Chủ động phòng, chống thiên tai

03/07/2024 | 17:10 GMT+7

Theo dự báo của cơ quan chuyên môn, năm 2024 thời tiết diễn biến bất thường, phức tạp, khó lường sẽ ảnh hưởng lớn đến sản xuất và sinh hoạt của người dân.

Các địa phương trong tỉnh chủ động nạo vét kênh mương tạo thông thoáng dòng chảy trong mùa mưa lũ.

Đề phòng từ xa, từ sớm

Theo các cơ quan chuyên môn, năm 2024 dự báo có thể hoạt động của bão, áp thấp nhiệt đới tập trung nhiều hơn vào nửa cuối mùa bão. Đồng thời, bão và áp thấp nhiệt đới trên biển Đông có thể hình thành nhiều hơn, dự báo có từ 11-13 cơn bão. Đặc biệt, hiện tượng nắng nóng tại khu vực Nam bộ, khu vực Tây Bắc bộ và Trung bộ có khả năng đến sớm và xuất hiện nhiều hơn so với trung bình nhiều năm. Cùng với đó, năm 2024 được dự báo tổng lượng mưa sẽ thấp hơn so với trung bình nhiều năm, kết hợp với hiện tượng chuyển pha ENSO nên thời tiết khí hậu thường có những biến động mạnh trên phạm vi toàn quốc và khu vực Biển Đông. Vì vậy, cần đề phòng bão mạnh, hướng di chuyển phức tạp, mưa lớn cục bộ, các hiện tượng thời tiết nguy hiểm khác trên phạm vi toàn quốc vào cuối mùa.

Để chủ động phòng ngừa, ứng phó kịp thời và có hiệu quả, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra, ngay từ đầu năm, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang đã chỉ đạo Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện tổ chức tổng kết công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn năm 2023 và triển khai nhiệm vụ năm 2024; đảm bảo công tác phòng, chống thiên tai phù hợp với thực tế và diễn biến của từng loại thiên tai có hiệu quả nhất. Tập trung nâng cao năng lực điều hành, chỉ huy và thực hiện biện pháp phòng, chống và ứng phó thiên tai tại cơ sở, đặc biệt là các địa bàn xung yếu.

Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản của Trung ương, của tỉnh về công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Xây dựng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn tại địa phương, đơn vị về công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Rà soát, củng cố kiện toàn tổ chức, bộ máy Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các cấp. Đảm bảo thành viên tham gia tốt nhất và phân công nhiệm vụ cụ thể để tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương và thủ trưởng đơn vị trong việc chỉ đạo và thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ở mỗi cấp, mỗi ngành. Đảm bảo chỉ đạo và triển khai các biện pháp phòng, chống và ứng phó hiệu quả trước, trong và sau khi xảy ra thiên tai.

Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết thường xuyên kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn các ngành và địa phương thực hiện tốt kế hoạch, phương án chủ động phòng, chống, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai; điều chỉnh, bổ sung hoàn chỉnh các phương án phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn sát hợp với tình hình thực tế của tỉnh. Hướng dẫn cấp sở, ngành, huyện triển khai, chỉ đạo, điều hành và thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn theo phương châm “3 sẵn sàng” (chủ động phòng tránh, ứng phó kịp thời, khắc phục khẩn trương và có hiệu quả). Tiếp tục triển khai Kế hoạch thực hiện “Đề án nâng cao nhận thức cộng đồng và quản lý rủi ro thiên tai dựa vào cộng đồng” trong năm 2024 trên toàn tỉnh. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm thực tiễn, kỹ năng phòng, chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Có kế hoạch chỉ đạo ngay từ đầu chi tiết, đầy đủ, kịp thời để ứng phó có hiệu quả khi có tình huống bão đổ bộ vào tỉnh Hậu Giang. Kiểm tra trang thiết bị phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, trang thiết bị thông tin liên lạc từ tỉnh xuống cơ sở và dự trù kinh phí phục vụ cho công tác chỉ đạo, kiểm tra khắc phục hậu quả thiên tai trong suốt mùa mưa, lũ, bão năm 2024.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Hậu Giang, cho biết sẽ phối hợp với UBND cấp huyện khẩn trương thực hiện tốt công tác quản lý đê điều và chuẩn bị sẵn sàng hộ đê, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi, chỉ đạo gia cố, duy tu sửa chữa các tuyến đê bao ngăn lũ, triều cường cho lúa, mía, vườn cây ăn trái và các loại cây trồng khác, vùng nuôi trồng thủy sản, quản lý chặt chẽ hệ thống cống, bọng dọc theo các tuyến sông, kênh, rạch, nhất là đối với vùng lúa nguyên liệu, vùng nuôi trồng thủy sản và vùng trồng cây ăn trái…

Bên cạnh đó, bố trí lịch thời vụ gieo trồng phù hợp với tình hình xâm nhập mặn, đảm bảo thu hoạch trước lũ, khuyến cáo bà con nông dân nơi nào đê bao không đảm bảo chống lũ, triều cường thì không sản xuất lúa vụ Thu đông. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện phục vụ cho sản xuất các vụ lúa trong năm đạt kết quả tốt nhất. Tổ chức kiểm tra, rà soát các công trình thủy lợi và đánh giá công tác vận hành hệ thống các công trình thủy lợi; có kế hoạch xử lý, tu sửa những hạng mục hư hỏng trước thời gian mưa, lũ; kiểm tra vật tư dự phòng để có kế hoạch bổ sung. Đôn đốc các chủ đầu tư chỉ đạo các đơn vị thi công các công trình thủy lợi đẩy nhanh tiến độ nhằm đảm bảo hoàn thành công trình trước mùa mưa, lũ.

6 tháng qua, toàn tỉnh đã có 22 điểm sạt lở đất bờ sông.

Chủ động ứng phó với mọi tình huống

Từ đầu năm đến nay, giông lốc đã làm tốc 7 mái che ở khu Chợ Đêm thuộc phường V, thành phố Vị Thanh; xảy ra 22 điểm sạt lở bờ sông ở huyện Châu Thành, thành phố Ngã Bảy, huyện Phụng Hiệp; chiều dài sạt lở 610m; diện tích mất đất 2.950m2; ước thiệt hại hơn 3 tỉ đồng. Sau khi sự cố xảy ra, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các địa phương đã xuống hiện trường phối hợp UBND sở tại điều động dân quân tự vệ, công an và các đoàn thể cùng với người dân tham gia khắc phục thiên tai, sạt lở.

Ông Trần Thanh Toàn, Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, đang vào cao điểm của mùa mưa bão, vì vậy sẽ phối hợp chặt chẽ với Đài Khí tượng - Thủy văn tỉnh dự báo, cảnh báo tình hình khí tượng, thủy văn nhất là dự báo sớm được khả năng xuất hiện và diễn biến các tình huống phức tạp của mưa lớn, ngập lụt, bão, áp thấp nhiệt đới; thông báo kịp thời, chính xác và cung cấp đầy đủ các số liệu, các phân tích dòng chảy, mưa, lũ, bão và các loại thiên tai khác để các ngành, các cấp, người dân biết để chủ động ứng phó với mọi tình huống xấu xảy ra.

Để chủ động trong mùa mưa bão này, lãnh đạo UBND huyện Phụng Hiệp cho biết đã tiến hành rà soát, bổ sung các phương án phòng, chống thiên tai theo cấp độ rủi ro phù hợp với địa bàn quản lý làm cơ sở xây dựng kế hoạch phòng chống thiên tai năm 2024 sát với thực tế. Tăng cường chỉ đạo kiên quyết tháo dỡ chà, nò, vật cản trên sông, kênh, rạch đảm bảo thoát lũ nhanh, theo dõi thường xuyên diễn biến sạt lở các khu vực ven sông, có kế hoạch đối phó với triều cường lũ lớn kéo dài nhiều ngày, có phương án sơ tán dân, chuẩn bị phương tiện chống lũ, phương tiện cứu hộ, cứu nạn… Khẩn trương nâng cấp sửa chữa công trình thiết yếu để sẵn sàng đối phó với bão, lũ và triều cường năm nay. Hướng dẫn xây dựng các mô hình phòng, chống thiên tai đảm bảo theo phương châm “4 tại chỗ”.

Theo ông Nguyễn Khoa Hải Long, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Hậu Giang, để tích cực ngăn ngừa các tai nạn điện đáng tiếc có thể xảy ra khi có thiên tai, mưa, bão, triều cường và ngập úng, công ty đã tuyên truyền đến người dân là không đứng dưới cột điện khi trời mưa hoặc lúc có giông sét; không tự ý leo lên cột điện hoặc vượt qua hàng rào trạm điện, chạm người vào dây chằng cột, dây nối đất, thùng điện kế, thùng cầu dao... để đề phòng điện giật do rò điện khi trời mưa, giông, bão. Không di chuyển, đi lại bằng tàu, thuyền, bè... trong vùng ngập, lụt có đường dây điện sát với mặt nước để tránh bị phóng điện gây tai nạn. Không chặt cây gần đường dây điện, có thể bị phóng điện gây nguy hiểm đến tính mạng. Không tự ý sửa chữa đường điện khi đang có mưa bão; không nên lên sân thượng khi đang mưa giông để thông tắc thoát nước nếu có đường dây điện đi qua các sân thượng, mái hiên. Không lại gần những nơi đang bị ngập, tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn như công trường, đường dây điện bị đứt, trạm điện. Khi mưa bão, hạn chế ra đường để tránh bị cây đổ, đường điện bị đứt...

Nhằm chủ động ứng phó tình hình mưa lũ kéo dài, giảm thiểu tình hình sản xuất, đời sống của người dân, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Trương Cảnh Tuyên vừa yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh tăng cường theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo tình hình khí tượng thủy văn từ các cơ quan chuyên ngành khí tượng, thủy văn và cơ quan chuyên môn thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cung cấp và Đài Khí tượng thủy văn tỉnh Hậu Giang để theo dõi, dự báo, cảnh báo thời tiết, khí tượng, thủy văn trên địa bàn tỉnh, có kế hoạch dự báo, cảnh báo sớm. Xây dựng kế hoạch chủ động xử lý những sự cố phát sinh đột xuất trước, trong mùa lũ, bão và tu bổ các hạng mục cần thiết khác nhằm hạn chế đến mức thấp nhất các sự cố xảy ra khi có lũ, bão. Các cơ quan liên quan tăng cường kiểm tra, đôn đốc, phát hiện và giải quyết kịp thời các khó khăn, vướng mắc để đẩy nhanh tiến độ hoàn thành việc tu bổ, nâng cấp, duy tu, bảo dưỡng hệ thống đê điều đảm bảo chất lượng, kịp thời đưa công trình vào chống lũ, bão năm 2024.

HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>