Đổi đời nhờ trồng dâu

19/05/2020 | 08:16 GMT+7

Từ một nông dân nghèo, từng sống cảnh làm thuê với khoản tiền công ít ỏi, nhưng nhờ biết vượt khó nên anh Út Lầu (Nguyễn Văn Lầu), ở ấp Láng Hầm A, thị trấn Rạch Gòi, huyện Châu Thành A, có được của dư, của để, nhờ biết chuyển đổi cây trồng đúng hướng.  

 

Anh Lầu (bên phải) đang giới thiệu với khách tham quan giống dâu bòn bon trong vườn anh.

Tiếp tôi trong căn nhà khá khang trang, tiện nghi đầy đủ, anh Lầu cho biết căn nhà này được xây từ tiền dành dụm sau những mùa bán dâu trái hàng năm. Anh Lầu tâm sự rằng trước đây gia đình anh thuộc diện hộ nghèo trong xóm. Ruộng đất có đến chục công nhưng thuộc vùng đất trũng, làm gì cũng không đủ ăn. Thời điểm thập niên 90 của thế kỷ trước, để có tiền trang trải cuộc sống gia đình, sau vụ lúa, anh đi làm thuê cho chủ ghe trấu, với khoản tiền công vỏn vẹn 7.000-8.000 đồng/ngày, gia đình không thoát được cảnh nghèo.

Chán cảnh làm thuê, anh bàn với vợ lên liếp lập vườn trồng cây ăn trái. 10 công đất cấy lúa hàng năm, giờ đã là một màu xanh cây cam, cây bưởi. Niềm vui trúng mùa được giá của giống cây trồng này không được bao lâu thì cam tàn, bưởi héo vì bệnh vàng lá gân xanh tấn công, cây không còn khả năng phát triển. Trong khi còn chưa biết phải lựa chọn cây trồng gì cho phù hợp thì trong lần tham quan làng du lịch Mỹ Khánh, thuộc huyện Phong Điền, thành phố Cần Thơ, anh phát hiện khách du lịch đa phần tìm đến vườn dâu để thưởng ngoạn và mua trái để ăn. Rồi anh tự nghĩ “người ta trồng được thì mình cũng trồng được”, vậy là anh tìm đến trại giống cây trồng mua hơn 300 cây dâu với nhiều thứ giống khác nhau như dâu Hạ Châu, dâu bòn bon da vàng, dâu gia bảo, dâu đường… về trồng. Anh Lầu cho biết các giống này thường cho năng suất khoảng hơn 40 tấn/ha/vụ, riêng giống dâu Hạ Châu là một trong nhiều giống cây ăn trái đặc sản được nhiều nhà vườn ở thành phố Cần Thơ chọn lọc và nhân giống. Trước đây, dâu Hạ Châu còn có tên gọi là “dâu miền dưới” do giống dâu này có phẩm chất thơm, ngọt vượt trội hơn so các giống dâu khác. Giống dâu này có thể cho trái 3 vụ/năm, vụ nghịch trái chín vào tháng 5 âm lịch, vụ tiếp theo vào khoảng tháng 8 và vụ cuối thường chín vào tháng 11 âm lịch.

Dâu Hạ Châu thuộc loại cây đơn tính, cây đực và cây cái riêng biệt, điều kiện cơ bản đầu tiên để cây cho trái là có sự thụ phấn từ hoa của cây đực sang nhụy hoa cái. Cho nên khi trồng giống dâu này, nhà vườn phải trồng xen cây đực trong vườn, thông thường tỷ lệ giữa cây đực và cây cái được trồng là 100 cây dâu cái, xen 10 cây dâu đực, nếu cây dâu đực được trồng xen kẽ đều trong vườn thì tỷ lệ đậu trái mới cao. Tuy nhiên từ việc cho phấn, trồng xen cây dâu đực trong vườn dâu là một trở ngại cho nhà vườn, vì phải tốn ít nhất 10% diện tích đất vườn để trồng, nhưng cây dâu đực không hề cho trái, chúng vừa góp phần làm giảm năng suất trên diện tích, giảm thu nhập, lại tốn thêm công chăm sóc từ phía nhà vườn.

Với kinh nghiệm nhiều năm làm vườn, anh Lầu đã mày mò học hỏi, nghiên cứu cải tiến kỹ thuật giúp cây dâu cho trái sai mà không tốn thêm diện tích đất trồng cây dâu đực, theo phương pháp ghép cành dâu đực, cách nhau từ một đến hai cây, ghép một nhánh. Việc ghép nhánh bắt đầu khi cây dâu trồng được 2-3 năm, chọn một nhánh nhỏ cắt ngang, cách phần thân chính khoảng 10cm, khi nhánh được chọn cắt ra đọt mới, chọn một hoặc hai đọt tốt để lại làm cành ghép, còn lại loại bỏ. Khi đọt vừa già thì tiến hành ghép đọt dâu đực vào, nhánh dâu đực được ghép trên thân cây dâu cái sau này có nhiệm vụ thụ phấn cho cây dâu cái được ghép và các cây cái lân cận rất hiệu quả.

Anh Lầu cho rằng dâu Hạ Châu có điểm đặc biệt vượt trội hơn các loại dâu khác là khi chín thì đài hoa vẫn còn bám chặt, vỏ mỏng, ruột có màu trắng ngà đẹp mắt, vị ngọt thanh, thơm, chùm trái dài, mỗi trái có từ 3-4 múi và trông giống trái bòn bon. Dâu Hạ Châu trồng khoảng 4 năm thì bắt đầu ra trái, đạt năng suất từ 50-60kg/cây, cây 10 năm tuổi cho năng suất từ 90-100kg/cây và cũng có cây đạt năng suất từ 150-200kg/cây. Đây là loại cây trồng khá đặc biệt, càng lâu năm cây càng khỏe và cho trái càng nhiều, loại dâu này thường được người dân cho trái quanh năm. Ngoài tiêu thụ thị trường khách du lịch trong nước, trái dâu còn được thương lái thu mua xuất khẩu sang một số nước lân cận như Lào, Campuchia, Thái Lan... Tuy nhiên gần đây, để đa dạng hóa sản phẩm, nông dân lại chuyển sang trồng một giống dâu khác, có năng suất cao, đó là dâu bòn bon. Theo anh Lầu, giống dâu Hạ Châu thường hay bỏ vụ, ít trái nên thu hoạch kém và anh là người đầu tiên trồng ở khu vực này cách đây 6-7 năm. Dâu bòn bon là loại dâu ghép rất dễ chăm sóc, ít sâu bệnh, cây trồng khoảng 3 năm thì cho trái. Để tránh dội chợ, giá thấp, anh xử lý cho dâu ra trái sớm, thông thường cây cho trái vào khoảng tháng chạp, trái chín vào khoảng tháng 4 và chấm dứt mùa vụ cuối tháng 5 âm lịch.

Cây càng lâu năm trái càng sai, khác với dâu Hạ Châu trái dài, có màu vàng nhạt, vị ngọt, trái dâu bòn bon có hình dáng tròn, chín có màu vàng sậm, vị chua ngọt rất hấp dẫn. Thương lái đặt mua dâu bòn bon tại vườn với giá 8.000-12.000 đồng/kg, trừ các chi phí thì anh Lầu còn lợi nhuận khoảng 140-150 triệu đồng/vụ dâu. Anh Lầu thừa nhận, nhờ chuyển đổi giống cây trồng phù hợp nên những năm qua, không chỉ gia đình anh mà còn có nhiều hộ dân trồng dâu khác trong ấp có nguồn thu nhập khá, cuộc sống ngày càng ổn định.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>