Nâng cao cảnh giác hơn khi chơi hụi

27/09/2020 | 14:48 GMT+7

Những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh thường xuyên xảy ra vỡ hụi từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng, khiến nhiều người chơi hụi lao đao, mất vốn, lâm cảnh nợ nần.

Nhiều hụi viên điêu đứng trong vụ vỡ hụi tại thị xã Long Mỹ.

Cuối tháng 4 năm nay, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Long Mỹ bắt tạm giam chủ hụi Lê Thị Khoa, ở ấp 9, xã Lương Tâm để điều tra làm rõ hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Bà Khoa bắt đầu làm chủ hụi để hưởng hoa hồng từ năm 2009. Hụi viên tham gia các dây hụi do bà Khoa tổ chức không chỉ ở địa bàn huyện Long Mỹ mà còn ở thị trấn Ngan Dừa, huyện Hồng Dân, tỉnh Bạc Liêu. Tuy nhiên, đến tháng 7-2019, bà Khoa bất ngờ tuyên bố vỡ hụi khiến nhiều hụi viên điêu đứng và tố cáo đến cơ quan chức năng.

Bước đầu cơ quan công an xác định, từ khoảng tháng 9-2017 đến tháng 3-2019, bà Khoa lợi dụng các hụi viên không tham gia khui hụi đầy đủ khi mở hụi để mạo tên hụi viên hốt hụi, chiếm đoạt tổng số tiền hơn 700 triệu đồng của 3 dây hụi.

Trước đó, vào tháng 7-2019, cơ quan chức năng đã xét xử và tuyên phạt 13 năm tù đối với Đinh Hồng Lập, ngụ ấp 1, thị trấn Nàng Mau, huyện Vị Thủy về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” của 26 người, với tổng số tiền hơn 2,3 tỉ đồng.

Theo cơ quan chức năng, cũng với “chiêu thức” lợi dụng hụi viên không tham gia khui hụi đầy đủ nên bà Lập tự ý lấy hụi của hụi viên rồi đưa tên khống để kêu hốt và chiếm đoạt hơn 2,3 tỉ đồng. Tính đến thời điểm bà Lập tuyên bố vỡ hụi thì còn 7 dây hụi đang hoạt động, 2 dây hụi đã mãn nhưng còn nợ tiền của hụi viên.

Năm 2005, bà Lập bắt đầu làm chủ hụi để hưởng hoa hồng. Đến tháng 7-2015 (âm lịch), bà Lập tuyên bố vỡ hụi, lúc này có nhiều hụi viên yêu cầu trả tiền hụi, nhưng bà Lập không thanh toán nên một số hụi viên đã làm đơn gửi đến cơ quan chức năng giải quyết.

Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh thông tin, tình trạng vỡ hụi thời gian qua diễn ra ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh từ vài trăm triệu đến hàng tỉ đồng. Riêng đầu năm 2020 đến nay, đơn vị đã tiếp nhận, thụ lý khoảng 7 trường hợp vỡ hụi.

Thiếu tá Trần Thanh Dương, Đội trưởng Đội Điều tra thẩm định hồ sơ tố tụng, Văn phòng Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, cho biết, trước đây, việc chơi hụi không được pháp luật cho phép. Song, Bộ luật Dân sự 2005 đã công nhận chơi hụi là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thỏa thuận của một nhóm người. Việc tổ chức chơi hụi nhằm mục đích tương trợ trong Nhân dân được thực hiện theo quy định của pháp luật. Trường hợp tổ chức hụi có lãi thì mức lãi suất phải tuân theo quy định của bộ luật này.

Người dân muốn làm chủ hụi thì phải xin phép chính quyền địa phương, đồng thời khi khui hụi phải thực hiện nghiêm quy định của pháp luật. Thế nhưng, trên thực tế thời gian qua, việc tổ chức chơi hụi và việc quản lý của chính quyền địa phương chưa thực hiện chặt chẽ theo quy định.

Cụ thể, chủ hụi không thông báo với chính quyền địa phương về việc tổ chức các dây hụi; không thực hiện ký tên, điểm chỉ cho các hụi viên mỗi kỳ góp hụi, lãnh hụi; lực lượng chức năng của nhiều địa phương không bám sát địa bàn, nhất là tình trạng chơi hụi của người dân; công tác tuyên truyền về vấn đề này hầu như không được quan tâm... Vì vậy, chủ hụi dễ dàng dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của hụi viên.

Trung tá Trương Thanh Hiếu, Phó Chánh Văn phòng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh, khuyến cáo: “Để hạn chế tình trạng vỡ hụi, chính quyền địa phương cần quản lý chặt chẽ việc tổ chức chơi hụi, tăng cường các biện pháp tuyên truyền cho người dân nhằm nâng cao cảnh giác với các thủ đoạn chiếm đoạt tiền hụi viên. Ngoài ra, hụi viên cần có mặt đầy đủ vào các kỳ khui hụi; biết mặt và biết rõ nhân thân, lai lịch của những hụi viên cũng như chủ hụi trước khi quyết định chơi”.

Bài, ảnh: NHẬT TÂN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>