Giao phương tiện giao thông cho người khác điều khiển: Lợi bất cập hại

29/05/2024 | 07:57 GMT+7

Khi vi phạm pháp luật giao thông, không chỉ người điều khiển phương tiện bị xử lý mà người giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển có thể bị liên lụy.

Công an kiểm tra việc chấp hành pháp luật về giao thông đường bộ đối với học sinh trên địa bàn thành phố Vị Thanh.

Tòa án nhân dân huyện Châu Thành A vừa tuyên phạt bị cáo N. (sinh năm 2003), 9 tháng cải tạo không giam giữ về tội giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ.

Trước đó, ngày 21-5-2023, dù biết bạn mình là chị M. chưa có bằng lái xe A1 nhưng do nể nang nên N. giao xe mô tô trên 50cc cho M. điều khiển đi từ thành phố Cần Thơ về xã Tân Bình, huyện Phụng Hiệp.

Trên đường đi, khi đến khu vực thị trấn Cái Tắc, chị M. điều khiển xe va chạm với xe ô tô con rồi ngã xuống đường tử vong.

Cuối năm 2023, Tòa án nhân dân huyện Phụng Hiệp cũng tuyên phạt bị cáo A. (sinh năm 1974), ngụ thị trấn Kinh Cùng, 9 tháng cải tạo không giam giữ cùng với tội danh trên.

Nguyên nhân bắt đầu vào ngày 25-11-2022, D. (sinh năm 2007) hỏi mượn cha ruột mình là anh A. xe máy biển số 95P1-6533, để đi đến chợ thị trấn Kinh Cùng học nghề thì được A. đồng ý.

Đến khoảng 16 giờ 50 phút cùng ngày, D. điều khiển xe từ thị trấn Kinh Cùng đi theo hướng về xã Tân Bình. Khi đến khu vực ấp Cầu Xáng, xã Tân Bình thì va chạm với xe máy mang biển số 95E1-372.07 do anh V. (ngụ thị trấn Kinh Cùng) điều khiển.

Hậu quả vụ va chạm khiến anh V. bị thương nặng, được đưa đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Cần Thơ, nhưng đến 19 giờ cùng ngày thì tử vong do chấn thương sọ não.

Qua điều tra, cơ quan công an xác định, xe máy biển số 95P1-6533 của anh A. có dung tích xi lanh là 108m3; tại thời điểm giao xe cho em D. điều khiển, D. chưa đủ 16 tuổi và chưa có giấy phép lái xe.

Tình trạng cho mượn xe diễn ra khá phổ biến trong đời sống, vì nhiều lý do trong đó dễ thấy nhất là vì tình cảm, quen biết hoặc là người trong gia đình nên nhiều người đã giao phương tiện của mình cho bạn bè, người thân mượn để di chuyển mà đôi khi chính họ cũng biết rõ người đó chưa có bằng lái.

Việc giao phương tiện cho người không đủ điều kiện điều khiển tham gia giao thông tiềm ẩn nhiều nguy hiểm khôn lường, nhất là đối với người vị thành niên, học sinh, vì ở lứa tuổi này thể chất, nhận thức về pháp luật còn hạn chế, có tâm lý dễ bị lôi kéo, kích động nên dễ dẫn đến các hành vi nguy hiểm khi tham gia giao thông, như: lạng lách, đánh võng, vượt đèn đỏ, bốc đầu, nẹt pô, đua xe… hoặc khi xảy ra tình huống bất ngờ không xử lý kịp thời dẫn đến tai nạn, gây nguy hiểm đến tính mạng cho chính bản thân và những người xung quanh.

Theo luật sư Phan Văn Hùng, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh, pháp luật hiện hành quy định người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50cm3. Người đủ 18 tuổi trở lên được điều khiển xe mô tô hai bánh (xe máy) có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên. Theo đó, người mới đủ 16 tuổi thì chưa đủ tuổi để điều khiển xe máy trên 100cm3 trở lên,…

Luật sư Hùng cũng cho biết thêm, tại khoản 5, Điều 30 Nghị định số 100/2019 được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 123/2021 quy định: Hành vi “giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại khoản 1, Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ, điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng hoặc đang trong thời gian bị tước quyền sử dụng)” sẽ bị phạt tiền từ 800 đến 2 triệu đồng đối với cá nhân, từ 1,6 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô.

Còn theo ông Nguyễn Lâm Thành, Chánh Văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, Luật Giao thông đường bộ quy định, hành vi điều khiển xe cơ giới không có giấy phép lái xe theo quy định; giao xe cơ giới, xe máy chuyên dùng cho người không đủ điều kiện để điều khiển xe tham gia giao thông đường bộ là các hành vi bị nghiêm cấm. Pháp luật đã quy định rõ trách nhiệm dân sự và cả hình sự của chủ phương tiện khi giao xe cho người không đủ điều kiện điều khiển. Vì vậy người lớn cần cân nhắc kỹ lưỡng trước khi giao xe cho con em mình và cần nêu gương trong việc tuân thủ pháp luật về giao thông.

Điều 264, Bộ luật Hình sự quy định về tội giao cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ

 

Người nào giao cho người mà biết rõ người đó không có giấy phép lái xe hoặc đang trong tình trạng có sử dụng rượu, bia mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn vượt quá mức quy định, có sử dụng chất ma túy, chất kích thích mạnh khác hoặc không đủ các điều kiện khác theo quy định của pháp luật điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ gây thiệt hại cho người khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm: Làm chết người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 1 người mà tỷ lệ tổn thương cơ thể 61% trở lên; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 61% đến 121%; gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Làm chết 2 người; gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tổng tỷ lệ tổn thương cơ thể của những người này từ 122% đến 200%; gây thiệt hại về tài sản từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.500.000.000 đồng…

 

Bài, ảnh: B.B

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>