Điểm sáng xây dựng nông thôn mới

20/05/2019 | 05:22 GMT+7

Qua hơn 8 năm thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới” của Chính phủ, hiện Hậu Giang đã đạt được nhiều thành tựu đáng phấn khởi, khi các vùng nông thôn ngày càng đổi mới. Hậu Giang đang được nhiều bộ, ngành Trung ương và Chính phủ đánh giá là điểm sáng của vùng ĐBSCL trong thực hiện phong trào xây dựng nông thôn mới (NTM).

Bài 1: Yếu tố làm nên nông thôn mới

Với quyết tâm vượt qua cái khó để đổi thay cuộc sống người dân nông thôn, do đó khi phong trào xây dựng NTM được phát động đã có sự quan tâm đặc biệt của cả hệ thống chính trị bằng nhiều việc làm thiết thực và nhận được sự đồng tình cao của người dân.

Hậu Giang đã hình thành nhiều vùng sản xuất tập trung tại các xã xây dựng nông thôn mới.

Là tỉnh thuần nông nên đời sống của người dân Hậu Giang chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, trong đó lúa, cây ăn trái, thủy sản… là những nông sản chủ lực của tỉnh. Với điều kiện kinh tế là sản xuất nông nghiệp nên khi bắt tay vào xây dựng NTM, Hậu Giang phải đối mặt nhiều khó khăn như: cơ sở hạ tầng vùng nông thôn còn thấp kém, thu nhập bình quân đầu người chỉ ở mức thấp, tỷ lệ hộ nghèo còn cao… đã đặt ra nhiều thách thức cho tỉnh. Thế nhưng, với sự chỉ đạo và vào cuộc quyết liệt của tỉnh và chính quyền địa phương đã từng bước tạo ra diện mạo mới.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Quán triệt tinh thần chỉ đạo của Trung ương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh nên công tác xây dựng NTM trên địa bàn tỉnh đã có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, trong đó các ngành, đoàn thể và từng địa phương đã có nhiều cách làm hay để giúp các xã sớm đạt tiêu chí NTM theo kế hoạch đề ra từng năm. Điển hình là những năm qua, các cấp, các ngành và địa phương thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động sâu rộng trong toàn thể cán bộ, đảng viên và Nhân dân bằng nhiều hình thức linh động, nội dung phong phú. Nhờ vậy, khi phát động mỗi phong trào thì các địa phương đều nhận được sự chung tay, góp sức của người dân trong việc hiến đất, hoa màu, ngày công… để nhiều công trình được thực hiện nhanh và sớm đưa vào phục vụ nhu cầu người dân.

Ông Nguyễn Thanh Nga, ở ấp Thạnh Bình, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Ban đầu tôi cũng không biết xây dựng NTM là làm những nội dung gì, nhưng qua công tác tuyên truyền, bản thân tôi nhận thức xây dựng NTM là một chủ trương đúng đắn vì cái đích cuối cùng là làm cho đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên. Do đó, gia đình tôi đã cam kết thực hiện tốt các nội dung liên quan đến phần trách nhiệm của người dân. Đặc biệt, khi thấy địa phương cần đất xây dựng nhà văn hóa ấp nên gia đình tôi đã nhượng lại 1.000m2 đất đang canh tác để xây dựng nhà văn hóa ấp được khang trang như hôm nay”.

Cùng với công tác tuyên truyền, UBMTTQ Việt Nam từ tỉnh đến cơ sở còn triển khai nhiều chương trình thiết thực giúp các địa phương trong xây dựng NTM như “Khu dân cư thực hiện hài hòa xóa đói, giảm nghèo và xây dựng cảnh quan môi trường” hay “Tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu”, “Cuộc vận động vì người nghèo”; hội liên hiệp phụ nữ các cấp của tỉnh với phòng trào “Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” hay mô hình “Vai trò người phụ nữ trong tham gia xây dựng NTM”; ngành công an với mô hình “Cổng rào an ninh trật tự”, “Toàn dân đảm bảo an toàn trật tự”… Chia sẻ niềm vui trong căn nhà mới khang trang vừa được xây dựng từ nguồn vốn hỗ trợ (40 triệu đồng) của mạnh thường quân thông qua công tác vận động từ UBMTTQ Việt Nam huyện Châu Thành A, ông Nguyễn Văn Tập, ở ấp Trường Lợi, xã Trường Long A, bộc bạch: “Có được căn nhà mới như vầy là niềm mơ ước bấy lâu của vợ chồng tôi nên ngày nhận bàn giao nhà, vợ chồng mừng và xúc động lắm! Bởi từ nay không còn lo cảnh mưa dột như trước nữa”.

Ông Huỳnh Thành Hữu, Phó chánh Văn phòng điều phối NTM tỉnh, cho biết: Điều đáng phấn khởi là hiện nay từ tỉnh đến các huyện đều thành lập được các văn phòng điều phối NTM. Qua đây, đã góp phần tham mưu, xây dựng kế hoạch, lộ trình xây dựng NTM để lãnh đạo địa phương có hướng chỉ đạo sâu sát và hiệu quả. Ngoài ra, từ nguồn kinh phí của chương trình NTM, hàng năm đơn vị đã tổ chức nhiều lớp tập huấn cho cán bộ làm công tác NTM, trong đó có cập nhật thêm những kiến thức mới để cán bộ vận dụng cho phù hợp và đúng quy định. Đặc biệt là đưa vào sử dụng website NTM của tỉnh nhằm đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền đảm bảo sâu rộng và phục vụ nhu cầu nghiên cứu, tìm hiểu thông tin liên quan đến xây dựng NTM của các cấp quản lý, các tổ chức và người dân.

Đổi thay ở vùng nông thôn

Từ sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị nên nhiều chương trình, đề án của các sở, ngành và địa phương được triển khai hiệu quả đã góp phần làm thay đổi đời sống vật chất và tinh thần người dân. Trong đó, xác định nâng cao nguồn thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo là vấn đề cốt lõi mà chương trình xây dựng NTM muốn hướng đến, do đó ngành nông nghiệp tỉnh đã đề ra nhiều chương trình, dự án gắn với vùng sản xuất và đã mang lại hiệu quả cho người dân.

Nổi bật là thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, các địa phương đã tập trung chỉ đạo, thực hiện việc chuyển đổi, áp dụng nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp tiên tiến, công nghệ cao, đồng thời xây dựng nhãn hiệu để gia tăng giá trị nông sản, hình thành và phát triển nhãn hiệu hàng hóa. Gắn với việc tạo thương hiệu, tỉnh còn mở rộng liên kết thị trường tiêu thụ, cũng như phát triển hợp tác xã, tổ hợp tác. Qua đây, góp phần khuyến khích nông dân phát triển sản xuất, hình thành được những vùng sản xuất chuyên canh, tập trung mang lại hiệu quả kinh tế cao như: Vùng sản xuất lúa chất lượng cao, vùng sản xuất mía, vùng sản xuất khóm, vùng sản xuất các loại cây ăn trái và vùng sản xuất rau màu...

Ông Cao Văn Ta, người đã gắn bó với vùng khóm Cầu Đúc hơn 10 năm qua ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, cho biết: “Hỏa Tiến là vùng đất nhiễm phèn và bị ảnh hưởng xâm nhập mặn. Chính vì vậy, khi bắt tay vào xây dựng NTM, lãnh đạo xã tiến hành quy hoạch vùng sản xuất theo hướng tập trung, đồng thời khuyến khích nông dân tiếp tục chọn cây khóm để phát triển kinh tế gia đình. Nhờ được đầu tư đê bao kiên cố, nông dân ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất nên khi khóm đã trưởng thành sẽ cho thu hoạch từ 2-3 vụ trong năm, bình quân lợi nhuận thu được từ 30-40 triệu đồng/ha”.

Về công tác giảm nghèo, các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp như: Cho hộ nghèo vay vốn tín dụng ưu đãi, hỗ trợ dạy nghề gắn với tạo việc làm, hỗ trợ tăng dần mức sống dân cư ở các xã nghèo, các vùng khó khăn, hạn chế tái nghèo. Cùng với phát triển sản xuất thì thông qua chương trình xây dựng NTM, hệ thống cơ sở hạ tầng nông thôn trên địa bàn tỉnh trong những năm qua cũng có nhiều đổi mới khi nhiều công trình về điện, đường, trường, trạm, nhà văn hóa, trụ sở làm việc được xây mới khang trang, đáp ứng nhiều nhu cầu thiết thực trong đời sống người dân.

Phấn khởi trước sự đổi thay của quê hương, ông Lê Minh Trí (85 tuổi), ở ấp Khánh An, xã Phú An, huyện Châu Thành, bộc bạch: “Trước đây, ở quê tôi có nhiều cầu khỉ, đường sá sình lầy nên việc đi lại rất khó khăn. Thế nhưng, từ khi chính quyền địa phương tập trung vào xây dựng NTM, xóm, ấp đã có sự thay đổi mạnh mẽ, đời sống được đầy đủ và tiện nghi hơn. Trong đó, vui nhất là đường làng được mở rộng khang trang, nhiều cầu bê tông được xây dựng, cảnh quan môi trường sáng - xanh, đến ngày lễ hội có nhà văn hóa tiện nghi để hội họp, con cháu được học trong những ngôi trường mới tiện nghi và dịch vụ khám sức khỏe ở xã cũng tốt hơn rất nhiều… Có thể nói, những điều mơ ước trên của người dân nay đã thành sự thật nên bà con rất vui mừng”.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Quốc Doanh cho rằng: Qua theo dõi và kiểm tra thực tế, Trung ương đánh giá rất cao những kết quả mà tỉnh Hậu Giang đạt được trong quá trình xây dựng NTM. Trong đó, nổi bật là địa phương có nhiều cách làm hay, sáng tạo được triển khai nhân rộng như: Mô hình xóa trắng ấp nghèo ở xã Đại Thành, cánh đồng lớn xã Vị Thanh và Trường Long Tây, trồng cam sành theo hướng VietGAP, câu lạc bộ nhà vườn thu nhập trên 1 tỉ đồng ở thị xã Ngã Bảy, Tổ nhân dân tự quản kiểu mẫu ở xã Phương Phú hay mô hình cổng rào an ninh trật tự được thực hiện ở các ấp, xã trong toàn tỉnh… Từ những kết quả đạt được, Hậu Giang đang là điểm sáng của vùng ĐBSCL để nhiều địa phương khác nghiên cứu, học tập. Tuy nhiên, tỉnh cũng cần có lộ trình để hướng đến những mục tiêu lớn kế tiếp.

Đến cuối năm 2018, thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn trên địa bàn tỉnh đạt 34 triệu đồng/người/năm, tăng khoảng 24 triệu đồng/người/năm so với năm 2010; tỷ lệ hộ nghèo mỗi năm giảm từ 2-3% và hiện còn 7,62%, giảm 15,18% so với cuối năm 2010. Hiện hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đều có đường ô tô về trung tâm xã, có từ 50% trục đường ấp, liên ấp được cứng hóa đạt chuẩn và nhiều xã không còn đường lầy lội vào mùa mưa. Có 100% số xã được cấp điện từ nguồn lưới điện quốc gia; có 205/337 trường đạt chuẩn quốc gia, 35/76 xã, phường, thị trấn có trung tâm văn hóa - thể thao đạt chuẩn và 135/539 ấp, khu vực có nhà văn hóa - khu thể thao đạt chuẩn.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

----------

Bài 2: Những mục tiêu lớn

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>