Phát triển nông nghiệp hiệu quả, bền vững

24/11/2020 | 09:16 GMT+7

Là xã thuần nông nên cấp ủy, chính quyền xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp rất chú trọng phát triển nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị sản xuất, giúp cải thiện thu nhập người dân.

Ông Đặng Văn Năm, ở ấp Thạnh Mỹ C, xã Bình Thành, đánh giá cao hiệu quả mô hình trồng nhãn Ido của gia đình mình.

Trước đây, cũng như nhiều hộ dân khác, gia đình ông Đặng Văn Năm, ở ấp Thạnh Mỹ C, xã Bình Thành từng hy vọng sẽ đổi đời từ cây mía, nhưng đã thất vọng vì giá cả bấp bênh. Được chính quyền địa phương thuyết phục, vận động nên gia đình ông Năm mạnh dạn chuyển đổi gần 8.000m2 đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng nhãn Ido vì nhận thấy loại trái nhãn này được người tiêu dùng ưa chuộng và bán được giá cao trên thị trường.

Bắt đầu chuyển đổi từ năm 2015, ông Năm tích cực học hỏi và áp dụng kỹ thuật chăm sóc, nhờ vậy mà vườn cây phát triển tươi tốt, ít bị bệnh. Trong vụ thu hoạch đầu tiên vào năm 2017, gia đình ông thu về số tiền 130 triệu đồng, trừ chi phí còn lợi nhuận gần 100 triệu đồng. Từ đó đến nay, năm nào gia đình ông cũng bán nhãn được hơn 100 triệu đồng, trong khi chi phí bỏ ra trung bình chỉ khoảng 40 triệu đồng.

Ông Năm cho biết: “Lúc mới trồng còn bỡ ngỡ nên khá vất vả trong các khâu chăm sóc. Đến nay đã quen thì thấy loại nhãn này cũng dễ trồng và ít bị bệnh. Nhìn lại mới thấy việc chuyển đổi sang trồng nhãn Ido là một quyết định đúng đắn của gia đình tôi vì thu nhập cao hơn nhiều so cây mía”.

Là một trong những hộ tiên phong và thành công với mô hình trồng nhãn Ido của ấp, ông Năm luôn sẵn lòng chia sẻ kinh nghiệm với người thân, xóm giềng về kỹ thuật chăm sóc. Dần dà, nhiều hộ dân ở ấp Thạnh Mỹ C đã tiếp cận mô hình và quyết định chuyển đổi đất trồng mía kém hiệu quả, vườn tạp sang trồng nhãn Ido.

Khi phong trào trồng loại nhãn này lan rộng, ấp Thạnh Mỹ C đã thành lập Tổ hợp tác trồng nhãn Ido với 20 thành viên, có diện tích khoảng 15ha do ông Năm làm tổ trưởng. “Việc thành lập tổ hợp tác giúp chúng tôi thuận lợi hơn trong việc tìm đầu ra trên thị trường cũng như dễ dàng chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật chăm sóc giữa các thành viên với nhau”, ông Năm nói.

Ông Phan Hữu Viện, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã, thông tin, bên cạnh mô hình trồng nhãn Ido, trên địa bàn ấp Thạnh Mỹ C nói riêng và trên địa bàn xã nói chung thời gian gần đây xuất hiện ngày càng nhiều mô hình do người dân chuyển đổi từ đất trồng mía, vườn tạp sang trồng mít, sầu riêng, chuối... đạt hiệu quả cao.

“Đảng ủy, chính quyền xã luôn vận động, thuyết phục người dân nên mạnh dạn chuyển đổi cây trồng để mang lại giá trị cao hơn. Cùng với đó, chúng tôi tích cực hướng dẫn bà con chọn cây giống có chất lượng, tổ chức tập huấn kỹ thuật chăm sóc để đảm bảo mô hình chuyển đổi đạt hiệu quả”, ông Viện thông tin thêm.

Dù mô hình trồng cây ăn trái xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn xã Bình Thành nhưng cây lúa vẫn là cây trồng chủ yếu trong sản xuất của người dân địa phương, với tổng diện tích khoảng 1.530ha. Đáng ghi nhận là hiện nay, diện tích được đê bao khép kín khoảng 1.100ha. Ông Trần Văn Nghĩa, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã, cho rằng: “Nhờ hệ thống đê bao khép kín nên người dân có điều kiện tham gia sản xuất tập trung thông qua việc bơm nước, gieo sạ, thu hoạch... đồng loạt, giúp giảm khá nhiều chi phí sản xuất”.

Sản xuất lúa theo hướng hữu cơ là hướng đi mà xã Bình Thành đang vận động, thuyết phục người dân thực hiện. Dự kiến, trong vụ Đông xuân 2020-2021, sẽ có khoảng 50ha áp dụng theo hình thức sản xuất này với 2 loại giống ST24, OM 5451, sau đó sẽ có đánh giá về kết quả mang lại để có hướng nhân rộng.

Hiện trên địa bàn xã Bình Thành có 3 hợp tác xã, 11 tổ kinh tế hợp tác. Nhờ giá trị sản xuất nông nghiệp ngày càng được nâng lên nên giúp cho thu nhập bình quân đầu người của xã hiện đạt 45,5 triệu đồng/người/năm. Theo ông Trần Văn Nghĩa, thời gian tới, Đảng ủy, UBND xã Bình Thành tiếp tục thực hiện nhiều biện pháp để nâng cao hơn nữa hiệu quả, giá trị sản xuất nông nghiệp.

“Địa phương sẽ tích cực vận động, kêu gọi người dân tham gia kinh tế hợp tác, sản xuất lúa theo hình thức tập trung; phối hợp với ngành chuyên môn huyện tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho người dân; tạo điều kiện về nguồn vốn giúp người dân đầu tư phát triển sản xuất...”, ông Nghĩa nhấn mạnh.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>