Mưa dầm gây thiệt hại lúa Hè thu

12/06/2019 | 08:12 GMT+7

Lúa sập nằm trong nước, máy gặt đập liên hợp khó thu hoạch, năng suất và giá bán thấp... là tình cảnh mà nhiều nông dân có lúa Hè thu trên địa bàn tỉnh đang gánh chịu trong lúc này do ảnh hưởng mưa dầm nhiều ngày qua.

Nhiều diện tích lúa Hè thu bị đổ ngã và nhấn chìm trong nước nên không thể thu hoạch bằng máy mà chuyển sang cắt bằng tay.

Chỉ còn 3 ngày nữa là đến ngày bà Nguyễn Thị Nâu, ở khu vực 4, phường V, thành phố Vị Thanh, sẽ thu hoạch 8 công lúa (giống IR 50404) của gia đình để giao cho “cò lúa” theo sự thỏa thuận từ trước. Thế nhưng, do mưa dầm kèm theo gió mạnh trong những ngày qua làm cho lúa của bà bị sập và nằm trong nước với tỷ lệ hơn 50%. Chính vì vậy, hiện tâm trạng của bà như ngồi trên đống lửa mỗi khi ra ruộng bơm nước cứu lúa hơn một tuần qua. Bà Nâu cho biết: “Nguồn thu nhập chính của gia đình tôi chủ yếu là nhờ vào 8 công ruộng này. Trước khi mưa dầm thì thấy lúa cũng trúng lắm nên gia đình đặt nhiều hy vọng. Nào ngờ, mấy bữa nay mưa cả ngày lẫn đêm liên tục nên lúa bị sập và nằm trong nước gần hết, dù gia đình đã rất cố gắng bơm rút nước từ trong ruộng ra bên ngoài nhưng không ăn thua gì”.

Theo quan sát của chúng tôi thì không riêng gì ruộng của bà Nâu mà hầu hết cả cánh đồng lúa ở khu vực 4, phường V này đều có lúa bị đổ ngã từ 30-60%. Dù còn 3 ngày nữa mới đến ngày thu hoạch nhưng vì nóng lòng nên có nhiều bà con tiến hành cắt lúa bằng tay tại một số chỗ bị chìm sâu trong nước để bó lại và đưa lên bờ mẫu cho khô ráo chờ máy cắt đến suốt; riêng những nơi nào cây lúa mới siêu vẹo, bông lúa còn trên mặt nước thì chừa lại để cho máy cắt đến thu hoạch. Bởi theo lý giải của nông dân, lúa sập và bị ngập sâu trong nước thì máy cắt chỉ thu hoạch được khoảng 50% số bông nằm phía trên, phần bông nằm trong nước thì bị bỏ lại nên dẫn đến thất thoát rất nhiều. Đặc biệt, điều lo lắng chung của bà con có lúa bị sập nặng là đều sợ “cò lúa” không chịu lấy lúa, khi đó nông dân khó kiếm nhân công thu hoạch bằng tay và phải trả tiền thuê rất cao, có khi lúa suốt ra không đủ để trả tiền công cắt, máy suốt và trâu kéo lúa bó từ dưới ruộng lên bờ mẫu.

Đang cắt lúa tại những chỗ bị đổ ngã và nằm sâu trong nước 6 công ruộng của gia đình ở cùng khu vực 4, phường V, ông Trần Văn Điển thông tin: “Giờ kiếm nhân công cắt lúa bằng tay không phải chuyện dễ dàng. Hơn nữa, giá mướn cắt tay một công tầm 700.000 đồng, cộng thêm 200.000 đồng tiền máy suốt và 200.000 đồng tiền trâu kéo lúa bó. Như vậy, chỉ tính riêng tiền thuê các khâu trong thu hoạch của một công lúa thì nông dân phải trả tới 1,1 triệu đồng. Trong khi, năng suất lúa của những hộ ở đây vừa cắt xong trước đó mấy ngày chỉ đạt 500-550 kg/công, giá bán là 3.900 đồng/kg (cắt máy) nên tính ra tổng nguồn thu nhập chưa được 2,2 triệu đồng, nếu trừ tiền thuê thu hoạch lúa bằng tay và các khoản chi phí đầu tư từ đầu vụ đến nay thì nông dân cầm chắc lỗ nặng”.

Cùng nỗi lo như nông dân ở thành phố Vị Thanh, ông Nguyễn Văn Điền, ở ấp 3, xã Vị Đông, huyện Vị Thủy, có gần 1ha đất lúa còn gần 10 ngày nữa sẽ thu hoạch nhưng mưa dầm đã làm sập khá nhiều. Ông Điền chia sẻ: “Tôi và bà con ở cánh đồng lúa phía sau nhà đã nhận tiền cọc của “cò lúa” với giá bán là 4.400 đồng/kg (giống OM 5451), giờ còn vài bữa nữa là đến ngày cắt nhưng mấy ngày qua mưa to và kèm theo gió lớn đã làm đổ ngã một ít diện tích. Hiện tại, bà con đang tích cực bơm rút nước trên ruộng xuống kênh và mong sao bớt mưa trong những ngày tới để có thể thu hoạch lúa được thuận lợi. Vụ này, tuy chưa cắt lúa nhưng tôi đoán năng suất chỉ dao động từ 600-650 kg/công là cùng, thấp hơn khoảng 200 kg/công so với cùng kỳ và giá bán hiện tại cũng thấp hơn khoảng 600 đồng/kg. Do đó, nếu không may tiếp tục gặp bất lợi về thời tiết thì bà con sẽ gặp nhiều khó khăn”.

Qua ghi nhận của ngành nông nghiệp tỉnh, mưa dầm và kèm theo gió mạnh trong những ngày qua không chỉ làm đổ ngã lúa Hè thu sắp thu hoạch hoặc đang trong giai đoạn cắt mà còn làm sập không ít diện tích lúa mới trổ bông cong trái me. Do diện tích lúa mới trổ bông lại bị sập và vẫn còn khoảng thời gian khá lâu mới đến ngày thu hoạch nên khả năng những diện tích này bị giảm năng suất do hạt lúa bị hư, nảy mầm và thất thoát khi cắt là chuyện không thể tránh khỏi. Theo thống kê nhanh của ngành nông nghiệp tỉnh, đến ngày 11-6, toàn tỉnh ghi nhận có khoảng 676ha lúa Hè thu bị đổ ngã từ 10-30% do ảnh hưởng của mưa dầm trong những ngày qua, với mức thiệt hại từ 3-5% năng suất. Hiện các địa phương có lúa bị đổ ngã gồm: huyện Vị Thủy, thành phố Vị Thanh, thị xã Long Mỹ và huyện Long Mỹ.

Trước tình hình thời tiết còn diễn biến phức tạp, trong đó mưa dầm có thể còn xuất hiện trong những ngày tới, do đó để lúa Hè thu trong giai đoạn trổ - chín hạn chế bị thiệt hại do mưa dầm, ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân cần chủ động gia cố bờ bao ở những nơi chưa có hệ thống đê bao khép kín để bơm rút nước từ trên ruộng xuống kênh được kịp thời, tránh để bông lúa bị ngập trong nước quá lâu sẽ làm ảnh hưởng đến chất lượng hạt lúa. Ngoài ra, bà con có thể gom những cây lúa bị đổ ngã lại để cột thành chùm dựng đứng nhằm hạn chế lúa tiếp xúc với nước và cũng tạo điều kiện thuận lợi cho máy cắt vào thu hoạch được dễ dàng. Bên cạnh đó, tranh thủ thời tiết thuận lợi thì tiến hành thu hoạch lúa nhanh, hạn chế để lúa quá ngày mới cắt sẽ dễ gây thất thoát… 

Đến thời điểm này, nông dân trên địa bàn tỉnh đã thu hoạch hơn 3.000ha trong tổng số 77.444ha lúa Hè thu đã xuống giống, tập trung ở huyện Châu Thành A, Phụng Hiệp, Vị Thủy và thành phố Vị Thanh. Hiện tại, năng suất lúa bình quân đạt 6,49 tấn/ha.       

 

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>