Nguy cơ xảy ra dịch bệnh nếu chăn nuôi theo tập quán cũ

16/04/2020 | 09:45 GMT+7

Sau gần một năm chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch tả heo châu Phi, nền chăn nuôi đang có những tín hiệu khôi phục bước đầu. Tuy nhiên, với nhiều hộ dân thì chuyện tái đàn quá khó khăn. Trao đổi với phóng viên Báo Hậu Giang, ông Trần Chí Hùng (ảnh), Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết:

- Có thể nói, dịch tả heo châu Phi xảy ra trong thời gian vừa qua là một đại dịch đối với ngành chăn nuôi, thiệt hại vô cùng lớn. Chỉ riêng Hậu Giang, đàn heo sụt giảm do dịch bệnh tương đương 40% tổng đàn, đặc biệt đối với đàn heo giống đã bị sụt giảm một cách nghiêm trọng. Do vậy, khi hết dịch, nhu cầu con giống cho việc tái đàn rất cao, nhưng số lượng heo nái sinh sản ở các cơ sở sản xuất con giống trong tỉnh hạn chế nên không đáp ứng kịp thời nhu cầu. Đây là tình trạng chung của cả nước chứ không riêng bất kỳ một tỉnh nào. Trước tình hình trên, ngành nông nghiệp đưa ra một số biện pháp để tháo gỡ từng bước khó khăn cho người chăn nuôi.

Số lượng heo đực giống và nái sinh sản có dấu hiệu khôi phục nhưng chưa nhiều.

Trước hết, chúng tôi đã có phản ánh về Bộ NN&PTNT tình hình khan hiếm con giống để Bộ có chỉ đạo chung. Về phần địa phương, Sở NN&PTNT đã chỉ đạo cho hệ thống thú y, khuyến nông tiếp tục bám sát cơ sở giúp hộ nuôi heo giống từng bước khôi phục lại tổng đàn ban đầu khi chưa có dịch bệnh. Mặt khác, cũng đã chỉ đạo cho Trung tâm Khuyến nông Hậu Giang liên hệ với trung tâm khuyến nông các tỉnh bạn để tìm nguồn cung con giống đáng tin cậy giúp người dân có điều kiện tiếp cận để tái đàn. Bước đầu, số lượng heo đực giống và nái sinh sản đã có dấu hiệu khôi phục, dù chưa nhiều.

Ông đánh giá như thế nào về mức độ an toàn nếu người dân vẫn áp dụng tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ như trước đây ?

- Chúng ta biết rằng dịch tả heo châu Phi là một bệnh do vi-rút gây ra, thiệt hại vô cùng lớn. Điều quan trọng mà mọi người cần phải biết là bệnh này không có vắc-xin phòng và không có thuốc trị. Mầm bệnh thì lưu tồn trong môi trường xung quanh rất nhiều. Sau đại dịch vừa qua, chỉ có các cơ sở chăn nuôi áp dụng tốt biện pháp an toàn sinh học, thực hiện tốt khâu cách ly, tiêu độc… thì mới tồn tại. Điển hình là các trại chăn nuôi gia công cho một số công ty chăn nuôi lớn trên địa bàn tỉnh vẫn an toàn duy trì suốt thời kỳ xảy ra dịch bệnh, hiện vẫn đang tiếp tục nuôi mới.

Chính vì thế, vấn đề đặt ra sau dịch bệnh là phải thẩm định điều kiện trước khi người chăn nuôi muốn tái đàn trở lại. Chúng tôi khuyến cáo bà con nông dân, người chăn nuôi phải thực hiện tốt các biện pháp an toàn sinh học, còn nếu như chăn nuôi theo tập quán cũ, không đảm bảo an toàn sinh học thì nguy cơ xảy ra dịch bệnh là rất cao.

Xin ông cho biết những chính sách mà người chăn nuôi sẽ được tiếp cận khi tái đàn ?

- Chính sách của tỉnh đặt ra cho người chăn nuôi nói chung chứ không riêng cho trường hợp tái đàn sau dịch. Tất nhiên trong tổ chức thực hiện chúng ta có ưu tiên cho tái đàn. Cụ thể, các chính sách từ Đề án giống cây trồng vật nuôi; chương trình khuyến nông năm 2020; chính sách hỗ trợ chăn nuôi nông hộ thực hiện năm 2020… Hiện nay, ngành và các địa phương đang lập danh sách các đối tượng được áp dụng để hỗ trợ với tổng kinh phí khoảng 500 triệu đồng…

Hướng sắp xếp lại chăn nuôi sau khi hết dịch heo châu Phi như thế nào, thưa ông ?

- Chăn nuôi vẫn là một ngành chính trong lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, góp phần không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế của ngành và của xã hội. Tuy nhiên, qua dịch tả heo châu Phi cho thấy chăn nuôi nhỏ lẻ, nuôi theo tập quán như hiện nay là không bền vững, cần phải tổ chức lại.

Trước hết, ngành nông nghiệp đang tham mưu xây dựng quy định vùng cấm chăn nuôi ở khu vực nội thành, nội thị để UBND trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết quy định vùng cấm chăn nuôi ở khu vực nội thành, nội thị tỉnh Hậu Giang đúng theo quy định của Luật Chăn nuôi. Vấn đề tiếp theo là hướng đến việc chăn nuôi tập trung, giảm dần tỷ lệ chăn nuôi nhỏ lẻ, vì chăn nuôi nhỏ lẻ theo tập quán là không đảm bảo an toàn sinh học, không đảm bảo vệ sinh phòng bệnh một cách triệt để, là cơ sở làm lây lan dịch bệnh. Hướng đến chăn nuôi tập trung là hướng đến việc chăn nuôi theo quy hoạch, cơ sở vật chất phải đảm bảo các điều kiện về vệ sinh môi trường, về vệ sinh thú y, liên kết thành các hợp tác xã để xây dựng vùng an toàn dịch bệnh nhằm kết nối với doanh nghiệp trong cung ứng thức ăn, con giống và tiêu thụ sản phẩm. Có như vậy thì chăn nuôi mới phát triển bền vững được. Bên cạnh đó, tiếp tục mời gọi các doanh nghiệp đủ năng lực đầu tư các trang trại chăn nuôi quy mô công nghiệp vào Hậu Giang để nâng quy mô tổng đàn…

Sở NN&PTNT tỉnh cũng vừa ban hành thông báo hết dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh Hậu Giang vào cuối tháng 3 vừa qua. Bên cạnh đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cũng đã ban hành công văn về việc phối hợp trong kiểm tra vận chuyển động vật, sản phẩm động vật. Theo đó, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh không yêu cầu lấy mẫu xét nghiệm dịch tả heo châu Phi khi kiểm dịch xuất tỉnh nếu không nhận được văn bản yêu cầu của các tỉnh, thành phố (thực hiện theo Hướng dẫn 3708 của Bộ NN&PTNT).

 

Xin cảm ơn ông !

THÚY HẰNG thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>