Nâng cao vai trò hội thẩm nhân dân

11/09/2019 | 08:08 GMT+7

Cùng với thẩm phán, hội thẩm nhân dân là những người đưa ra quyết định mức hình phạt cuối cùng trong bản án. Do đó, các hội thẩm có địa vị pháp lý quan trọng, là đại diện của người dân trong việc đảm bảo tính công bằng, khách quan của pháp luật.

Một vụ án hình sự có sự tham gia của hội thẩm nhân dân.

Theo Tòa án nhân dân (TAND) tỉnh, toàn tỉnh hiện có 212 hội thẩm nhân dân, đa số đều có trình độ đại học, công tác tại nhiều cơ quan, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn. Thời gian qua, hội thẩm hai cấp đã đóng vai trò quan trọng trong công tác xét xử, thể hiện qua các bản án được tuyên một cách khách quan, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Hơn 8 năm làm hội thẩm nhân dân, ông Võ Văn Trường, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh huyện Châu Thành, tham gia xét xử rất nhiều vụ án.

Ông Trường cho biết: “Tôi luôn tự hào và ý thức được vai trò, trách nhiệm quan trọng của hội thẩm khi xét xử. Bởi vậy, trước khi tham gia một phiên tòa, tôi đều dành thời gian để nghiên cứu thật kỹ hồ sơ, chuẩn bị trước những vấn đề mình sẽ xét hỏi. Qua đó, có thể làm rõ được tình tiết vụ án, giúp cho bản án khi tuyên thật sự chính xác, đúng pháp luật”.

Qua thời gian tham gia công tác hội thẩm, ông Trường luôn có những trăn trở về tình hình tội phạm hiện nay, nhất là những vụ án mà đối tượng phạm tội trẻ tuổi hoặc những vụ tranh chấp, khiếu kiện giữa chính những người thân trong gia đình, dòng họ.

“Có nhiều vụ làm tôi canh cánh trong lòng khi ký vào biên bản nghị án, xét về lý thì sai mà về tình thì đúng, nhưng không làm khác được, chỉ có thể khuyên nhủ bị cáo sớm ăn năn, hối cải để có thể làm lại cuộc đời”, ông Trường chia sẻ.

Còn bà Đặng Hồng Luyến, Hội thẩm nhân dân TAND tỉnh, có thâm niên hơn 5 năm. Theo bà Luyến, vai trò hội thẩm là giáo dục, đấu tranh với kẻ phạm tội, làm cho họ tỉnh ngộ. Còn với các cặp ly hôn, mâu thuẫn gia đình, việc phân tích, thuyết phục sẽ giúp họ suy nghĩ kỹ mà về chung sống lại với nhau.

Bà Luyến cho biết: “Dù phải kiêm nhiệm và bận nhiều việc, nhưng mỗi lần được mời tham gia xét xử tôi đều cố gắng sắp xếp thời gian, xem xét thật kỹ hồ sơ, tình tiết vụ án để qua đó có thể cùng với các thành viên hội đồng xét xử đưa ra bản án hợp lý hợp tình nhất”.

Không chỉ riêng ông Trường, bà Luyến, những năm qua, các hội thẩm của tòa án hai cấp tỉnh đã tích cực tham gia công tác xét xử với tinh thần, ý thức trách nhiệm cao. Mặc dù bận nhiều công việc nhưng khi có yêu cầu của tòa đều tham gia nhiệt tình, tranh thủ thời gian nghiên cứu kỹ hồ sơ vụ án, lắng nghe ý kiến dư luận, từ đó cùng với thẩm phán đưa ra phán quyết đối với các bản án một cách thấu tình đạt lý.

Theo TAND tỉnh, từ đầu năm 2019 đến nay, các hội thẩm tòa án hai cấp đã tham gia xét xử trên 250 vụ án hình sự, dân sự, hành chính... Nhiều hội thẩm tham gia rất tích cực trong xét xử, qua đó các bản án tuyên đều đúng quy định, không để xảy ra oan sai, khiếu nại…

Ông Trương Đình Nghệ, Chánh án TAND tỉnh, cho biết, các vị hội thẩm tòa án hai cấp tỉnh đều có tinh thần, ý thức trách nhiệm cao, tham gia hiệu quả các vụ án được TAND hai cấp đưa ra xét xử. Tuy nhiên, do điều kiện khách quan, vai trò hội thẩm nhân dân đôi lúc chưa thể hiện hết, như một số hội thẩm tuy có tham gia xét xử nhưng việc nghiên cứu hồ sơ vụ án còn hạn chế; quá trình xét xử còn nặng về giải thích pháp luật mà chưa tập trung đi sâu vào tình tiết vụ án để đưa ra phán quyết pháp lý.

Nhằm khắc phục những hạn chế trên và nâng cao nghiệp vụ xét xử cho các hội thẩm, trong thời gian tới, TAND hai cấp trong tỉnh sẽ đẩy mạnh tổ chức tập huấn chuyên môn theo từng chuyên đề và triển khai các văn bản pháp luật mới đến các hội thẩm; quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi cho các hội thẩm được tham gia nghiên cứu hồ sơ vụ án, cung cấp đầy đủ các tài liệu... Qua đó, góp phần giúp các hội thẩm hoàn thành tốt hơn nhiệm vụ xét xử.

Đoàn Hội thẩm TAND tỉnh hiện có 26 thành viên, hội thẩm TAND cấp huyện có 186 thành viên.

Trong đó, có 10 hội thẩm là cán bộ nghỉ hưu, 202 hội thẩm đang công tác tại các cơ quan, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp; 6 hội thẩm có trình độ thạc sĩ, 46 hội thẩm có chuyên môn pháp lý... Đa số các hội thẩm đều có kinh nghiệm, kiến thức rộng nên dễ dàng tiếp cận, xét xử các loại án.

 

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>