Khôi phục sản xuất nông nghiệp

20/05/2020 | 07:50 GMT+7

Ngay sau giãn cách xã hội, thành phố Vị Thanh đã nỗ lực khôi phục các hoạt động sản xuất nông nghiệp, tạo khí thế sản xuất trên các cánh đồng, khu vườn, góp phần thực hiện hoàn thành các chỉ tiêu lĩnh vực này trong năm 2020.

Ông Quốc phấn khởi vì bắp trúng mùa được giá.

Ông Nguyễn Bé Sáu, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, chia sẻ: “Bên cạnh phòng, chống dịch thời gian qua, chúng tôi vẫn phối hợp chặt chẽ cùng các ngành có liên quan và địa phương kiểm tra tình hình trồng trọt, chăn nuôi… trên địa bàn. Đã bám sát lịch thời vụ đã triển khai xuống giống 3.566ha lúa Hè thu, 2.206,3ha diện tích khóm, 113,5ha diện tích mía, 1.751ha diện tích cây ăn trái… Ngoài ra, còn thực hiện tái đàn trong chăn nuôi heo được khoảng 60-70%, cử cán bộ đo độ mặn theo dõi thường xuyên. Mặt khác, tiến hành đóng các cống kịp thời, nhằm tránh để mặn ảnh hưởng đến sản xuất của người dân”. Với sự chủ động này, các hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn thành phố đã dần khôi phục. Đặc biệt, nhiều mặt hàng nông sản đã tìm được đầu ra ổn định, giá bán tăng trở lại khiến người dân rất phấn khởi.

Đến xã Hỏa Lựu, địa phương có diện tích trồng bắp lớn nhất nhì trên địa bàn thành phố, nếu vụ thu hoạch trước là không khí trầm lắng, do ảnh hưởng dịch Covid-19, không có thương lái mua, giá bắp chỉ còn 1.000 đồng/trái, thì vụ thu hoạch này, ai nấy cũng vui mừng khi bắp vừa trúng mùa lại được giá. Ông Đặng Văn Quốc, ở ấp Mỹ Hiệp 1, xã Hỏa Lựu, chia sẻ: “Hiện bắp có giá từ 1.300-1.600 đồng/trái, trừ hết chi phí, người trồng lời được tầm 1,3 triệu đồng/công. Giờ mới thấy lời, chứ hồi lúc ảnh hưởng của dịch Covid-19, bắp tới vụ thu hoạch không có người mua, nông dân phải bán với giá rẻ mong lấy lại vốn. Bây giờ, tới lứa hái khỏi cần tìm lái cũng có người đến hỏi mua, chúng tôi đỡ khâu vận chuyển, nên yên tâm hơn để tiếp tục canh tác”.

Trên địa bàn ấp Mỹ Hiệp 1 hiện có khoảng 90% diện tích đất đang trồng bắp. Trước kia, đây là vùng trồng mía, nhưng những năm gần đây do mía kém hiệu quả, nên người dân được khuyến khích chuyển đổi sang trồng bắp. So với mía chỉ trồng được 1 vụ/năm, bắp có thể trồng 4 vụ/năm, nhờ đó người dân có thu nhập khá hơn.

Không riêng gì người dân trồng bắp, người dân ở vùng chuyên canh trồng khóm ở xã Hỏa Tiến cũng rất phấn khởi, khi giá khóm đã tăng cao và đầu ra ổn định hơn. Anh Lâm Kim Thông, ở ấp Thạnh Thắng, xã Hỏa Tiến, bộc bạch: “Vụ khóm nghịch vừa rồi, tưởng sẽ cho thu nhập cao, nhưng do ảnh hưởng của dịch nên giá khóm rất thấp, khiến người dân gặp nhiều khó khăn. May là sau thời gian cách ly xã hội, thương lái bắt đầu thu mua khóm lại, hiện giá khóm loại 1 được 8.000-10.000 đồng/trái. Hy vọng, với mức giá này cùng đầu ra ổn định, kinh tế của bà con trồng khóm ở đây sẽ tốt hơn”. Trên địa bàn thành phố hiện có 2.206ha diện tích đất đang trồng khóm.

Để đảm bảo hoạt động sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tiếp tục phát triển sau thời gian khá dài gặp khó khăn, Phòng Kinh tế thành phố đã có nhiều giải pháp cụ thể. Ông Nguyễn Bé Sáu, Phó trưởng Phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, cho biết thêm: “Chúng tôi đang triển khai xuống giống, thu hoạch dứt điểm vụ lúa Hè thu và các loại cây ăn trái khác như khóm, bắp… Để hạn chế ảnh hưởng việc tiêu thụ nông sản sau dịch cho người dân, thành phố chủ động tìm doanh nghiệp gắn kết, đảm bảo đầu ra cho nông sản. Song song đó, tập trung tăng cường kiểm tra thường xuyên tình hình dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Đầu tháng 6, phòng sẽ tham mưu UBND thành phố trực tiếp nắm tình hình thiên tai. Sắp bước vào đầu mùa mưa, chúng tôi chủ động tuyên truyền để bà con nắm rõ các mối nguy hại có thể xảy ra để phòng tránh”.

Bài, ảnh: MỸ XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>