Hiệu quả mô hình phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa

09/10/2019 | 12:13 GMT+7

Với phương pháp “Nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh để phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa” được Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (TT&BVTV) tỉnh thực hiện đã và đang mang lại nhiều hiệu quả. Đây cũng là mô hình học tập và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực được chi cục thực hiện trong năm 2019.

Cán bộ Chi cục TT&BVTV tỉnh tiến hành thả ong ký sinh diệt bọ cánh cứng trên vườn dừa của nông dân trong mô hình.

Hiện nay, dừa tuy không phải là cây trồng chủ lực của tỉnh nhưng với việc cho hiệu quả kinh tế hấp dẫn do giá cả ổn định ở mức cao nên những năm gần đây nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển từ vườn tạp sang trồng dừa. Mặt khác, cây dừa có bộ rễ chùm, mềm dẻo như lớp lưới bám chặt vào lòng đất để giữ đất nên có tác dụng chống sạt lở bờ sông khá tốt, đồng thời tạo bóng râm mát mẻ nên hầu hết mỗi gia đình ở nông thôn đều trồng vài cây hoặc vài chục cây dừa trước và xung quanh nhà. Tuy nhiên, điều bà con lo lắng trong những năm gần đây là tình hình dừa sau khi trồng được hơn một năm tuổi thì bị bọ cánh cứng tấn công và gây hại, nhất là giống dừa xiêm lùn.

Anh Nguyễn Văn Mức, ở ấp 2, xã Vĩnh Thuận Đông, huyện Long Mỹ, chia sẻ: “Gia đình tôi có gần 1 công dừa với nhiều loại giống, trong đó chủ lực là dừa xiêm lùn. Hiện vườn dừa đã cho trái hơn 2 năm nay. Tuy nhiên, điều lo lắng của tôi là tình hình bọ cánh cứng ngày càng gây hại nặng trên những đọt non của cây dừa, trong khi giải pháp điều trị bằng thuốc hóa học rất khó thực hiện vì dừa đã cao và đang cho trái”.

Thấu hiểu được tình cảnh của người dân, Chi cục TT&BVTV tỉnh tiến hành tiếp nhận hai loại ong có tên khoa học là Asecodes hispinarum và Tetrastichus brontispae từ Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam để nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh nhằm phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa cho nông dân trong nhiều năm gần đây và hiện đã mang lại những tín hiệu tích cực. Ông Lê Văn Tạo, Trưởng phòng Bảo vệ thực vật, Chi ủy viên Chi bộ Chi cục TT&BVTV tỉnh, cho biết: Sau khi nhận hai loại ong trên, đơn vị tiến hành nhân nuôi và phóng sinh tại nhiều vườn dừa bị bọ cánh cứng tấn công trên địa bàn huyện Vị Thủy, thành phố Vị Thanh. Những vườn dừa sau khi có ong ký sinh thì bọ cánh cứng giảm rõ rệt. Do đó, nhận thấy cách làm mang lại nhiều hiệu quả trong phòng trừ bọ cánh cứng bằng biện pháp sinh học và góp phần bảo vệ môi trường, cũng như sức khỏe người dân nên năm 2019 này đơn vị tiến hành xây dựng kế hoạch và đăng ký với Sở NN&PTNT tỉnh mô hình học tập và làm theo Bác về nội dung “Nhân nuôi và phóng thích ong ký sinh phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa” cho chi bộ của chi cục.

Sau khi kế hoạch được thông qua, ngày 29-5 vừa qua, Chi bộ Chi cục TT&BVTV tỉnh tiến hành ra mắt mô hình với sự tham gia của nhóm nông dân gồm 7 thành viên có diện tích chuyên canh dừa, đồng thời yêu thích khoa học ở khu vực 2 và khu vực 6, phường III, thành phố Vị Thanh. Sau khi ra mắt mô hình, các hộ tham gia được tập huấn hướng dẫn phương pháp nhân nuôi và cách phóng thích ong ký sinh tại nông hộ.

Đang thực hiện quy trình nhân nuôi ong tại Chi cục TT&BVTV tỉnh, ông Trương Thanh Nghị, cán bộ kỹ thuật Chi cục TT&BVTV tỉnh, thông tin: Quy trình nhân nuôi ong được thực hiện nghiêm ngặt và yêu cầu sự tỉ mỉ, chịu khó của người thực hiện. Cụ thể, trước tiên là đi cắt những tàu dừa non bị bọ cánh cứng tấn công đem về, sau đó tiến hành lấy ấu trùng và nhộng của bọ cánh cứng từ trong lá dừa ra ngoài để vào chai, lọ hoặc chậu kín. Bước kế tiếp là thả số lượng ong vừa đủ vào những ấu trùng và nhộng của bọ cánh cứng để ong ký sinh. Sau 18 ngày kể từ khi thả vào ký sinh, ong bắt đầu nở, khi đó sẽ đem số ong này đi thả vào những vườn dừa của những hộ tham gia mô hình và xung quanh bị bọ cánh cứng tấn công để ong tiếp tục ký sinh, đồng thời tiêu diệt ấu trùng, nhộng của bọ cánh cứng. Qua đây, làm cho bọ cánh cứng không thể phát triển và tiếp tục gây hại cây dừa.

Dự kiến, mô hình sẽ duy trì thực hiện từ thời điểm ra mắt cho đến cuối năm 2019. Với mục tiêu chuyển giao nhân nuôi và phóng thích ong đạt số lượng theo kế hoạch đề ra, từ đó giúp nông dân trồng dừa kiểm soát và phòng trừ bọ cánh cứng gây hại trên cây dừa bằng biện pháp phòng trừ sinh học thay thế cho việc sử dụng thuốc hóa học, đồng thời góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường và bảo vệ sức khỏe cho mọi người. Tính từ đầu năm đến nay, Chi cục TT&BVTV tỉnh đã phối hợp cùng nông dân tổ chức 4 đợt thả ong, với tổng số lượng ong được thả gần 5.000 con, trong đó bình quân 1.000 con ong có thể thả được từ 5-10ha dừa (tùy theo số lượng dừa bị bọ cánh cứng tấn công ít hay nhiều).

Ông Bùi Văn Khoa, thành viên nhóm thực hiện mô hình và có hơn 1 công dừa đang cho trái ở khu vực 6, phường III, thành phố Vị Thanh, cho hay: “Khi trước áp dụng biện pháp thả ong ký sinh thì vườn dừa nhà tôi bị bọ cánh cứng tấn công khá nhiều. Hàng năm, tôi phải thường xuyên mướn người vệ sinh ngọn dừa nên tốn không ít chi phí. Thế nhưng, từ khi được Chi cục TT&BVTV tỉnh hướng dẫn và thực hiện thả ong ký sinh để diệt bọ cánh cứng thì vườn dừa của tôi tốt hẳn ra, cho trái nhiều hơn trước. Tới đây, tôi và bà con sẽ tiếp tục áp dụng biện pháp sinh học hiệu quả này để bảo vệ vườn dừa và sức khỏe của mình”.     

Theo các nhà khoa học, cây dừa có tác dụng rất lớn trong điều kiện biến đổi khí hậu như hiện nay. Bởi dừa là loại cây thích ứng ngập mặn nên những vùng bị xâm nhập mặn thì thường nhiều loại cây ăn trái có thể thất thu, nhưng riêng cây dừa vẫn phát triển tốt và cho trái quanh năm. Tại Hậu Giang, hiện huyện Long Mỹ và thành phố Vị Thanh là hai địa phương thường bị xâm nhập mặn nghiêm trọng vào mùa khô hàng năm, do đó hai đơn vị này có thể nghiên cứu trồng dừa tại những nơi bị ảnh hưởng nặng của mặn, đồng thời kết hợp áp dụng biện pháp sinh học trong phòng trừ bọ cánh cứng hại dừa do Chi cục TT&BVTV tỉnh đã và đang thực hiện khá hiệu quả. Qua đây, tạo mô hình sinh kế cho người dân vùng bị ảnh hưởng mặn có cuộc sống ổn định hơn.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>