Khởi sắc nông nghiệp số

20/05/2024 | 19:34 GMT+7

Thực hiện theo chỉ đạo của Chính phủ và Bộ NN&PTNT, thời gian qua, việc số hóa, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số để nâng cao giá trị kinh tế trong lĩnh vực nông nghiệp được các ngành có liên quan và người dân trong tỉnh quan tâm áp dụng tốt, từ đó bước đầu mang lại nhiều tín hiệu khởi sắc.

Nông dân Hậu Giang đã và đang ứng dụng mạnh mẽ thiết bị bay không người lái vào phục vụ sản xuất nông nghiệp.

Xác định sản xuất nông nghiệp sáng tạo dựa trên thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0 sẽ góp phần nâng cao chuỗi giá trị và sản xuất cung ứng các sản phẩm nông nghiệp với hàng loạt các ưu thế về tối ưu tài nguyên, chi phí, công sức và mở rộng sản xuất. Do đó, trong thời gian qua, ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang đã nghiên cứu, học tập kinh nghiệm và trao đổi với nhiều công ty phần mềm về việc thực hiện chuyển đổi số cho lĩnh vực nông nghiệp. Trong đó, điểm nhấn là vào năm 2022, Sở NN&PTNT tỉnh đã ban hành kế hoạch về chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trên địa bàn tỉnh.

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Kế hoạch không chỉ quan tâm chuyển đổi số trong công tác quản lý, mà còn quan tâm đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực về chuyển đổi số cho đội ngũ cán bộ, từ đó chuyển giao, hướng dẫn, hỗ trợ tốt hơn cho nông dân tham gia chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Hiện nay, một trong những điểm dễ nhận thấy trong quá trình chuyển đổi số của ngành nông nghiệp Hậu Giang là việc ngành chức năng có liên quan từ tỉnh đến cơ sở và người dân thực hiện nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ số trong sản xuất nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Cụ thể là ứng dụng máy bay không người lái để gieo sạ và phun thuốc bảo vệ thực vật trên đồng ruộng; ứng dụng công nghệ tưới tự động, tiết kiệm nước, điều khiển tự động; ứng dụng phần mềm họp trực tuyến, hội thảo trực tuyến Zoom, Google Meet trong hoạt động tập huấn, chuyển giao kỹ thuật cho nông dân; xây dựng và phát triển phần mềm truy xuất nguồn gốc “Nông sản Hậu Giang” để giúp nông dân ghi chép nhật ký sản xuất và hỗ trợ in tem truy xuất QR-Code. Tem truy xuất nguồn gốc này đã được một số cơ sở sản xuất, hợp tác xã dán cho sản phẩm chứng nhận OCOP của mình...

Ông Nguyễn Văn Mãn, hộ có 1,6ha chanh không hạt và chôm chôm ở ấp Sơn Phú 1, xã Đại Thành, thành phố Ngã Bảy, thông tin: “Hiện tại, tôi cùng nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái nơi đây đã ứng dụng hệ thống tưới nước tự động cho vườn cây ăn trái của gia đình nhằm giảm công lao động và tiết kiệm chi phí. Bởi theo tính toán, với riêng 1,6ha vườn cây ăn trái của gia đình tôi thì lúc trước phải mướn 4-5 người tưới nước gần một ngày mới xong, nhưng khi gắn hệ thống tưới nước tự động khắp vườn thì tôi chỉ cần mở máy điện thoại thông minh của mình có kết nối với hệ thống tưới nước tự động, sau đó mở chương trình điều khiển từ xa và ấn nút sau 15-20 phút là vườn cây ăn trái của tôi được tưới nước xong, chi phí trả tiền điện không đáng kể và không phải mất công sức nên nhà vườn rất khỏe”.

Cùng chia sẻ về những lợi ích khi ứng dụng công nghệ số vào canh tác nông nghiệp, ông Trần Ngọc Tần, ở ấp Trường Lợi A, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, bộc bạch: “Nhiều vụ lúa qua, khi có thiết bị bay không người lái phục vụ sản xuất nông nghiệp thì việc canh tác lúa của nông dân không chỉ khỏe hơn rất nhiều so với trước đây mà còn mang lại nhiều lợi ích tích cực. Đó là nếu phun thuốc theo truyền thống thì 1ha, một người phải mất khoảng 3-4 giờ phun, còn với thiết bị bay thì chỉ mất 7-8 phút là xong. Mặt khác, quá trình phun thuốc không giẫm đạp lúa, hạn chế tiếp xúc với thuốc, lượng nước sử dụng ít nên bảo vệ tốt môi trường, đáp ứng yêu cầu sản xuất nông nghiệp sinh thái, thân thiện môi trường. Tôi thấy, không chỉ nông dân làm lúa mà hiện có không ít nhà vườn trồng cây ăn trái trên địa bàn tỉnh cũng áp dụng thiết bị bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật”.

Ngoài các hoạt động trên thì một điểm ghi nhận khác là việc ứng dụng công nghệ số trong kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân. Trong đó, thông qua phần mềm trực tuyến Zoom, ngành nông nghiệp từ tỉnh đến cơ sở thường xuyên tổ chức cho nông dân, hợp tác xã trong tỉnh tham gia nhiều buổi diễn đàn kết nối tiêu thụ nông sản do Tổ Công tác 970 của Bộ NN&PTNT tổ chức kết nối với các doanh nghiệp và hợp tác xã trong cả nước.

Bên cạnh đó, các ngành có liên quan của Sở NN&PTNT tỉnh còn triển khai ứng dụng có hiệu quả nhiều thiết bị công nghệ thông tin cho lĩnh vực mình quản lý. Điển hình là ứng dụng phần mềm QGis của Tổng cục lâm nghiệp dùng để theo dõi, cập nhật diễn biến rừng hàng tháng, quý, năm; khai thác số liệu quan trắc có hiệu quả 10 trạm đo mặn và 10 trạm đo mưa tự động nhằm đánh giá tình hình xâm nhập mặn và lượng mưa vào từng thời điểm cụ thể trên địa bàn tỉnh; ứng dụng phần mềm PPDMS trong công tác báo cáo về điều tra, phát hiện sinh vật gây hại trên cây trồng…

Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết thêm: Nhằm tiếp tục phát huy những kết quả đạt được và ngày càng đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, thời gian tới, ngành nông nghiệp tỉnh đề ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm có liên quan đến việc thúc đẩy số hóa ngành nông nghiệp. Cụ thể là tiếp tục xây dựng các ứng dụng chuyển đổi số về phần mềm quản lý chứa các dữ liệu quản lý nông nghiệp về trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, nuôi động vật hoang dã, quản lý công trình thủy lợi; hoàn thiện và vận hành thử phần mềm báo cáo chuyên ngành nông nghiệp; xây dựng các thiết bị thông minh về nâng cấp các trạm đo chất lượng nguồn nước, lắp đặt mới các bẫy đèn thông minh, hệ thống camera giám sát an toàn thực phẩm; xây dựng một số mô hình nông nghiệp thông minh trên lĩnh vực trồng trọt và chăn nuôi... Tin rằng, với sự quyết tâm của toàn ngành nông nghiệp và người dân trong tỉnh thì việc chuyển đổi số ngành nông nghiệp trong thời gian tới sẽ mang lại nhiều tín hiệu khởi sắc hơn nữa cho người dân.

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>