Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng xét xử

13/01/2021 | 08:15 GMT+7

Năm 2020, nhiều tập thể, cá nhận của ngành tòa án Hậu Giang được TAND tối cao khen thưởng vì có thành tích xuất sắc trong công tác xét xử.

Năm 2020, ngành tòa án cơ bản hoàn thành chỉ tiêu trong công tác xét xử. Nhân hội nghị tổng kết công tác tòa án vừa qua, phóng viên Báo Hậu Giang đã ghi nhận ý kiến của một số đại biểu về những cách làm hiệu quả trong công tác thụ lý, xét xử án năm 2020.

Ông Lương Phước Đại, Chánh án TAND huyện Châu Thành: Chú trọng trách nhiệm của từng thẩm phán

- Năm 2020, đơn vị thụ lý 671 vụ án các loại, trong đó án dân sự có 265 vụ án thì có 187 vụ án tranh chấp về đất đai và liên quan về đất đai, chiếm tỷ lệ 70,56%/tổng số án dân sự. Đây là loại án thuộc dạng tranh chấp phức tạp, nhiều mâu thuẫn, tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết án. Tuy vậy, năm qua, tòa án huyện Châu Thành chỉ có 4 vụ án bị sửa, chiếm tỷ lệ 0,61% trên tổng số án đã giải quyết, không có vụ án bị hủy.

Để đạt được kết quả trên, ngay từ đầu năm đơn vị đã tập trung xây dựng kế hoạch công tác, phân công nhiệm vụ cụ thể cho thẩm phán, thư ký. Trong đó, trọng tâm là nâng cao chất lượng giải quyết án của từng thẩm phán; hạn chế đến mức thấp nhất án sửa, hủy do lỗi chủ quan của thẩm phán. Trong các buổi họp báo đầu tuần hay các cuộc họp cơ quan, lãnh đạo đơn vị luôn nhắc nhở đối với các vụ án có nhiều tình tiết phức tạp, khó khăn, vướng mắc thì trong quá trình giải quyết, thẩm phán phải hết sức thận trọng, không được có tâm lý e ngại, chủ quan mà phải dám đương đầu, vượt qua khó khăn, thử thách để nâng cao bản lĩnh nghề nghiệp. Trong việc phân án cho các thẩm phán, ngoài tuân thủ quy trình phân công giải quyết các loại án theo quy định của luật, lãnh đạo đơn vị còn thực hiện việc phân án dựa trên năng lực và sở trường của từng thẩm phán. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tăng cường và nâng cao hiệu quả hòa giải, bởi đây được xem là giải pháp căn cơ để giảm tải công việc và áp lực đối với công tác xét xử, tiết kiệm được chi phí, công sức, thời gian của Nhà nước và người dân. 

Trong thời gian tới, để nâng cao chất lượng công tác xét xử và công tác hòa giải tại tòa, đơn vị sẽ chú trọng giao nhiệm vụ, chỉ tiêu tới từng thẩm phán; hỗ trợ các điều kiện để thẩm phán hoàn thành tốt nhiệm vụ, đặc biệt là trong công tác phối hợp với các hòa giải viên về kỹ năng hòa giải, đối thoại, kết hợp với thảo luận, trao đổi kinh nghiệm trong giải quyết các vụ việc; quan tâm nhân rộng những cách làm sáng tạo, hiệu quả trong giải quyết án, đồng thời biểu dương kịp thời những thẩm phán, hòa giải viên có tỷ lệ hòa giải thành cao để góp phần nâng cao thành tích của đơn vị.

Bà Trịnh Thị Bích Hạnh, Chánh Tòa hành chính, TAND tỉnh: Tiếp tục làm tốt công tác phối hợp trong giải quyết án hành chính

- Năm 2020, Tòa hành chính, TAND tỉnh thụ lý 46 vụ, trong đó qua đối thoại và xét xử người khởi kiện rút yêu cầu khởi kiện 9 vụ, người bị kiện rút quyết định hành chính bị kiện 7 vụ.

Có thể thấy, thời gian qua, qua phối hợp trong công tác xét xử các vụ án hành chính, nhiều vụ việc phức tạp đã được Ban cán sự Đảng TAND tỉnh và Ban cán sự Đảng UBND tỉnh kịp thời giải quyết, trao đổi và có biện pháp khắc phục. Cụ thể là những vụ án có dư luận gây bức xúc của người dân, những vụ án có khiếu kiện đông người, những vụ án cần đẩy nhanh tiến độ giải quyết do nhu cầu về giải phóng mặt bằng... Nhìn chung, qua phối hợp đã đem lại hiệu quả thiết thực trong công tác giải quyết án hành chính của tòa đối với UBND tỉnh, cấp huyện, tạo điều kiện để các cơ quan thực hiện tốt nhiệm vụ theo chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng ý thức tôn trọng pháp luật.

Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi trong công tác phối hợp cũng còn có một số khó khăn nhất định như: Việc người được ủy quyền của người bị kiện còn vắng mặt nhiều trong các phiên đối thoại và xét xử của tòa; việc cung cấp chứng cứ của người bị kiện đôi khi còn chậm, cung cấp chưa đầy đủ, ảnh hưởng đến việc đánh giá chứng cứ của tòa…

Để khắc phục những tồn tại này, trong thời gian tới cần thực hiện tốt hơn nữa quy chế phối hợp giữa Ban cán sự Đảng UBND tỉnh và Ban cán sự Đảng TAND tỉnh. Qua đó, trước khi nhận được thông báo thụ lý vụ án cho đến khi tòa mở phiên công khai chứng cứ và đối thoại thì các đương sự cần cung cấp đầy đủ chứng cứ và nêu ý kiến của mình nộp cho tòa để thẩm phán giải quyết vụ án nắm được nội dung khởi kiện cũng như yêu cầu của đương sự, từ đó có hướng cho các đương sự đối thoại đạt kết quả tốt.

Đối với các cơ quan hành chính cần phối hợp tốt với thẩm phán được phân công giải quyết vụ án hành chính trong việc trao đổi thông tin nghiệp vụ, để kịp thời chấn chỉnh cũng như rà soát các quyết định bị kiện đảm bảo quyền lợi của công dân cũng như uy tín của các cơ quan Nhà nước đối với Nhân dân, nhằm phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương.

Bà Trần Thanh Ngân, Chánh án TAND thị xã Long Mỹ: Chú trọng hòa giải ngoài trụ sở

- Nhận thức được ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác hòa giải trong xét xử, nhằm tăng số lượng và chất lượng giải quyết các loại án, thời gian qua, đơn vị đã chủ động áp dụng nhiều biện áp trong công tác hòa giải, đặc biệt là đối với các tranh chấp dân sự. 

Trong đó, việc hòa giải ngoài trụ sở là sáng kiến mới và đem lại hiệu quả tích cực trong nhiều năm qua của đơn vị. Cụ thể, đơn vị đã chủ động ký kết quy chế phối hợp với UBND thị xã, đề nghị chỉ đạo các xã, phường, nhất là địa phương có nhiều án tranh chấp phức tạp chủ động phối hợp với tòa khi tiến hành hòa giải. Tận dụng lợi thế về địa bàn, thẩm phán trực tiếp xuống tận nơi tranh chấp tìm hiểu, nắm bắt thông tin có liên quan và những người có uy tín, tầm ảnh hưởng. Riêng năm 2020, tỷ lệ hòa giải thành của đơn vị đạt 72,9%, có những thẩm phán hòa giải thành trên 85 vụ/năm, đạt tỷ lệ trên 52%,...

Tuy nhiên, quá trình thực hiện đơn vị cũng gặp không ít những khó khăn nhất định như về thành phần tham gia hòa giải do bị động công tác chuyên môn nên thường có sự thay đổi, số lượng thẩm phán và thư ký đơn vị ít nên bố trí xuống địa phương chưa đồng đều…

Để có thể tiếp tục phát huy và làm tốt hơn công tác phối hợp hòa giải trong thời gian tới, đơn vị đề ra yêu cầu đối với mỗi thẩm phán phải sâu sát từ cơ sở để nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của các bên đương sự. Thẩm phán vận dụng khéo léo và linh hoạt tất cả các kỹ năng trong quá trình hòa giải, chủ động phối hợp tốt với cán bộ tại địa phương, bám chặt địa bàn, tìm ra giải pháp dung hòa mâu thuẫn; trong quá trình hòa giải phải mềm dẻo những vẫn quyết đoán, để qua đó đảm bảo chất lượng công tác hòa giải của ngành.

Đ.BẢO ghi nhận

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>