Hiệu quả công tác bảo tồn nguồn gen cây trồng

26/11/2020 | 16:54 GMT+7

Với mục tiêu lưu giữ nguồn giống nông sản sạch bệnh cho tỉnh khi có dịch bệnh xảy ra, đồng thời đáp ứng nhu cầu về nguồn giống chất lượng cho thị trường và hỗ trợ người dân sản xuất hiệu quả; hiện công tác bảo tồn nguồn gen cây trồng thuộc thế hệ đầu tiên đang được Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ - Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tỉnh thực hiện đạt nhiều kết quả ấn tượng.

Cán bộ Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ đang bảo tồn nguồn gen khóm Queen Cầu Đúc sạch bệnh tại đơn vị. 

Công tác bảo tồn nguồn gen cây trồng sạch bệnh được trung tâm thực hiện từ năm 2015. Qua gần 6 năm thực hiện nhiệm vụ, hiện đơn vị đã và đang lưu giữ thành công nguồn gen chất lượng cho nhiều loại cây trồng mang tính chủ lực của tỉnh. Chị Đặng Thị Thanh Loan, Chủ nhiệm nhiệm vụ lưu giữ và phát triển nguồn gen nông sản của tỉnh, thuộc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ, cho biết: Trung tâm đang bảo tồn thành công nguồn gen sạch bệnh của cây quýt đường Long Trị, cam sành Ngã Bảy, cam xoàn Phương Phú và khóm Queen “Cầu Đúc”. Về phương pháp và quy trình thực hiện, trong giai đoạn 2015-2016, trung tâm tiến hành bảo tồn 1.000 hạt giống quýt đường Long Trị bằng hình thức bơm hút bảo quản chân không, bảo tồn trong phòng nuôi cấy mô 500 keo khóm Queen “Cầu Đúc” bằng phương pháp invitro. Sang giai đoạn 2017-2020, trung tâm bảo tồn trong nhà lưới tại đơn vị được 10 cây quýt đường (S0), 10 cây quýt đường (S1), 10 cây cam sành (S0), 10 cây cam xoàn (S0), bảo tồn 200 keo khóm Queen sạch bệnh không nhiễm bệnh héo khô đầu lá bằng phương pháp invitro trong phòng nuôi cấy mô tại trung tâm.

Cũng theo chị Loan, vào năm 2019, từ phòng thí nghiệm nuôi cấy mô sau đó đưa ra nhà lưới của trung tâm để thực hiện các quy trình tiếp theo nhằm tạo ra nguồn khóm Queen Cầu Đúc sạch bệnh. Sau khi nhân giống thành công, trung tâm tiến hành hỗ trợ hơn 56.000 con khóm giống sạch bệnh (hỗ trợ con giống 50%, nông dân đối ứng 50%) cho 2 hộ dân ở xã Hỏa Tiến và Tân Tiến của thành phố Vị Thanh. Công việc này nhằm giúp bà con trồng thử nghiệm để làm cơ sở phục hồi các vườn khóm đang bị bệnh cho năng suất thấp.

Ông Vu Bạc Sên, hộ dân được nhận hỗ trợ 16.000 con khóm để trồng cải tạo hơn 5 công khóm của gia đình ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, thành phố Vị Thanh, thông tin: “Khóm Cầu Đúc là thương hiệu nổi tiếng trong và ngoài nước từ lâu của vùng đất Hậu Giang. Tuy nhiên, sau nhiều năm trồng thì cây khóm bị lão hóa, dịch bệnh tấn công, cho năng suất thấp là chuyện thường xuyên diễn ra tại vùng khóm nơi đây. Chính vì vậy, việc lưu giữ và nhân rộng nguồn giống khóm sạch bệnh để giúp người dân khắc phục được những mặt khó khăn trên được trung tâm thực hiện là điều rất cần thiết. Trong đó, gia đình tôi may mắn vừa được trung tâm hỗ trợ con giống khóm sạch bệnh để trồng và tổ chức nhân rộng ra diện tích khóm còn lại của gia đình và những hộ xung quanh”.

Theo Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ, để có được kết quả ấn tượng trong công tác lưu giữ nguồn giống nông sản sạch bệnh cho tỉnh như trên thì thời gian qua đơn vị luôn nhận được sự quan tâm, hỗ trợ từ Ban Giám đốc Sở KH&CN tỉnh cùng các bộ phận liên quan nên những vướng mắc trong quá trình thực hiện luôn được tháo gỡ kịp thời, từ đó giúp đơn vị hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ đề ra. Song song đó thì hiện đơn vị cũng gặp không ít khó khăn và cần sớm có giải pháp tháo gỡ như: cán bộ làm công tác bảo tồn gen còn hạn chế về số lượng nên không đảm bảo đủ để quản lý, kiểm soát chặt chẽ; cơ sở, trang thiết bị và nguồn kinh phí cho việc lưu giữ, nhân giống… cũng còn nhiều hạn chế nên công tác bảo tồn gặp không ít khó khăn.

Chị Đặng Thị Thanh Loan, Chủ nhiệm nhiệm vụ lưu giữ và phát triển nguồn gen nông sản của tỉnh, thuộc Trung tâm Thông tin và Ứng dụng khoa học công nghệ, cho biết thêm: Việc bảo tồn nguồn gen các loại nông sản giữ một vai trò quan trọng trong sản xuất và đời sống, nhất là khi có xuất hiện tình hình dịch bệnh trên cây trồng. Xác định được tầm quan trọng trên nên công tác bảo tồn gen ngoài được đơn vị định hướng chiến lược để đảm bảo nhiệm vụ thực hiện đúng hướng, phát huy giá trị và thúc đẩy việc khai thác nguồn gen các loại cây ăn trái có giá trị ngày càng hiệu quả thì cũng rất cần sự quan tâm, hỗ trợ từ các ngành, các cấp của tỉnh. Sang năm 2021, ngoài việc tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen của những loại cây trồng đang có tại đơn vị thì dự kiến trung tâm sẽ đưa vào bảo tồn thêm nguồn gen của cây bưởi Năm Roi…

Bài, ảnh: TẤN PHÁT

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>