Cho vay, mượn tiền có dễ đòi ?

02/07/2020 | 08:29 GMT+7

Nhiều người thiếu nợ lấy lý do làm ăn thua lỗ để trì hoãn việc trả nợ, trường hợp này khó xác định là vi phạm giao kết dân sự hay có dấu hiệu hình sự...

Người dân phản ánh một vụ việc cho vay với số tiền lớn nhưng sau đó người vay không có khả năng chi trả.

Hiện nay, việc cho vay, mượn tiền giữa cá nhân với nhau rất phổ biến. Tuy nhiên, khi người vay, mượn chây ì, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ thì không ít người cho vay vẫn không biết phải nhờ cơ quan nào can thiệp.

Vì là chỗ thân tình, bà T. (ngụ xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp) cho bà M. vay mượn 50 triệu đồng để đầu tư vườn cây ăn trái. Khi vay mượn, bà M. hứa với bà T. sau khi thu hoạch xong bà sẽ trả tiền gốc và lãi đầy đủ. Tuy nhiên, qua 3 mùa thu hoạch vườn cây, bà M. vẫn chỉ trả phần lãi. Bà T. nhiều lần đòi thì bà M. tránh mặt hoặc hứa hẹn nhưng không trả.

Hay như trường hợp của ông H. (ngụ thị trấn Ngã Sáu, huyện Châu Thành) cho vợ chồng ông L. vay gần 900 triệu đồng để buôn bán kinh doanh. Khi thấy ông L. làm ăn thua lỗ, ông H. liên tục đòi nợ thì vợ chồng ông L. hứa hẹn hết lần này tới lần khác.

Để có thể đòi được số tiền đã cho vay, bà T., ông H. bức xúc, có đơn gửi cơ quan công an địa phương tố cáo hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà M., vợ chồng ông L., nhưng được cơ quan công an trả lời đó là tranh chấp dân sự nên thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án.

Theo luật gia Nguyễn Văn Bé, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, hiện nay, các tranh chấp dân sự được hiểu là những tranh chấp xảy ra giữa các chủ thể tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự về các quan hệ nhân thân, quan hệ tài sản được pháp luật bảo vệ. Các loại tranh chấp dân sự phổ biến là: vay mượn nợ, tranh chấp về quyền sở hữu tài sản, tranh chấp về hợp đồng dân sự, tranh chấp về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, các vấn đề về ly hôn…

Theo Điều 463, Bộ luật Dân sự năm 2015, quy định: Hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

“Như vậy, trong trường hợp bên vay không vi phạm pháp luật về hình sự thì bên cho vay có thể yêu cầu tòa án giải quyết theo thủ tục dân sự; trong trường hợp nếu bên vay không có bất kỳ một tài sản nào để thanh toán khoản nợ vay thì bên cho vay gặp nhiều bất lợi”, ông Bé cho biết.

Song trong một số trường hợp vay nợ có các dấu hiệu vi phạm pháp luật có thể bị xử lý trách nhiệm hình sự.

Cụ thể, Điều 175 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản như sau: người nào thực hiện một trong những hành vi vay, mượn, thuê tài sản của người khác hoặc nhận được tài sản của người khác bằng các hình thức hợp đồng rồi dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản đó hoặc đến thời hạn trả lại tài sản mặc dù có điều kiện, khả năng nhưng cố tình không trả; nếu dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật), làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội thì có thể bị xem xét về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo ông Phạm Hoàng Lâm, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như: lời nói, bằng chữ viết, bằng hành động, hoặc bằng nhiều hình thức khác như: giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, không phải trường hợp nào cũng có thể xử lý hình sự. Đơn cử như nhiều người thiếu nợ lấy lý do làm ăn thua lỗ để trì hoãn việc trả nợ, trường hợp này khó xác định là vi phạm giao kết dân sự hay có dấu hiệu hình sự. Với những vụ việc này, khi nạn nhân có đơn yêu cầu, cơ quan công an mới kiểm tra chứng cứ, nếu không có yếu tố phạm tội thì nạn nhân phải khởi kiện ra tòa dân sự để đòi lại tài sản.

“Có một số vụ nạn nhân dù khởi kiện và thắng kiện nhưng khi thi hành án thì không có điều kiện thi hành, hoặc thi hành được số tiền rất ít vì chủ nợ đã tẩu tán hết tài sản. Do đó, tôi cho rằng người dân nên cẩn trọng khi cho vay, mượn tài sản khi thấy chưa thật sự cần thiết”, ông Phạm Hoàng Lâm, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, khuyến cáo.

Khoản 1, Điều 174, Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định, người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng hoặc dưới 2 triệu đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; gây ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội; tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ...

 

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>