Giúp công tác hòa giải tại tòa thêm hiệu quả

25/09/2020 | 06:15 GMT+7

Trong bối cảnh các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính có diễn biến phức tạp, Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án vừa được Quốc hội khóa XIV, Kỳ họp thứ 9 thông qua, kỳ vọng là cơ chế pháp lý hiệu quả, góp phần giải quyết thấu tình, đạt lý vụ việc trong dân.

Một buổi hòa giải tranh chấp dân sự tại Tòa án nhân dân huyện Châu Thành.

Thời gian qua, số lượng vụ việc tòa án các cấp thụ lý tăng nhiều với quy mô lớn, tính chất phức tạp. Trong khi đó, biên chế thẩm phán không thay đổi đã đặt ra yêu cầu cấp thiết cần có những giải pháp căn cơ thúc đẩy nhanh, hiệu quả việc giải quyết tranh chấp của dân, giảm áp lực cho tòa án.

Trong giai đoạn từ năm 2015-2020, tòa án nhân dân (TAND) hai cấp Hậu Giang hòa giải thành 12.943 vụ/22.933 vụ án thụ lý giải quyết, đạt tỷ lệ 62,04% trong các vụ án về dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh thương mại, lao động. 

Theo đánh giá của TAND tỉnh, các tranh chấp về dân sự ngày càng tăng về số lượng, phức tạp về tính chất. Các tranh chấp chủ yếu về đất đai, hợp đồng mua bán tài sản, vay tài sản, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản chiếm tỷ lệ cao. Các loại án này diễn biến phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ gây mất ổn định xã hội, đặc biệt là quan hệ về đất đai, nếu không được giải quyết kịp thời, thỏa đáng có thể dẫn đến khiếu kiện đông người, vượt cấp… Vì vậy, công tác hòa giải, giải thích pháp luật luôn được chú trọng.

Theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, tòa án có trách nhiệm tiến hành hòa giải và tạo điều kiện thuận lợi để các đương sự thỏa thuận với nhau về việc giải quyết vụ việc dân sự. Trong việc giải quyết vụ án dân sự, thẩm phán đóng vai trò là trung tâm hòa giải, giúp đỡ các bên đương sự thỏa thuận giải quyết vụ án. Thẩm phán phải kiên trì hòa giải, chỉ khi nào không còn khả năng hòa giải thì mới đưa vụ án ra xét xử.

Bà Trần Thanh Ngân, Chánh án TAND thị xã Long Mỹ, chia sẻ, để thực hiện được những yêu cầu trên, tùy vào từng trường hợp, thẩm phán có những kỹ năng khác nhau nhưng phải giữ vai trò trung gian, luôn vô tư, khách quan, công bằng, không áp đặt khi tiến hành hòa giải; lắng nghe ý kiến của các đương sự, kiên trì thì công tác hòa giải mới có thể đạt kết quả cao.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải tại tòa cũng còn những tồn tại, hạn chế nhất định như một số thẩm phán chưa xác định đúng vị trí, vai trò, ý nghĩa của hòa giải trong tố tụng dân sự; kinh nghiệm, kỹ năng, phương pháp hòa giải, cũng như việc tập huấn, đào tạo chuyên sâu về kỹ năng hòa giải còn hạn chế.

Được biết, để khắc phục những hạn chế, đồng thời nâng cao hơn nữa hiệu quả đối với công tác hòa giải các tranh chấp dân sự, hành chính, vừa qua Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Đối thoại, hòa giải tại tòa án.

Theo quy định của luật, việc hòa giải, đối thoại sẽ được thực hiện trước khi tòa án thụ lý đơn khởi kiện vụ án về tranh chấp dân sự, hôn nhân và gia đình, kinh doanh, thương mại, đơn khởi kiện vụ án hành chính… thuộc thẩm quyền giải quyết của tòa án theo quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính.

Cùng với đó, việc hòa giải, đối thoại tại tòa án được tiến hành dựa trên nguyên tắc các bên tự nguyện tham gia hòa giải, đối thoại; tôn trọng sự tự nguyện thỏa thuận, thống nhất của các bên; không được ép buộc các bên thỏa thuận, thống nhất trái với ý chí của họ... Đặc biệt, luật còn quy định cụ thể các tiêu chuẩn đối với một hòa giải viên để có thể tham gia hòa giải tại tòa.

Luật gia Nguyễn Văn Bé, nguyên Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh, cho biết: Trước đây, Luật Hòa giải ở cơ sở hay Bộ luật Dân sự cũng đã có nội dung quy định liên quan đến hòa giải, tuy nhiên gần như chỉ mang tính chất chung chung nên hiệu quả áp dụng chưa cao.

“Đặc biệt, trong hòa giải, hòa giải viên đóng vai trò rất quan trọng, ảnh hưởng lớn đến hiệu quả của phiên hòa giải nhưng các văn bản pháp lý hiện nay chưa thực sự chú trọng đến các quy định về hòa giải viên, như trình độ chuyên môn, kinh nghiệm trong lĩnh vực pháp lý, chế độ đãi ngộ tương xứng,... Do đó, tôi cho rằng khi Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án được ban hành sẽ “vá” được những lỗ hổng trên”, ông Bé nhấn mạnh.

Theo TAND tỉnh, thời gian tới, việc Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án có hiệu lực sẽ góp phần huy động thêm các nguồn lực xã hội tham gia vào công tác hòa giải, đối thoại, góp phần giảm áp lực trong công việc, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ, việc dân sự, hành chính tại TAND và công tác thi hành án của cơ quan thi hành án dân sự. Về phía tòa, hiện cũng đã triển khai, quán triệt đối với các đơn vị và chuẩn bị các điều kiện nhằm đảm bảo đưa luật đi vào cuộc sống một cách thiết thực, hiệu quả.

Theo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án, hòa giải viên ngoài đáp ứng các tiêu chuẩn về tư cách đạo đức, phải có đủ các điều kiện như đã là thẩm phán, thẩm tra viên tòa án, thư ký tòa án, kiểm sát viên, kiểm tra viên viện kiểm sát, chấp hành viên thi hành án dân sự, thanh tra viên, luật sư, chuyên gia, nhà chuyên môn khác có ít nhất 10 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực công tác; người có hiểu biết về phong tục tập quán, có uy tín trong cộng đồng dân cư, có kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải, đối thoại, có sức khỏe bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ được giao, có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải, đối thoại do cơ sở đào tạo của TAND tối cao cấp.

 

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>