Đổi mới hoạt động tuyên truyền pháp luật

17/09/2019 | 07:51 GMT+7

Xác định tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) là cầu nối để đưa luật vào cuộc sống nên những năm qua, công tác này trên địa bàn tỉnh được chú trọng và đạt nhiều kết quả nổi bật... Song cũng còn những vấn đề cần quan tâm.

Một buổi tuyên truyền, phổ biến các quy định pháp luật mới cho người dân trên địa bàn huyện Châu Thành A.

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, PBGDPL trên địa bàn tỉnh tiếp tục được triển khai với nhiều nội dung, hình thức phong phú, có trọng tâm, trọng điểm. Nhiều mô hình hay, sáng tạo, hiệu quả đã được triển khai và nhân rộng. Như Quán cà phê pháp luật; Tổ tuyên truyền pháp luật trong đồng bào Khmer, Câu lạc bộ nông dân với pháp luật… Qua đó, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, giảm bớt các vụ khiếu kiện, tranh chấp, mâu thuẫn tại địa phương.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Sở Tư pháp, công tác PBGDPL bên cạnh những mặt tích cực, cũng còn một số hạn chế, đó là phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan chưa chặt chẽ; hoạt động tuyên truyền ở một số nơi còn mang tính hình thức, chưa đi vào chiều sâu, chưa sát với nhu cầu người dân. Cùng với đó, nhận thức pháp luật của bà con, nhất là ở khu vực nông thôn chưa cao; đội ngũ làm công tác tuyên truyền PBGDPL ở cơ sở còn thiếu và yếu,…

Theo ông Nguyễn Văn Bảnh, Chủ tịch Hội Luật gia huyện Vị Thủy, thời gian qua, hoạt động tuyên truyền PBGDPL cho người dân chỉ mới tiếp cận được một bộ phận dân cư, chủ yếu là cán bộ cấp xã, ấp, tổ chức đoàn thể. Còn về nội dung tuyên truyền cũng chỉ mới tập trung vào những điều cơ bản của luật, những điểm mới so với luật cũ, hoặc vừa sửa đổi, bổ sung, do đó hiệu quả chưa cao.

Thực tế hiện nay cho thấy, nhiều người dân khi được hỏi về các luật hoặc những vấn đề liên quan đến pháp luật thì hầu hết nhận thức còn hạn chế. Do đó, khi phát sinh vướng mắc pháp lý, bà con mới bắt đầu tìm hiểu thì đã muộn. Cũng có những trường hợp do không am hiểu pháp luật đã bị đối tượng xấu lợi dụng để trục lợi, lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Đơn cử như cuối tháng 3-2019, Công an huyện Phụng Hiệp bắt tạm giam Nguyễn Văn Thái, sinh năm 1988, ở xã Tân Long, huyện Phụng Hiệp, về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo đó, từ giữa năm 2018, Thái quen nhiều người và giới thiệu mình là cán bộ Công an tỉnh, có thể mua xe mô tô, máy lạnh, điện thoại di động đã qua thanh lý với giá rẻ. Nhiều người tin nên đưa tiền cho Thái mua giùm. Thái nhận tiền rồi sau đó sử dụng để tiêu xài.

Theo cơ quan công an, qua điều tra Thái thừa nhận rằng, lợi dụng việc người dân không am hiểu pháp luật và ham của rẻ, Thái đã lừa khoảng 15 người với số tiền trên 200 triệu đồng. Đáng nói là trong số những nạn nhân này có người bị Thái lừa 3-4 lần, số tiền lên đến hàng chục triệu đồng.

Ông Nguyễn Văn Đáp, Trưởng phòng Tư pháp huyện Châu Thành A, cho rằng, để tránh những vụ việc lừa đảo dựa vào lòng tin và sự thiếu hiểu biết pháp luật của người dân như trên, cần phải giúp người dân hiểu luật, nắm luật rõ hơn.

Theo ông Đáp, để làm được điều này thì việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức pháp luật cho người dân đóng vai trò tiên quyết. Mặc dù vậy, hiện nay cách thức tuyên truyền tại nhiều nơi còn cứng nhắc, khuôn mẫu, chưa phù hợp với trình độ hiểu biết, nhu cầu nên chưa tạo được sức hút và khơi dậy ý thức tự tìm hiểu pháp luật trong mỗi người.

“Người dân chỉ quan tâm tới pháp luật khi bản thân mình phải rơi vào những tình thế, sự việc miễn cưỡng liên quan đến pháp luật, lợi ích bị xâm hại. Do vậy, chúng ta cần đổi mới công tác tuyên truyền theo hướng giải thích, phân tích cho bà con hiểu. Ngoài ra, cần đẩy mạnh các hình thức như sân khấu hóa, phiên tòa giả định, tuyên truyền trên mạng xã hội… Qua đó, từng bước nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật, giúp họ chủ động hơn trong tiếp cận luật pháp” ông Đáp đề nghị.

Theo ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền PBGDPL trong thời gian tới, điều quan trọng nhất là các địa phương cần thường xuyên quan tâm bồi dưỡng, nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ, kỹ năng truyền đạt thông tin của đội ngũ làm công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật cơ sở. Bên cạnh đó, luôn đổi mới hình thức, phương pháp PBGDPL; lồng ghép trong các cuộc họp tại cơ sở để phổ biến quy định mới sát với đời sống người dân; tăng cường công tác hòa giải để giải thích pháp luật; khuyến khích hoạt động tư vấn pháp luật miễn phí cho bà con.

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>