Phát huy hiệu quả tuyên truyền từ xét xử lưu động

02/12/2022 | 08:12 GMT+7

Thời gian qua, tòa án nhân dân (TAND) hai cấp trong tỉnh chú trọng tổ chức nhiều phiên tòa xét xử lưu động tại cơ sở. Qua đó, nhằm nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tới người dân, góp phần phòng ngừa, răn đe các loại tội phạm.

Tòa án nhân dân huyện Vị Thủy tổ chức xét xử lưu động tại trụ sở UBND thị trấn Nàng Mau

Ngày 29-11, tại trụ sở UBND thị trấn Nàng Mau, Tòa án nhân dân huyện Vị Thủy đưa ra xét xử lưu động đối với bốn bị cáo Nguyễn Thanh Hoài, Nguyễn Văn Tuấn, Hồ Thanh Thép và Lê Văn Kha về tội cố ý gây thương tích.

Hồ sơ vụ án thể hiện, vào khoảng 19 giờ ngày 8-3-2022, anh Nguyễn Thế Văn, Nguyễn Văn Sóc cùng một số người bạn tổ chức ăn uống tại quán Triều, thuộc ấp 1, thị trấn Nàng Mau. Lúc này, ngoài sảnh quán có bàn của Hoài, Tuấn, Thép, Kha ngồi uống bia đối diện bàn của anh Văn và Sóc.

 Trong quá trình uống bia, giữa Hoài và anh Văn xảy ra tranh cãi, Hoài sau đó dùng ghế nhựa đánh anh Văn, đồng thời cả nhóm của Hoài cùng lao vào dùng tay và ghế đánh vào người anh Văn và anh Sóc.

Khi chủ quán và nhân viên của quán ra can ngăn thì các đối tượng tiếp tục về nhà lấy thêm hung khí là dao tự chế để tiếp tục hành hung nạn nhân, tuy nhiên khi cả ba trên đường chở lại quán thì bị Công an huyện Vị Thủy bắt quả tang. Qua giám định của Trung tâm Pháp y tỉnh, tỷ lệ thương tích đối với anh Nguyễn Thế Văn là 15%, anh Nguyễn Văn Sóc là 17%.

Dự phiên tòa, nhiều người dân tỏ ra bức xúc với hành vi côn đồ của bị cáo; một số tỏ ra thông cảm với hoàn cảnh vì bị cáo ít học, không hiểu biết pháp luật.

Khi phiên tòa bắt đầu, bà con quan tâm giữ gìn trật tự để nghe hội đồng xét xử thẩm vấn bị cáo. Mỗi lời khai của các bị cáo về hành vi phạm tội đều được người dự khán chăm chú theo dõi và thể hiện thái độ của mình.

Ông Trần Văn Thiệp, ở ấp 1, thị trấn Nàng Mau, nói: “Các bị cáo ở địa phương thường xuyên gây rối trật tự công cộng, không chí thú làm ăn, từng bị cải tạo mà không biết ăn năn, hối cải. Tôi thấy lần này tòa án nên có bản án nghiêm khắc để nghiêm trị cũng như để răn đe phòng ngừa chung”.

Khi hội đồng xét xử bước vào nghị án, người dân bắt đầu tranh luận về bản án sắp dành cho các bị cáo, có người nói nên xử án cao để trừng trị, có người cho rằng việc các bị cáo phạm tội đặc biệt nghiêm trọng thì nên răn đe, nhưng cũng cho cơ hội để có thể làm lại cuộc đời. Sau khi tòa tuyên các mức án từ 24 tháng đến 5 năm 6 tháng tù, nhiều người tỏ ra hài lòng với bản án của tòa.

Chị Danh Thị Hoa, ở ấp 1 thị trấn Nàng Mau, chia sẻ: “Tôi nghĩ bản án tòa tuyên là thích đáng đối với các bị cáo, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật, trừng trị đối với hành vi xem thường pháp luật”.

Trước đó, vào tháng 8-2022, Tòa án nhân dân huyện Vị Thủy cũng đã đưa ra xét xử lưu động vụ án cò lúa Huỳnh Văn Phòng, 42 tuổi, ngụ huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang về hành vi lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

Với thủ đoạn làm hợp đồng bán lúa cho người dân, sau đó nhận tiền cọc nhưng đến ngày hẹn không giao lúa theo hợp đồng và không trả lại tiền cọc, cơ quan công an xác định đối tượng Phòng đã chiếm đoạt số tiền trên 290 triệu đồng của 2 người dân trên địa bàn xã Vị Đông, huyện Vị Thủy. Vụ án được xử lưu động ngay tại trụ sở UBND xã cũng thu hút sự quan tâm của nhiều bà con.

Ông Lê Hữu Nam, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện Vị thủy, cho biết: Do tình hình một số loại tội phạm trên địa bàn diễn biến phức tạp như cố ý gây thương tích, trộm cắp tài sản, lừa đảo chiếm đoạt tài sản, nên các cơ quan tố tụng huyện tăng cường phối hợp, tổ chức các phiên tòa xét xử lưu động; chú trọng lựa chọn các vụ án hình sự có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, được dư luận xã hội quan tâm để triển khai. Qua đó, giúp người dân hiểu được thủ đoạn, nguyên nhân tội phạm, từ đó góp phần răn đe, phòng ngừa tội phạm và thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương…

Các vụ án được đưa ra xét xử lưu động thường là án liên quan đến ma túy, trộm cắp tài sản, giết người, cố ý gây thương tích; chống người thi hành công vụ;… Mặc dù không gian tổ chức không phải trụ sở tòa án, hội trường xét xử lớn nhưng tính trang nghiêm, quy trình phiên tòa vẫn được đảm bảo.

Ông Trương Đình Nghệ, Chánh án Tòa án nhân dân tỉnh, cho biết: “Trong quá trình xét xử từng vụ án cụ thể, tòa án tạo điều kiện thuận lợi để những người tham dự phiên tòa cũng như Nhân dân tiếp cận và nâng cao trình độ nhận thức về pháp luật; răn đe tội phạm, ngăn chặn kịp thời ý định phạm tội, ổn định tình hình tại cơ sở, định hướng dư luận, góp phần thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương. Bởi việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật tại các phiên tòa lưu động có tác dụng trực tiếp đến những người tham dự hoặc theo dõi phiên tòa, tạo sự quan tâm của đông đảo cộng đồng dân cư tại địa phương, giúp cho người dân dễ hiểu, dễ nhớ những quy định pháp luật mà họ được nghe trực tiếp”.

Thông qua những phiên tòa xét xử lưu động đã giúp người dân rút ra những bài học, hiểu biết cặn kẽ hơn về pháp luật để răn dạy con cháu, góp phần nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và tinh thần thượng tôn pháp luật đối với mỗi công dân.

Bài, ảnh: Đ.B 

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>