y tế một chai thủy tinh để mang nước uống hàng ngày và nhân viên y tế đã tái sử dụng bọc đựng nước biển để phát thuốc cho bệnh nhân, thay vì trước đây bỏ đi. Trung tâm đang triển khai trang bị hộp đựng thuốc bằng inox để phát thuốc cho người bệnh nằm điều trị nội trú uống sáng, chiều, không sử dụng bọc ni-lông như hiện nay nữa”.

Hoạt động truyền thông đang được đẩy mạnh ở các cơ sở y tế nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của công chức, viên chức và người lao động trong ngành y tế và sự phối hợp của người dân và cộng đồng về giảm phát sinh chất thải nhựa dùng một lần, ni-lông khó phân hủy, tiến tới không sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần và nilong khó phân hủy trong sinh hoạt hàng ngày. Bác sĩ Lê Bá Hiến, Khoa nhi, Trung tâm Y tế huyện Phụng Hiệp, nhấn mạnh: “Tôi và các đồng nghiệp khác trong khoa cũng đã thực hiện các giải pháp giảm chất thải nhựa, tích cực tuyên truyền để bệnh nhân hưởng ứng. Tạm thời khi chưa có hợp đựng thuốc, chúng tôi phát thuốc sáng chiều cho bệnh nhân nội trú uống ngay, không sử dụng túi ni-lông”.

Không chỉ ở cơ sở y tế, mà nhân viên y tế còn ý thức được và thực hiện giảm rác thải nhựa trong sinh hoạt gia đình. Chẳng hạn đi chợ mang theo giỏ xách, tái sử dụng các vật bằng nhựa như chai nhựa, bọc ni-lông để từng bước giảm rác thải nhựa. Trung tâm y tế, bệnh viện còn tuyên truyền vận động người bệnh và thân nhân của họ hưởng ứng cùng ngành y tế qua phát loa tuyên truyền nội viện tuyên truyền, qua cán bộ y tế tại các khoa, phòng nhằm tạo phong trào lan tỏa sâu rộng trong cơ sở y tế và cộng đồng.

Việc giảm rác thải nhựa sẽ không dễ do các cơ sở y tế hiện còn khó khăn về kinh phí và chưa được đầu tư các trang thiết bị xử lý tiệt khuẩn nhiệt độ thấp, để tái chế các dụng cụ bằng nhựa tái sử dụng. Trong khi đó, các sản phẩm thay thế sản phẩm nhựa chưa phổ biến trên thị trường, giá thành cao so với các sản phẩm nhựa. Do thói quen của người dân thường dùng sản phẩm nhựa sử dụng một lần trong sinh hoạt vì mục đích tiện lợi, chưa ý thức được tác hại của chất thải nhựa dùng một lần đối với môi trường và sức khỏe con người. Rất cần tích cực tuyên truyền và hành động để kêu gọi mọi người chung tay giảm rác thải nhựa, không riêng cán bộ, y, bác sĩ ngành y.

Phấn đấu giảm từ 5-20% rác thải nhựa/năm tùy từng loại

Theo tổng hợp của ngành y tế, trung bình lượng rác thải nhựa trong chuyên môn với loại túi đựng thuốc là 3.330kg/năm; găng phẫu thuật là 5.664kg/năm; bơm tiêm là 11.172kg/năm; các loại chai, dây nhựa là 17.504kg/năm. Ngoài ra, chất thải nhựa từ hoạt động sinh hoạt là trên 2.000kg/năm gồm: túi ni-lông: 1.580kg/năm và chai, ly, ống hút nhựa là 500kg/năm.

Theo kế hoạch, ngành y tế đề ra mục tiêu hàng năm giảm thiểu chất thải nhựa trong hoạt động chuyên môn của các đơn vị từ 5-20%, tùy thuộc vào từng sản phẩm, mục đích sử dụng và nhà cung cấp và phấn đấu đến năm 2025 thay thế các sản phẩm thân thiện với môi trường, tiến tới chấm dứt hoàn toàn việc sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, ni-lông khó phân hủy trong hoạt động chuyên môn.

 

Bài, ảnh: HỒNG DIỄM

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>