Tăng thu nhập từ trồng nấm rơm

30/03/2020 | 08:44 GMT+7

Trước đây, sau vụ thu hoạch lúa, rơm rạ thường đốt bỏ, bán không ai mua. Ngày nay, nguồn nguyên liệu này đã trở thành hữu dụng cho nhiều nông hộ với nghề trồng nấm rơm kiếm thêm thu nhập.

Anh Mol đang tưới nước, ủ rơm cho vụ nấm mới.

Đưa tay lau những giọt mồ hôi trên má, lão nông Tư Hòa, ở xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, ì ạch ôm cuộn rơm nặng gần 30kg đặt lên bờ rồi nói với tôi: “Năm nay lúa trúng mùa, trúng giá nông dân thu hoạch đến đâu, bán hết lúa tươi cho thương lái ngoài đồng, ngoại trừ rơm là không bán”. Trước đây, sau thu hoạch lúa, rơm rạ được đốt ngay tại ruộng, còn bây giờ nhiều hộ dân tận dụng nguồn nguyên liệu phế phẩm từ cây lúa để phát triển nghề trồng nấm rơm. Nghề này ngày gần đây được nhiều hộ dân trong xã duy trì và phát triển mạnh lúc nông nhàn của những tháng mùa khô, từ đó đã có không ít gia đình nhờ nghề này mà có thêm nguồn thu nhập ổn định.

Như để chứng minh chuyện vươn lên thoát nghèo từ trồng nấm rơm, bà con trong xã thường hay nhắc đến mô hình trồng nấm rơm trong nhà của anh Út Hải (Phạm Văn Hải), ở ấp Long Bình 1, xã Long Phú, thị xã Long Mỹ, cùng một số hộ dân khác trồng được quanh năm không chỉ năng suất cao mà còn bán được giá. Tiếp chuyện với chúng tôi, anh Hải cho biết mình sinh ra và lớn lên trong gia đình khó khăn, anh phải lao động với nhiều ngành nghề khác nhau để phụ giúp gia đình. Công việc theo thời vụ không ổn định, kinh tế gia đình ngày một khó hơn. Nhưng nhờ có sự giúp đỡ của bạn bè, người thân, anh bắt đầu chuyển sang nghề trồng nấm rơm. Những ngày đầu khi bắt tay vào sản xuất, vì chưa có kinh nghiệm nên năng suất nấm chưa cao, bán ra không được giá, lắm lúc anh có ý định buông xuôi, không muốn tiếp tục nghề trồng nấm. Nhờ có sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền địa phương, từ khâu kỹ thuật đến đầu tư kinh phí xây cất nhà trồng nấm rơm nên thu nhập từ đó cũng khá dần.

Với nhiều năm kinh nghiệm trong việc trồng nấm rơm, anh Hải cho biết đến mùa thu hoạch lúa những hộ trồng nấm rơm phải tranh thủ thời tiết tốt phơi khô và vận chuyển rơm về nhà với số lượng càng nhiều, càng tốt để có nguyên liệu cho quá trình sản xuất. Với quy mô trồng hiện nay của gia đình, cùng với sự tính toán của bản thân, mỗi năm từ diện tích hơn 250m2 trong nhà nấm anh Hải trồng được 6 vụ nấm/năm. Năng suất bình quân từ 800kg đến 1 tấn nấm thành phẩm/vụ, với giá bán dao động từ 30.000-45.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí đầu tư, anh còn lợi nhuận 15-20 triệu đồng/vụ, nhờ vậy mà gia đình đã vượt qua khó khăn. 

Còn anh Hai Mol (Dương Văn Mol), ở ấp Long Bình 2, xã Long Phú thì cho rằng nghề trồng nấm rơm đã có từ rất lâu, phù hợp với điều kiện của hầu hết các hộ nông dân và mau thu lại kết quả. Chính vì điều này mà những năm gần đây nghề trồng nấm đã phát triển và trở thành nguồn thu chính cho nhiều hộ nông dân. Để trồng thành công nấm rơm, bà con cũng cần nắm chắc kinh nghiệm và kỹ thuật, nhất là mùa Đông xuân, giáp Tết Nguyên đán, có gió lạnh thì phải chắn gió, giữ ấm và làm mô nấm lớn hơn. Mùa mưa, cần làm mái che hoặc tủ rơm dày hơn để giảm độ ẩm, làm nền cao để tránh ngập úng, chọn vị trí thoáng mát, sạch sẽ để tránh mầm bệnh, tránh ánh nắng mặt trời chiếu trực tiếp để không ảnh hưởng tới nấm. Việc chọn meo giống cũng đóng vai trò rất quan trọng, vì giống nấm sẽ quyết định tới sự thành, bại cho gia đình. Giống nấm không bị nhiễm bệnh, không quá già, cũng không quá non và có mùi thơm dễ chịu. Túi giống phải có mùi đặc trưng của giống nấm rơm, không loang lỗ và sợi nấm phải ăn kín đáy. Phương pháp ủ rơm trước khi chất nấm cũng được áp dụng cho cả rơm tươi và khô, thường xuyên tưới nước để diệt nấm tạp, tẩy rửa chất phèn, chất mặn trong rơm rạ, 2-3 ngày xáo trộn rơm một lần, không cần dùng phân bón gì thêm.

Có thể nói, nghề trồng nấm rơm đã góp phần quan trọng cải thiện đời sống, nâng cao thu nhập cho nhiều hộ gia đình ở xã Long Phú. Hiện tại, nhiều hộ trồng nấm rơm tại địa phương mong muốn có sự liên kết và hướng dẫn của ngành chuyên môn để yên tâm đầu tư sản xuất, tạo ra được sản phẩm với số lượng nhiều và đảm bảo chất lượng, nhằm cung ứng đủ cho thị trường. Như vậy, thu nhập bình quân hộ gia đình trong xã cũng được tăng lên, góp phần tích cực trong việc giữ vững và nâng cao chất lượng xây dựng xã nông thôn mới của địa phương.

Bài, ảnh: QUANG HẢI

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>