Bổ trợ tư pháp có nhiều chuyển biến tích cực

14/02/2020 | 08:19 GMT+7

Thời gian qua, hoạt động bổ trợ tư pháp (BTTP) trên địa bàn tỉnh được đổi mới, nâng cao cả về hình thức tổ chức và hiệu quả hoạt động, góp phần đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu giao dịch pháp lý của người dân, tổ chức, doanh nghiệp.

Một phiên đấu giá của tổ chức hành nghề đấu giá trên địa bàn tỉnh.

Theo bà Trần Phượng Quyên, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, nhằm tăng cường công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động BTTP, hàng năm, Sở Tư pháp đều tham mưu UBND tỉnh thực hiện các đề án của Chính phủ đối với hoạt động bổ trợ. Trong đó, tập trung triển khai có hiệu quả Đề án 258 về “Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác giám định tư pháp”; Đề án “Đổi mới công tác trợ giúp pháp lý giai đoạn 2015-2025”…

Cùng với đó, sở cũng hướng dẫn các tổ chức BTTP triển khai việc hoàn thiện chế định BTTP theo tinh thần cải cách tư pháp và chương trình công tác trọng tâm của ngành thông qua triển khai, phổ biến sâu rộng Luật Công chứng, Luật Giám định tư pháp, Luật Đấu giá tài sản và các văn bản liên quan.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 25 luật sư với 8 tổ chức hành nghề hoạt động. Theo luật sư Phan Văn Hùng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, những năm qua, Đoàn Luật sư tỉnh và các tổ chức hành nghề luật sư từng bước củng cố, nâng cao vai trò trong tố tụng theo tinh thần Nghị quyết 49 của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp. Các luật sư đều tham gia tích cực, nêu cao trách nhiệm trong trợ giúp pháp lý miễn phí cho đối tượng chính sách, người dân ở nhất là vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Lĩnh vực công chứng cũng đang từng bước thực hiện mục tiêu xã hội hóa với việc toàn phát triển được 10 tổ chức hành nghề công chứng (1 phòng công chứng, 9 văn phòng công chứng) với 17 công chứng viên. Hoạt động công chứng đã góp phần làm lành mạnh hóa các quan hệ, bảo đảm an toàn pháp lý cho các quan hệ dân sự, kinh tế, thương mại.

Song song đó, lĩnh vực giám định tư pháp cũng ngày càng đáp ứng yêu cầu của hoạt động tố tụng với 2 tổ chức giám định (Trung tâm Pháp y tỉnh và Phòng Kỹ thuật hình sự - Công an tỉnh). Trong năm 2019, các đơn vị trên thực hiện 1.839 vụ việc giám định theo yêu cầu.

Ông Hồ Việt Thắng, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, đánh giá: Công tác giám định tư pháp thời gian qua đã góp phần quan trọng trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, tránh oan sai. Đối với ngành kiểm sát, công tác giám định tư pháp là biện pháp hữu hiệu giúp công tác thực hành quyền công tố được đảm bảo chính xác, khách quan, đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật.

Bên cạnh đó, theo Sở Tư pháp, hoạt động đấu giá tài sản đã đi vào nề nếp, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành, các địa phương trong quá trình tổ chức các cuộc đấu giá. Các loại tài sản đấu giá, nhất là tài sản là quyền sử dụng đất tăng đáng kể, góp phần tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước. Tính đến đầu năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 5 tổ chức đấu giá tài sản và 17 đấu giá viên.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác BTTP trên địa bàn tỉnh vẫn còn một số tồn tại nhất định như lượng tổ chức hành nghề luật sư, giám định tư pháp, công chứng, bán đấu giá tài sản còn thiếu, chất lượng hoạt động hạn chế; các hoạt động bổ trợ khác như trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật đôi lúc hiệu quả chưa cao…

Để tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động BTTP, theo ông Nguyễn Văn Quân, Giám đốc Sở Tư pháp, trong năm 2020, đơn vị sẽ tiếp tục bảo đảm các điều kiện và nguồn lực để thực hiện hiệu quả các đề án trong lĩnh vực BTTP. Trong đó, quan tâm tạo điều kiện, hỗ trợ về phương tiện làm việc, kinh phí để công chức tư pháp và các chức danh BTTP được đào tạo hoặc được bồi dưỡng nghiệp vụ thường xuyên. Ngành cũng sẽ tham mưu UBND tỉnh tiếp tục xây dựng, củng cố, kiện toàn tổ chức BTTP như luật sư, công chứng, đấu giá; thường xuyên phối hợp với ngành liên quan rà soát, củng cố, kiện toàn và phát triển đội ngũ giám định tư pháp đủ về số lượng, đáp ứng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ để phục vụ nhu cầu dịch vụ pháp lý trên địa bàn.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>