Cảnh giác thủ đoạn giả danh nhân viên ngân hàng lừa đảo cho vay vốn

12/02/2020 | 08:33 GMT+7

Có nhu cầu vay vốn nhưng không đủ điều kiện và am hiểu các quy định về vay tiền cũng như mở tài khoản tín dụng, nhiều người dân ở Hậu Giang đã mắc bẫy của đối tượng lừa đảo.

Cơ quan Cảnh sát điều tra thực hiện lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Hồ Đăng Khoa.

Đầu tháng 5-2019, trong lúc cần tiền kinh doanh, chị N.T.D., một tiểu thương ở huyện Long Mỹ, như mở cờ trong bụng khi nhận được điện thoại của một thanh niên xưng tên Hùng, giới thiệu là nhân viên Ngân hàng Sacombank chi nhánh Hậu Giang, có thể giúp chị D. vay tín chấp 250 triệu đồng với lãi suất thấp.

Người xưng tên Hùng còn lấy cớ vì không có bảng lương nên chị D. phải ra ngân hàng mở thẻ tín dụng, sử dụng số điện thoại do hắn cung cấp để đăng ký dịch vụ internet banking và thông báo biến động rồi nộp tiền vào tài khoản nhằm chứng minh tài chính thì mới được duyệt cho vay.

Tưởng thật, chị N.T.D. đến Ngân hàng Sacombank tại thị xã Long Mỹ mở thẻ tín dụng (ATM) rồi nhắn tin số thẻ, số tài khoản và hình giấy chứng minh nhân dân  gửi qua mạng xã hội cho người xưng tên Hùng. Sau đó chị D. chuyển vào tài khoản vừa mở hơn 25 triệu đồng thì không liên lạc được với đối tượng.

Chị D. kể: “Điện thoại cho người tên Hùng không được, tôi sợ quá nên gọi điện cho chị tổng đài viên Sacombank nhờ kiểm tra tài khoản xem còn tiền không thì chị đó báo tiền bị rút, tài khoản còn không đồng. Khi thắc mắc nói tôi đâu có rút tiền thì tổng đài viên cho hay rút trên phần mềm ứng dụng điện thoại nên tôi mới biết là có cái phần mềm này”.

Trước đó khoảng một tháng, anh Phạm Thái Hồ, ở ấp Tư Sáng, xã Tân Tiến, thành phố Vị Thanh, cũng nhận được điện thoại của một người xưng là nhân viên chi nhánh một ngân hàng ở Hậu Giang hướng dẫn ra ngân hàng mở thẻ tín dụng, sử dụng số điện thoại của người này cung cấp để đăng ký các dịch vụ ngân hàng.

Quan trọng là tên giả danh nhân viên ngân hàng đó yêu cầu anh Hồ phải nộp tiền vào tài khoản đã mở nhằm chứng minh tài chính thì mới được ngân hàng cho vay 200 triệu đồng để anh mua thiết bị kinh doanh dàn nhạc sống. Tuy nhiên, tiền vay đâu không thấy mà anh Hồ mất luôn 10 triệu đồng đã chuyển vào tài khoản theo hướng dẫn.

Anh Phạm Thái Hồ phân bua: “Tại hồi đó giờ tôi không có biết vụ làm thẻ thế này. Do lần đầu tiên đi làm thẻ và tưởng nó là nhân viên ngân hàng thiệt bởi zalo nó để Sacombank nên tôi tin”.

Qua điều tra, đến ngày 6-2 năm nay, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã thực hiện lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Hồ Đăng Khoa (sinh năm 1992), ngụ ấp 2A, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A và thu giữ nhiều tang vật như điện thoại di động, thẻ ATM.

Bước đầu, Khoa khai nhận từ đầu năm 2019 đến khi bị bắt, y thường xuyên lên mạng xã hội tìm thông tin những người cần vay vốn rồi giả danh nhân viên ngân hàng để lừa đảo họ. Với chiêu thức này, Khoa đã lừa được 3 nạn nhân, trong đó có anh Hồ và tiểu thương ở huyện Long Mỹ, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 65 triệu đồng rồi chuyển hết vào tài khoản đánh bạc, chơi game.

Khoa còn thừa nhận: “Khi hướng dẫn nạn nhân đăng ký mở thẻ, tôi cung cấp số điện thoại của tôi. Nếu nạp tiền vô thì bên tôi nhận được thông báo nhận tiền cùng mật khẩu dịch vụ internet banking. Lúc này, tôi đăng nhập vào trang web Sacombank và chuyển tiền”.

Thượng tá Ngô Văn Bé Sáu, Phó phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh khuyến cáo, khi có nhu cầu, người dân nên đến ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng được nhà nước cấp phép để trực tiếp vay vốn theo hướng dẫn, không nên vay qua mạng để tránh bị đối tượng xấu lừa đảo.

Khi mở tài khoản ngân hàng, đăng ký các dịch vụ internet banking hay SMS thông báo biến động tài khoản nên đăng ký bằng số điện thoại chính chủ để dễ quản lý tài sản.

“Trường hợp mua hàng trả góp nên có thỏa thuận với công ty tài chính giữ bảo mật thông tin khách hàng, không để đối tượng lừa đảo lợi dụng thông tin cá nhân làm chuyện xấu”, thượng tá Ngô Văn Bé Sáu lưu ý thêm.

Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh thu thập được nhiều tài liệu thể hiện số tiền giao dịch trên 7 tài khoản của Hồ Đăng Khoa mở tại 3 ngân hàng từ đầu năm 2019 đến nay hơn 600 triệu đồng, gấp nhiều lần số tiền mà tên Khoa khai báo lừa được. Tên này đang là đối tượng nghiện ma túy, không có nghề nghiệp.

 

Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh cũng thông báo, ai là nạn nhân hoặc có thông tin về Hồ Đăng Khoa liên hệ với điều tra viên Nguyễn Thanh Sử qua số điện thoại 0982.304 444 để được hướng dẫn.

 

Bài, ảnh: THẾ PHONG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>
Liên kết hữu ích