Góp nhiều ý kiến dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ

24/05/2024 | 09:41 GMT+7

Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bà Lê Thị Thanh Lam trao đổi: Việc cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là chưa phù hợp thực tiễn.

Quang cảnh kỳ họp. Ảnh: MỸ XUYÊN

Bà Lê Thị Thanh Lam, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang, nói tại Điều 6 dự thảo quy định tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đề nghị bổ sung một khoản, quy định: “Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì, phối hợp Bộ Công an đưa nội dung giáo dục pháp luật về giao thông vào chương trình chính khóa”.

Với quy định trên sẽ tạo sự thống nhất, quán triệt chương trình giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đối với học sinh, sinh viên; tránh tình trạng mỗi địa phương thực hiện một chương trình.

Phó trưởng Đoàn góp ý thêm, tại khoản 2 Điều 10 dự thảo quy định: “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

“Tôi đề nghị cân nhắc quy định ngưỡng giới hạn nồng độ cồn cho phép trong máu hoặc hơi thở phù hợp đối với người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ. Vì mức độ ảnh hưởng của rượu, bia đối với hành vi của con người, đặc biệt là người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phụ thuộc vào nồng độ cồn nhiều hay ít, với nồng độ cồn thấp vẫn có khả năng làm chủ hành vi và có thể điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ”, bà Lam phát biểu.

Bà Lê Thị Thanh Lam dẫn chứng, trong thực tế có nhiều trường hợp mặc dù đã uống rượu, bia sau một thời gian dài (12-24 giờ) mà vẫn còn nồng độ cồn hoặc ăn thức ăn có ủ men vẫn có độ cồn cao hơn 0? Vì vậy, việc cấm tuyệt đối người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn là chưa phù hợp thực tiễn.

Góp ý Điều 11 quy định về Quy tắc chung, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh, đề nghị ghép khoản 2 vào khoản 4 Điều 11 như sau: “Người lái xe và người được chở trên xe ô tô phải thắt dây đai an toàn tại những chỗ có trang bị dây đai an toàn, khi tham gia giao thông đường bộ; người lái xe, nhân viên phục vụ trên xe có trách nhiệm hướng dẫn, yêu cầu, kiểm tra người trên xe thắt dây đai an toàn, trong suốt quá trình xe chạy trên đường”.

Bà Lam cũng đề nghị bổ sung thêm nội dung quy định: “Người sử dụng phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải đảm bảo tốc độ theo quy định; phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải đảm bảo tiêu chuẩn an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo quy định”, điều này nhằm đảm bảo quy định chặt chẽ hơn trong luật.

Về dừng xe, đỗ xe, Phó trưởng Đoàn đề nghị bổ sung thêm một điểm quy định: “Không được dừng, đỗ xe tại lối đi trong ngõ, hẻm hoặc trước lối ra vào ngõ, hẻm”, nhằm hẹn chế cản trở việc đi lại của người dân sinh sống trong các ngõ, hẻm.

Đối với các quy định: Điều kiện của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; Giấy phép lái xe; Tuổi, sức khỏe của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ, có quy định người đủ 16 tuổi trở lên được điều khiển xe gắn máy; điều khiển xe gắn máy không cần giấy phép lái xe, bà Lam cung cấp thông tin: Thực tế, nhiều học sinh tại các trường THPT, sau khi đủ 16 tuổi các em đã sử dụng xe gắn máy làm phương tiện đi lại mà không có giấy phép lái xe, không hiểu rõ các quy tắc an toàn giao thông, đã gây tai nạn, thương tích cho mình và người khác.

“Vì vậy, tôi đề nghị cần nghiên cứu bổ sung nội dung quy định cho phù hợp đối với người điều khiển xe gắn máy, nhằm giúp người điều khiển xe gắn máy hiểu rõ hơn về các quy tắc an toàn giao thông và hạn chế tai nạn khi điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”, Phó trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hậu Giang nêu ý kiến.

T.THỨC - M.XUYÊN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>