Nỗi lo dịch hại trên lúa Hè thu

10/04/2018 | 07:43 GMT+7

Nhiều nông dân trên địa bàn tỉnh sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông xuân đang tất bật vệ sinh đồng ruộng để xuống giống vụ lúa Hè thu với kỳ vọng tiếp tục trúng mùa, được giá. Thế nhưng, theo nhận định của ngành chức năng, việc gieo sạ sớm sẽ đối mặt nhiều thách thức về thời tiết và dịch hại.

Xử lý đất thật kỹ và xuống giống tập trung né rầy là giải pháp phòng bệnh VL-LXL hiệu quả.

Nhiều diện tích gieo sạ sớm

Theo kế hoạch của ngành nông nghiệp tỉnh, vụ lúa Hè thu 2018, nông dân trên địa bàn tỉnh sẽ gieo sạ khoảng 76.800ha. Đến thời điểm này, bà con đã xuống giống hơn 20.000ha, trong đó tập trung ở các huyện, như: Châu Thành A, Vị Thủy, Phụng Hiệp và thành phố Vị Thanh. Hiện tại, lúa trong giai đoạn mới gieo sạ đến hơn một tháng tuổi. Tuy nhiên, điều lo lắng của ngành chức năng là trong số lúa đã xuống giống thì có nhiều diện tích bà con gieo sạ không đảm bảo thời gian cách ly mầm bệnh, đặc biệt là có không ít diện tích gieo sạ trước lịch thời vụ của ngành nông nghiệp tỉnh nên nguy cơ dẫn đến dịch bệnh trên lúa là rất cao.

Đang rải phân đợt 2 cho gần 1ha lúa Hè thu đã xuống giống hơn một tháng tuổi, ông Tô Văn Hiệp, ở ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, cho biết: “Sau khi thu hoạch xong vụ lúa Đông xuân với niềm vui trúng mùa, bán được giá nên bà con ở đây tranh thủ xuống giống ngay vụ lúa Hè thu sớm hơn cùng kỳ gần 10 ngày với hy vọng sẽ tiếp tục có thêm mùa vụ bội thu. Hiện cây lúa vẫn đang phát triển tốt, nhưng do gieo sạ sớm và nghe thông báo về nguy cơ tình hình dịch hại trong vụ lúa này sẽ tăng nên tôi thường xuyên thăm đồng để phát hiện sâu bệnh sớm, phòng trị kịp thời”.   

Còn ông Nguyễn Văn Xưa, ở ấp 12, xã Vị Trung, huyện Vị Thủy, chia sẻ trong sự lo lắng: “Lúa đang có giá cao nên ai nấy đều muốn gieo sạ sớm để có lúa bán, từ đó mà sau khi đốt đồng xong là tiến hành trục, xới đất để vùi rơm rạ rồi xuống giống liền. Thế nhưng, mới đầu vụ mà thấy lo lắng bởi dịch hại đang tấn công, nhất là rầy nâu xuất hiện với mật số cao nên bà con đang tích cực phòng trừ nhằm tránh rầy nâu có mang mầm bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá (VL-LXL) truyền bệnh cho cây lúa”.    

Hiện tại, tuy chưa có thống kê cụ thể của các địa phương trong tỉnh, nhưng chỉ tính riêng huyện Vị Thủy đã có khoảng 800ha lúa được nông dân gieo sạ trước lịch thời vụ. Tất cả các hộ xuống giống trước lịch đã được ngành chức năng các địa phương của huyện lập biên bản ghi nhận để khi có vấn đề về dịch hại sẽ có hướng xử lý. 

Ông Nguyễn Văn Đồng, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, cho biết: Các địa phương cần làm giống như huyện Vị Thủy là lập biên bản các hộ gieo sạ không theo lịch thời vụ khuyến cáo để làm cơ sở pháp lý xử lý khi có trường hợp xấu xảy ra. Bởi vụ Hè thu năm nay được dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn về thời tiết khô hạn, xâm nhập mặn, nhất là tình hình dịch bệnh có khả năng sẽ xuất hiện nhiều, trong đó đáng lo ngại nhất là bệnh VL-LXL. Do đó, trước mắt ngành nông nghiệp các địa phương cần làm tốt các trách nhiệm có liên quan để giúp người dân có vụ lúa thắng lợi.

Chủ động phòng bệnh vàng lùn - lùn xoắn lá

Một trong những loại dịch hại đang được ngành nông nghiệp tỉnh Hậu Giang và các tỉnh, thành vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) quan ngại trong vụ lúa Hè thu này là bệnh VL-LXL có thể phát sinh và gây ảnh hưởng trên diện rộng. Bởi trong vụ lúa Đông xuân vừa qua, nhiều tỉnh như Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu… xuất hiện nhiều ổ dịch VL-LXL nên sẽ tiềm ẩn lây lan sang vụ Hè thu này nếu không có giải pháp phòng ngừa hiệu quả.

Ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh, thông tin: Trong vụ lúa Đông xuân 2017-2018, Hậu Giang ghi nhận có 655ha lúa (chủ yếu ở huyện Long Mỹ) bị nhiễm bệnh VL-LXL, với tỷ lệ phổ biến từ 30-70%. Hiện ngành đã tiến hành lập danh sách số hộ, diện tích lúa bị bệnh để trình UBND tỉnh xem xét có hướng hỗ trợ. Đồng thời, chỉ đạo cho cán bộ của ngành hướng dẫn người dân các biện pháp xử lý ở những ruộng nhiễm bệnh trước khi xuống giống lúa Hè thu.

Cùng chia sẻ về tình hình lúa bị nhiễm bệnh VL-LXL, ông Nguyễn Thành Phước, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng, cho hay: Sau nhiều năm vắng bóng, dịch bệnh VL-LXL lại bắt đầu xuất hiện và gây hại hơn 3.800ha trong vụ lúa Đông xuân 2017-2018 ở các địa phương trên địa bàn tỉnh, như: thị xã Ngã Năm, huyện Mỹ Tú, Thạnh Trị, Kế Sách… với tỷ lệ từ 30-70% và chủ yếu gây hại trên giống lúa RVT.

Qua thống kê của Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, từ đầu năm 2018 đế nay, các tỉnh, thành vùng ĐBSCL có đến 5.514ha lúa Đông xuân bị nhiễm bệnh VL-LXL, tăng gần gấp 5 lần so với cùng kỳ và nguy cơ diện tích lúa nhiễm bệnh nguy hiểm này sẽ còn tăng trong vụ lúa Hè thu đang xuống giống cũng như những vụ lúa tiếp theo. Ông Lê Quốc Cường, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ thực vật phía Nam, cho hay: Hiện trung tâm xác định có 2 điểm ổ dịch lớn về bệnh VL-LXL tại ĐBSCL cần có giải pháp khống chế để tránh lây sang diện rộng. Thứ nhất gồm các tỉnh Đồng Tháp - Long An - Tiền Giang và thứ hai là Hậu Giang - Sóc Trăng - Bạc Liêu. Hiện đơn vị đã phối hợp với Cục Bảo vệ thực vật, cùng ngành nông nghiệp các tỉnh trên tổ chức những buổi tọa đàm để tìm và thống nhất các giải pháp trong việc ngăn chặn dịch hại VL-LXL đang trong tình trạng báo động về diện tích nhiễm bệnh như hiện nay.

Theo đó, giải pháp chủ động phòng trừ bệnh VL-LXL được lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật và các địa phương đưa ra trước mắt là ngành nông nghiệp ở các địa phương giáp ranh có ổ dịch bệnh VL-LXL tương đối lớn trong vụ lúa Đông xuân vừa qua, như: Hồng Dân (Bạc Liêu), Ngã Năm (Sóc Trăng) và Long Mỹ (Hậu Giang); Tân Thạnh (Long An), Tân Phước (Tiền Giang) và Tân Hồng (Đồng Tháp) tiến hành gặp gỡ để thống nhất chung về lịch thời vụ xuống giống theo hướng tập trung né rầy. Đồng thời, tổ chức tập huấn cho nông dân các giải pháp xử lý rơm rạ, đất, thời gian cách ly trước khi xuống giống lúa Hè thu tối thiểu 20 ngày. Bên cạnh đó, ngành nông nghiệp các địa phương cần thường xuyên theo dõi mật số rầy nâu trong bẫy đèn và gửi mẫu rầy đi phân tích Elisa, nếu phát hiện khu vực nào có rầy nâu mang mầm bệnh VL-LXL sẽ tiến hành thực hiện các giải pháp phòng trị kịp thời. Hướng xa hơn là sẽ tiến hành khảo nghiệm và đưa ra thị trường những giống lúa có khả năng kháng rầy nâu và bệnh VL-LXL, vận động người dân sản xuất 2 vụ lúa/năm nhằm cách ly mầm bệnh được tốt nhất…

Ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết: Chúng ta cần quản lý tốt các ổ dịch bệnh VL-LXL được khoanh vùng để việc ngăn chặn bệnh phát sinh được hiệu quả và thành công. Ngoài ra, các địa phương cần phát huy công tác theo dõi rầy nâu vào bẫy đèn, lấy mẫu rầy phân tích để xem rầy có mang mầm bệnh hay không để có giải pháp phòng trị bệnh kịp thời. Trong đó, biểu dương các bẫy đèn sử dụng năng lượng mặt trời tại Hậu Giang và cần nhân rộng nhiều hơn trong thời gian tới. Đặc biệt, trong quá trình theo dõi cần lập biên bản những hộ gieo sạ không theo lịch thời vụ để khi lúa có bệnh và thiệt hại sẽ không hỗ trợ cho những hộ này, nhằm tạo ý thức cho người dân sản xuất…

Bài, ảnh: HỮU PHƯỚC

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>