Động lực phát triển từ nông thôn mới

24/01/2020 | 14:16 GMT+7

Tỉnh Hậu Giang dù còn nhiều khó khăn, nhưng với quyết tâm của cả hệ thống chính trị cùng sự đồng lòng, chung sức của các tầng lớp nhân dân đã đạt được thành quả quan trọng trong thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh khóa XIII đề ra. Từ kết quả 10 năm xây dựng nông thôn mới, Hậu Giang vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc (bìa trái, hàng đầu) trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho lãnh đạo tỉnh Hậu Giang vì có thành tích trong 10 năm qua xây dựng nông thôn mới.

Hậu Giang là tỉnh nông nghiệp, có diện tích đất nông nghiệp chiếm trên 85% diện tích đất tự nhiên và trên 70% dân số sống ở nông thôn. Vì vậy, ngay từ khi thành lập tỉnh (ngày 1-1-2004), Hậu Giang luôn xác định phát triển nông nghiệp, nông dân và nông thôn giữ vai trò quyết định, là nền tảng phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh. Hệ thống chính trị của tỉnh đã vào cuộc hết sức trách nhiệm, huy động tối đa các nguồn lực, phát động các phong trào thi đua nhằm phát huy vai trò chủ thể và sự chủ động tham gia tích cực của người dân. Hậu Giang luôn thực hiện xuyên suốt trong xây dựng nông thôn mới với phương châm là “Dân biết, Dân bàn, Dân làm, Dân kiểm tra”, cùng với khẩu hiệu “Thống nhất - Tự giác - Hợp tác - Phát triển”. Điều này được thể hiện qua việc tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo xây dựng mô hình điểm để nhân rộng, hướng dẫn cụ thể cách làm gắn với việc thường xuyên kiểm tra, uốn nắn kịp thời, rút kinh nghiệm trong chỉ đạo thực hiện. Bên cạnh đó, mọi vấn đề liên quan đến người dân đều được các địa phương giải quyết công khai, minh bạch để tạo sự thống nhất. Ngoài ra, tỉnh luôn lãnh đạo quyết liệt để thực hiện các tiêu chí bức xúc của người dân, nhóm tiêu chí nâng cao đời sống của dân, vừa tạo khí thế phấn khởi cho Nhân dân, vừa nuôi dưỡng sức dân. Từ đó mới khơi dậy và phát huy tốt vai trò chủ thể của người dân và quyết định thành công chương trình xây dựng nông thôn mới.

Qua gần 10 năm thực hiện đến nay, tỉnh Hậu Giang đã có 29/53 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt 54,72%, đạt 100% chỉ tiêu Trung ương giao; có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao và 3 đơn vị cấp huyện đạt chuẩn nông thôn mới (huyện Châu Thành A được công nhận huyện nông thôn mới, thành phố Vị Thanh và thị xã Ngã Bảy hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới), số tiêu chí bình quân là 15,6 tiêu chí/xã, các xã còn lại hiện đạt ít nhất từ 8 tiêu chí trở lên.

Bộ mặt nông thôn có sự chuyển biến tích cực, đổi mới rõ nét, đời sống vật chất tinh thần của người dân nông thôn được cải thiện: Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) duy trì ở mức khá, bình quân đạt 6,82%/năm; thu nhập bình quân đầu người toàn tỉnh tăng trên 3 lần (từ 13,18 triệu đồng năm 2010 đến năm 2019 đạt trên 41 triệu đồng), riêng các xã nông thôn mới đều đạt trên 42 triệu đồng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm từ 8,92% năm 2010, đến nay giảm còn khoảng 5,13% (theo chuẩn hộ nghèo mới); riêng đối với các xã nông thôn mới đều có tỷ lệ hộ nghèo dưới 4%. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất nông nghiệp được quan tâm đầu tư, cùng với việc thực hiện các chương trình, dự án, đề án về nông nghiệp, đặc biệt là Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã giúp sản xuất nông nghiệp có những bước phát triển mới, nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp có thu nhập trên 500 triệu đồng/ha, thu nhập trên một đơn vị diện tích đất nông nghiệp được nâng lên, bước đầu đã hình thành một số mô hình liên kết chuỗi giá trị trong sản xuất nông nghiệp (lúa, mía, mãng cầu, chanh không hạt, khóm,...).

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lữ Văn Hùng (bìa trái) thăm đồng tại xã Trường Long Tây, huyện Châu Thành A.

Bên cạnh đó, tỉnh Hậu Giang đã có nhiều chương trình, đề án, dự án hỗ trợ phát triển sản xuất nhằm thực hiện thành công, tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Nổi bật là mô hình canh tác lúa thông minh “Sử dụng phân bón vùi 1 lần cho cả vụ” thay việc bón phân nhiều đợt theo canh tác truyền thống đã mang lại nhiều kết quả tích cực về mặt kinh tế - xã hội, tạo ra sản phẩm sạch, chất lượng cao và giúp người dân tiếp cận với các quy trình sản xuất mới mang tính bền vững, tạo tiền đề để thúc đẩy việc phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh; Dự án chuyển đổi nông nghiệp bền vững tỉnh Hậu Giang (do Ngân hàng Thế giới tài trợ) đã góp phần thay đổi mới phương thức canh tác lúa truyền thống của nông dân sang hướng bền vững, an toàn và bảo vệ môi trường, đặc biệt là nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất của nông dân, hình thành và phát triển các hợp tác xã kiểu mới (500 hộ/500ha). Trong năm 2018, xây dựng được 4 hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; năm 2019 được phê duyệt 7 hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới; năm 2020 thực hiện 5-6 hợp tác xã theo chỉ tiêu tối thiểu 16 hợp tác xã kiểu mới tại tỉnh, góp phần quan trọng trong phát triển sản xuất nông nghiệp, nhất là mặt hàng lúa gạo.

Ngoài ra, trong thời gian qua, Hậu Giang có hợp tác với tổ chức Quỹ toàn cầu hóa nông thôn mới SGF (Hàn Quốc) thực hiện hỗ trợ xây dựng 2 làng nông thôn mới (2 hợp tác xã), mỗi hợp tác xã được đầu tư các công trình nhà văn hóa, trụ sở làm việc, kho chứa và các trang thiết bị phục vụ sản xuất nông nghiệp một cách thiết thực và đi vào hoạt động có hiệu quả, góp phần thay đổi nhận thức của người dân trong phương thức sản xuất.

Cơ giới hóa trong nông nghiệp.

Quá trình xây dựng Chương trình nông thôn mới cũng góp phần củng cố hệ thống chính trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động. Công tác xây dựng bộ máy chính quyền các cấp được tăng cường. Thực hiện dân chủ ở cơ sở được phát huy mạnh mẽ. An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được đảm bảo. Lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao có bước phát triển tích cực. Các chính sách an sinh xã hội được kịp thời thực hiện. Đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng lên…

Với kết quả đạt được trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới 10 năm qua, Hậu Giang đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất và Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen cho nhiều tập thể và cá nhân có thành tích đóng góp Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Ngoài sự nỗ lực của hệ thống chính trị và sự tham gia của người dân tỉnh nhà, Hậu Giang còn được sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ thiết thực của Trung ương, các tỉnh, thành và các doanh nghiệp, tổ chức trong và ngoài nước, đã tạo điều kiện cho Hậu Giang đạt được kết quả trong phát triển kinh tế, xã hội nói chung và xây dựng nông thôn mới nói riêng.

Một góc trung tâm hành chính tỉnh Hậu Giang.

Nền tảng kết quả đạt được trong thời gian qua tiếp thêm động lực thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn tới đi vào chiều sâu, bền vững và toàn diện với phương châm “liên tục, lâu dài, có điểm khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc”. Mục tiêu xuyên suốt của quá trình xây dựng nông thôn mới là không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn lên mức giàu có và thịnh vượng. Huy động tốt nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng nông thôn đồng bộ gắn với phát triển đô thị hóa. Đẩy mạnh tái cơ cấu, phát triển theo hướng nông nghiệp xanh. Sản xuất nông nghiệp gắn với phát triển công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch và chủ động ứng phó với biến biến đổi khí hậu. Xây dựng xã hội nông thôn dân chủ, bình đẳng; môi trường nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp, thật sự là nơi đáng sống. Hệ thống chính trị tiếp tục được tăng cường; quốc phòng và an ninh trật tự luôn giữ vững.

Với truyền thống cách mạng, bản lĩnh luôn vượt qua gian khó và từ kinh nghiệm thực tiễn có được trong thời gian qua, tin tưởng rằng, mỗi cán bộ và người dân sẽ tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, chung lòng thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, xây dựng quê hương Hậu Giang ngày càng văn minh, giàu đẹp!

LỮ VĂN HÙNG

Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>