Phát triển nông nghiệp bền vững

12/04/2018 | 09:28 GMT+7

Đó là mục tiêu mà huyện Châu Thành đang tập trung thực hiện trong quá trình phát triển sản xuất nông nghiệp tại địa phương.

Ông Lê Văn Nam kiểm tra trái mít để kịp thời phát hiện sâu bệnh.

Ông Nguyễn Văn Tùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Thành, cho biết: Bên cạnh việc đầu tư hệ thống đê bao thủy lợi thì giao thông phải thực hiện hoàn chỉnh để lưu thông hàng hóa, đảm bảo phục vụ cho sản xuất nông nghiệp. Ngoài ra, để nền nông nghiệp trên địa bàn phát triển bền vững, hàng hóa của người dân có giá trị kinh tế cao, phục vụ nhu cầu tiêu dùng, huyện Châu Thành đang từng bước vận động, khuyến khích người dân sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn vệ sinh thực phẩm. Vận động các thành phần kinh tế tập thể tham gia vào liên kết từ khâu sản xuất đến đầu ra sản phẩm.

Hiện tại, sản phẩm chanh không hạt của huyện Châu Thành đã có tiếng vang trên thị trường trong và ngoài nước. Tuy nhiên, trên địa bàn còn phát triển nhiều loại cây trồng khác có giá trị kinh tế cao, sản phẩm ngon nhưng chưa có thương hiệu. Theo người trồng cây ăn trái, sản phẩm hiện nay còn bấp bênh, chưa có đầu ra ổn định, kỹ thuật trồng chưa nắm bắt hết.

Ông Lê Văn Nam, ở ấp Tân Thuận, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, cho hay: “Lúc trước trên diện tích 8,5 công đất, gia đình tôi trồng cây cam sành. Trồng hơn 3 năm, tôi thấy công chăm sóc, dịch bệnh trên cây nhiều nhưng giá cả lại bấp bênh, cho lợi nhuận thấp nên tôi chuyển sang trồng mít Thái siêu sớm. Đối với loại cây mít thì công chăm sóc dễ dàng hơn, chi phí đầu tư ít, thị trường tiêu thụ mạnh, sau khi trừ chi phí mỗi công lợi nhuận từ 100 triệu đồng/năm trở lên”. Tuy hiện tại thị trường đang tiêu thụ mạnh nhưng giá cả không ổn định. Do đó, để hàng hóa của người dân làm ra có nơi tiêu thụ, nhiều nhà vườn mong các cấp, các ngành tiếp sức cho người nông dân trong việc tìm đầu ra sản phẩm. Đồng thời, để thực hiện chuyển đổi những cây trồng trước đây đã bị già cỗi sang cây trồng hiệu quả hơn, nhà vườn rất cần sự hỗ trợ cây con giống”.

Ông Trương Văn Duẩn, ở ấp Tân Thuận, xã Đông Phước A, huyện Châu Thành, bộc bạch: “Thấy cây mít hiện tại đang cho lợi nhuận cao nên gia đình tôi cũng chuyển sang trồng mít và đã có thu hoạch. Nhưng hạn chế lớn nhất của người dân trồng mít hiện nay là tự tìm thương lái và chưa được hướng dẫn về mặt kỹ thuật điều trị bệnh xơ đen trên trái mít. Nếu trái mít bị xơ đen thì giá bán ra giảm 80% giá trị. Vì vậy, để hỗ trợ cho người nông dân sản xuất ra sản phẩm có kinh tế cao, các ngành cần quan tâm tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật, tăng cường sự liên kết với các doanh nghiệp để thị trường được ổn định hơn”.

Theo ông Nguyễn Văn Tôi, Trưởng ấp Tân Thuận, xã Đông Phước A, thì toàn ấp có 212 hộ, hiện chỉ còn 10 hộ nghèo và 5 hộ cận nghèo. Phần lớn các hộ dân có thu nhập từ vườn cây ăn trái nên ngày càng nâng cao đời sống. Tuy nhiên, nỗi lo lớn nhất của người dân trong ấp là chưa có hợp tác xã thu mua mít, một số hộ cần hỗ trợ vốn để chuyển đổi cây trồng hiệu quả.

Để nâng cao kỹ thuật trồng cho người dân, sản xuất sản phẩm theo hướng bền vững, an toàn, vệ sinh thực phẩm, ông Đinh Quang Tuấn, cán bộ Tổ kỹ thuật xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, cho rằng: Ngoài việc một số mặt hàng nông sản trên địa bàn giá cả bấp bênh thì việc áp dụng kỹ thuật trồng cây ăn trái của người dân cũng còn hạn chế. Do đó, các ngành chuyên môn nên mở nhiều lớp tập huấn kỹ thuật và hỗ trợ vốn để làm những mô hình điểm theo hướng an toàn, quản lý dịch bệnh theo biện pháp sinh học.

Ông Trần Hồng Đức, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Châu Thành, cho biết: Tổng diện tích trồng cây ăn trái trên địa bàn huyện Châu Thành là 10.675ha. Từ đầu năm đến nay, cây mít Thái siêu sớm phát triển thêm 600ha, nâng tổng diện tích trồng mít lên 1.000ha; diện tích cây chanh không hạt gần 1.000ha, bưởi 1.300ha, nhãn 600ha. Vấn đề khó nhất hiện nay của nông dân huyện Châu Thành là thị trường không ổn định, người dân đầu tư không thực sự yên tâm, tình trạng dịch bệnh nhiều, khó quản lý. Việc sản xuất còn mang tính chất hộ, chưa có sự liên kết hợp tác tốt giữa nông dân với nông dân, hợp tác xã với các tổ hợp tác. Để hàng hóa của người dân làm ra thực sự mang lại hiệu quả cao, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện sẽ tăng cường hỗ trợ kỹ thuật cho người dân, vận động nông dân sản xuất theo hướng an toàn. Bên cạnh đó, tìm kiếm các doanh nghiệp để tìm đầu ra cho sản phẩm…

Bài, ảnh: T.XOÀN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>