Tìm hướng đi bền vững cho cây ăn trái

12/09/2019 | 18:05 GMT+7

Cây ăn trái không phải là ngành sản xuất mang lại giá trị cao nhất trong cơ cấu sản xuất, nhưng đóng vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Khóm Cầu Đúc - đặc sản của Hậu Giang đã phát triển thành thương hiệu.

Nhiều kết quả, nhưng…

Theo ngành nông nghiệp tỉnh, đến nay đã có nhiều sản phẩm cây ăn trái của tỉnh được chứng nhận nhãn hiệu tập thể, gồm: Bưởi Năm Roi Phú Thành Hậu Giang, Cam sành Ngã Bảy, Khóm Cầu Đúc, Chanh không hạt Hậu Giang, Quýt đường Long Trị, Cam xoàn Phụng Hiệp, Xoài cát Hậu Giang. Trong đó, có hai loại là cam sành và khóm đã phát triển thành thương hiệu nổi tiếng. Cả 7 loại nông sản trên đều có điểm sản xuất đạt tiêu chuẩn GAP. Ngoài ra, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang đã cấp giấy chứng nhận sản xuất an toàn thực phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP được 10 địa điểm, với diện tích được công nhận là 164,41ha. Hiện có 2 điểm trồng bưởi, cam đang làm hồ sơ chuẩn bị công nhận VietGAP với diện tích 77ha. Đã công nhận được 2 điểm trồng bưởi, chanh với diện tích 60ha và đang xây dựng 40ha khác theo tiêu chuẩn GlobalGAP. Quy hoạch được vùng sản xuất chanh không hạt theo tiêu chuẩn GlobalGAP với diện tích 20ha tại huyện Châu Thành.

Ông Võ Văn Phải, HTX mãng cầu xiêm Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, cho biết: Diện tích trồng mãng cầu xiêm của HTX có 78ha, năng suất bình quân 25 tấn/ha, sản lượng 1.950 tấn/năm. Từ năm 2018, HTX đã ký hợp đồng với Công ty TNHH MTV Chế biến Nông sản Tiến Thịnh thu mua được 250 tấn trái cho thành viên HTX, cung cấp được 50.000 cây giống, 300kg trà mãng cầu ra thị trường. Năm 2019, tiếp tục ký hợp đồng với sản lượng 500 tấn, giá 9.000 đồng/kg, đã giao hàng cho công ty xong. Để nâng dần hiệu quả hoạt động, tới đây sẽ đẩy mạnh việc tìm kiếm đầu ra tiêu thụ sản phẩm cho HTX. Phối hợp và tranh thủ sự hỗ trợ của các cấp, các ngành, địa phương về tập huấn, ứng dụng khoa học kỹ thuật và sản xuất ra các sản phẩm chất lượng, phù hợp nhu cầu thị trường. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan chức năng tuyên truyền, vận động nông dân ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Gắn kết các doanh nghiệp cung ứng vật tư đầu vào và tiêu thụ sản phẩm đầu ra, nhằm đảm bảo hiệu quả sản xuất cho thành viên HTX. Cụ thể mời gọi doanh nghiệp bao tiêu mãng cầu xiêm cho HTX.

Còn ông Nguyễn Văn Thật, Giám đốc HTX Nông nghiệp Thạnh Phước, xã Đông Thạnh, huyện Châu Thành, cho rằng: Nhằm nâng cao giá trị của cây chanh không hạt tại HTX, ngay từ những ngày đầu đưa ra thị trường trái chanh không hạt thì HTX đã xác định từ khâu sản xuất đến người tiêu dùng phải được thực hiện tốt để góp phần giảm giá thành, tăng giá trị sản xuất cho thành viên. Vì vậy, HTX đã tổ chức sản xuất và cung cấp cây giống sạch bệnh cho thành viên cũng như người dân bên ngoài HTX. Sau khi cung cấp giống, HTX vận động người trồng chanh cung cấp sản phẩm chanh trái cho HTX theo giá thị trường, HTX tổ chức thu mua, sơ chế biến, đóng gói và lo đầu ra tiêu thụ nhằm nâng cao giá trị sản phẩm cho thành viên. Từ đó, góp phần giảm áp lực đầu cơ, tránh qua nhiều công đoạn để thương lái ép giá nông dân.

Tuy nhiên, việc sản xuất, tiêu thụ cây ăn trái vừa qua trên địa bàn tỉnh cũng còn gặp một số khó khăn như đất Hậu Giang thuộc vùng trũng, thấp, lại ở khu vực giáp nước, chịu ảnh hưởng của cả triều Biển Đông và triều Biển Tây, bề dày tầng canh tác mỏng, nhất là các vùng chịu ảnh hưởng của triều Biển Tây. Nông dân sản xuất theo hướng tự phát còn nhiều, quy mô nhỏ lẻ, không theo quy hoạch của địa phương, chủ yếu chạy theo thị trường, tự chuyển đổi sang trồng cây có giá bán sản phẩm cao, nhất là các loại cây xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Việc đầu tư, chăm sóc của phần lớn nông dân chưa thống nhất theo quy trình kỹ thuật; đồng thời, biến đổi khí hậu hiện hữu ngày càng rõ nét, tiềm ẩn nhiều nguy cơ đòi hỏi phải có sự đầu tư lớn của Nhà nước.

Ông Bạch Văn Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, cho rằng: Việc đầu tư tái sản xuất một số loại cây trồng chưa đạt hiệu quả cao; tình hình phát triển của các loài sinh vật gây hại nhiều, trong đó có một số loại không thể diệt hoặc khó phòng trừ như: Bệnh vàng lá gân xanh, vàng lá thối rễ trên cây có múi; bệnh xơ đen trên cây mít, thối trái mít... Đa phần nông dân tận dụng tối đa diện tích trong vườn như trồng cây với mật độ dày, trồng xen canh, trồng giặm cây vào vị trí cây đã chết trong vườn nên tạo điều kiện cho sinh vật gây hại phát triển và khó quản lý. Nông dân sử dụng nguồn cây giống chưa đạt tiêu chuẩn chất lượng. Một số diện tích trồng cây ăn trái được chuyển đổi từ đất trồng lúa nhưng người dân chưa tuân thủ tốt kỹ thuật thiết kế vườn nên dễ xuất hiện bệnh hại, nhất là bệnh vàng lá thối rễ. Đất được trồng cây lâu năm dần bị thoái hóa, kém màu mỡ nhưng nông dân ít bón phân hữu cơ, cải tạo đất. Còn sản xuất theo kinh nghiệm, tập quán, chưa áp dụng đồng bộ hoặc ít ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các mô hình trình diễn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật còn mang tính nhỏ lẻ, chưa thường xuyên.

Một điểm nữa là trên địa bàn tỉnh Hậu Giang có rất ít nhà máy chế biến trái cây, chủ yếu thương lái mua trái cây về giao cho các vựa thu mua để đưa đi các chợ đầu mối tiêu thụ. Thị trường, giá cả các loại sản phẩm cây ăn trái không ổn định, có sự biến động lớn theo điệp khúc được mùa, mất giá. Hầu hết nông dân tự sản xuất, không theo hợp đồng bao tiêu từ đầu vụ. Việc liên kết chuỗi sản xuất - tiêu thụ chưa được nông dân, các tổ chức nông dân chú trọng và ngành chức năng cũng còn hạn chế trong việc định hướng. Một sản lượng cây ăn trái của tỉnh ít được sản xuất theo tiêu chuẩn chất lượng nên hầu hết sản phẩm chưa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu, chủ yếu chỉ tiêu thụ ở thị trường nội địa...

Cần giải pháp khả thi

Để phát huy giá trị thương hiệu của các loại cây ăn trái đặc biệt là cây có múi, mãng cầu, khóm, ngành nông nghiệp của tỉnh đã triển khai và thực hiện chương trình phát triển nông sản chủ lực tỉnh Hậu Giang đến năm 2020. Đặc biệt là tiếp tục quan tâm chỉ đạo thực hiện xây dựng vùng sản xuất cây ăn trái tập trung theo chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ theo hướng bền vững, có đầu ra ổn định, đạt các tiêu chí để cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu và truy xuất nguồn gốc. Tăng cường công tác nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng các kết quả phòng trừ các loài sinh vật gây hại chưa, hoặc khó phòng trừ.

Lãnh đạo Sở NN&PTNT Hậu Giang cho biết, trong sản xuất sẽ quan tâm đến thực hành nông nghiệp tốt, sử dụng các biện pháp sinh học, công nghệ sinh thái, chế phẩm thân thiện môi trường nhằm tạo sản phẩm an toàn, nâng cao chất lượng, uy tín sản phẩm trái cây. Tập trung nâng cao năng suất, chất lượng, an toàn thực phẩm, giảm giá thành; tăng tỷ lệ sản phẩm có chứng nhận VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ, đẩy mạnh sản xuất rải vụ thu hoạch. Tập trung sản xuất các loại cây trồng có năng suất và chất lượng cao, sản xuất các loại trái cây có thị trường tiêu thụ, tương đối phù hợp với điều kiện tự nhiên của tỉnh; ứng dụng kỹ thuật công nghệ trong sản xuất nâng cao hiệu quả; kỹ thuật thu hoạch, sơ chế, bảo quản sau thu hoạch. Tăng cường liên kết giữa sản xuất và tiêu thụ, sản xuất nông sản theo hướng sạch, an toàn hoặc tuân thủ theo các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ. Rà soát, nâng cấp cơ sở hạ tầng và hệ thống thủy lợi nội đồng, tạo điều kiện giúp người dân dễ chủ động kiểm soát mực nước trong mương vườn, giúp thúc đẩy sản xuất cây ăn trái của tỉnh phát triển. Xây dựng thương hiệu, chứng nhận bảo hộ quyền nhãn hiệu hàng hóa Việt Nam cho các loại trái cây đặc sản.

Theo tiến sĩ Nguyễn Như Hiến, Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT), cần hình thành các đề án, kế hoạch phát triển cây ăn trái chủ lực; chú trọng đến thị trường, đặc biệt là các thị trường lớn. Căn cứ vào định hướng chung, Hậu Giang và mỗi tỉnh chọn một số loại cây ăn trái chủ lực, hình thành vùng sản xuất tập trung, đầu tư phát triển theo chuỗi, gắn với xây dựng cơ sở hạ tầng và nông thôn mới. Khuyến cáo nông dân hạn chế mở rộng diện tích khi chưa có hợp đồng tiêu thụ; thị trường; chỉ trồng ở những vùng có điều kiện đất đai phù hợp, có kỹ thuật và có khả năng đầu tư thâm canh. Tập trung đầu tư nghiên cứu khoa học đối với các loại cây ăn trái chủ lực, cây đặc sản về chọn tạo giống, quy trình thâm canh, ứng dụng công nghệ cao để nâng cao tính thích nghi, cho năng suất và chất lượng. Đẩy mạnh nghiên cứu công nghệ bảo quản, chế biến; nghiên cứu thị trường. Cải tiến toàn diện và mạnh mẽ việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất. Tăng cường công tác quản lý an toàn thực phẩm, nâng tỷ lệ diện tích cây ăn trái được chứng nhận, có mã số vùng trồng.

Ông Hiến cũng cho rằng, cần tuyên truyền vận động nông dân liên kết hình thành HTX, tổ sản xuất, tổ liên kết sản xuất. Liên kết với doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm có truy xuất nguồn gốc. Phấn đấu tiêu thụ sản phẩm thông qua hợp đồng theo chuỗi giá trị, năm 2020 đạt 30-35%, năm 2025 đạt 50-55% và năm 2030 đạt 100% tại các vùng sản xuất tập trung. Đẩy mạnh liên kết vùng trong sản xuất, tiêu thụ, xuất khẩu. Đẩy mạnh tổ chức xúc tiến thương mại tại các thị trường lớn, thị trường tiềm năng; thúc đẩy đàm phán, tháo gỡ rào cản, ký kết các hiệp định kiểm dịch thực vật đối với các nước có khả năng nhập khẩu trái cây Việt Nam, đặc biệt là các thị trường lớn; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký chỉ dẫn địa lý sản phẩm từ cây ăn trái...

Diện tích trồng cây ăn trái toàn tỉnh hiện có hơn 39.000ha, tăng 4.931ha so với năm 2016. Trong đó, cây có múi 15.455ha, cây khóm 2.285ha, cây mít 3.385ha, cây xoài 3.398ha, còn lại là cây ăn trái khác. Năng suất cây ăn trái các loại đạt bình quân 13 tấn/ha, sản lượng hơn 358.000 tấn/năm.

 

Bài, ảnh: HOÀI THU

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>