Phiên tòa giả - Hiểu luật thật

12/08/2019 | 08:33 GMT+7

Phiên tòa giả định là cách làm mới được Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh áp dụng để tuyên truyền pháp luật cho đông đảo học sinh, sinh viên và người dân, bước đầu nhận được phản hồi tích cực bởi tính sinh động, thực tế.

Quang cảnh phiên tòa.

Đứng trước bục khai báo là một thanh niên vừa tròn 18 tuổi, run rẩy sợ hãi, với cáo trạng cố ý gây thương tích.

- Chỉ vì mâu thuẫn nhỏ mà bị cáo sử dụng hung khí để gây thương tích cho người khác. Bị cáo có biết là sẽ phải trả giá rất đắt về hành vi xem thường pháp luật của mình không?

- Thưa Hội đồng xét xử, bị cáo có biết ạ!

- Thế tại sao bị cáo lại có hành động như vậy?

- Thưa Hội đồng xét xử, do bị cáo bốc đồng… bị cáo không kiềm chế được bản thân.

Dù có nhiều quanh co, chối cãi nhưng với các nhân chứng, vật chứng rõ ràng và sự lập luận sắc bén của Hội đồng xét xử, cuối cùng, bị cáo đã cúi đầu nhận tội.

Đó là diễn biến của phiên tòa giả định với sự tham dự của gần 200 đại biểu vừa được tổ chức tại Trường Trung cấp Luật Vị Thanh. Nội dung phiên tòa xét xử bị cáo Hoàng Thế T., sinh năm 2002 (nhân vật giả định) về hành vi cố ý gây thương tích.

Theo cáo trạng, do mâu thuẫn trên mạng xã hội facebook từ trước nên Phan Anh L. và Huỳnh M. hẹn nhau ra sân vận động huyện H. để giải quyết mâu thuẫn. Sau khi hẹn với L., M. gọi điện kể cho T. nghe sự việc và rủ T. đến khu vực sân vận động để gặp nhóm của L.

Khi đến điểm hẹn, thấy M. và L. đang đứng nói chuyện, T. liền dùng gậy sắt đánh mạnh vào đầu L. hai cái rồi cùng M. lên xe bỏ về. Còn L. sau đó được đưa đến bệnh viện với kết quả giám định tỷ lệ thương tích là 10%.

Vào thời điểm xảy ra vụ việc, cả 3 đều là học sinh THPT, với hành vi phạm tội của mình, T. bị tuyên phạt 2 năm tù (cho hưởng án treo) về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại sức khỏe người khác, theo điểm a, khoản 1, Điều 134 Bộ luật Hình sự.

Là người theo dõi phiên tòa giả định từ khi bắt đầu xét xử đến lúc kết thúc, em Võ Thị Bích Trâm, học viên Trường Trung cấp Luật Vị Thanh, chia sẻ: “Tham dự phiên tòa, bản thân em đúc kết được nhiều điều. Khi giải quyết mâu thuẫn hãy bình tĩnh, phải biết kiềm chế bản thân, không được bồng bột, nông nổi, thể hiện chính mình rồi vi phạm pháp luật, để lại nỗi đau cho nạn nhân, gia đình và bị bạn bè, xã hội kỳ thị”.

Còn em Lê Thị Hồng Đào bộc bạch: “Việc tuyên truyền pháp luật qua phiên tòa giả định này em thấy rất hiệu quả. Vì tình huống phiên tòa diễn ra rất gần gũi với thực tế cuộc sống, làm cho người xem phải giật mình, nhất là đối với những đối tượng có hành động trái pháp luật”.

Theo ông Nguyễn Quốc Lai, Trưởng phòng Phổ biến, giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp, phiên tòa giả định đã làm rõ hành vi phạm tội của bị cáo. Đó là sự thiếu hiểu biết pháp luật, phát sinh mâu thuẫn từ mạng xã hội, tuổi đời còn rất trẻ… Những tình huống nêu trên rất dễ xảy ra đối với lứa tuổi học sinh ngày nay.

“Phiên tòa cũng đã phân tích sâu nhân thân của các bị cáo để tìm tình tiết giảm nhẹ. Người đóng vai bị cáo đã hoàn thành tốt diễn biến tâm lý khi nghe Hội đồng xét xử phân tích hành vi phạm tội có thể xảy ra hàng ngày trong giới trẻ, là lời răn đe, giáo dục pháp luật gần gũi nhất với các bạn trẻ”, ông Lai đánh giá.

Phó Giám đốc Sở Tư pháp Đồng Việt Phương cho rằng các phiên tòa giả định như trên không chỉ phản ánh hành vi phạm tội hay mức án được áp dụng mà còn giúp người dân hiểu rõ hơn về hoạt động của những người cầm cân nảy mực, giúp người xem nhận thức được ranh giới giữa đúng và sai, tính nghiêm minh của pháp luật.

“Bằng kịch bản gần gũi với đời sống thường ngày là cách tuyên truyền pháp luật hiệu quả đến học sinh, sinh viên, người dân. Đây là hình thức tuyên truyền pháp luật mới được Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh áp dụng trong thời gian tới”, ông Phương nhấn mạnh.

Với tình huống giả định nhưng phiên tòa để lại những bài học rất thật cho nhiều người theo dõi. Qua đây, họ hiểu được hậu quả cùng sự trả giá quá đắt do thiếu hiểu biết và không chấp hành các quy định của pháp luật cũng như việc thiếu kiềm chế trước nhiều tình huống có thể xảy ra trong cuộc sống.

Tiếp tục tổ chức phiên tòa giả định trong tháng 9

Ông Đồng Việt Phương, Phó Giám đốc Sở Tư pháp, cho biết sau phiên tòa giả định tại Trường Trung cấp Luật Vị Thanh, trong tháng 9, Hội đồng Phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh sẽ tổ chức phiên tòa giả định về lĩnh vực phòng, chống ma túy tại Trường Cao đẳng cộng đồng Hậu Giang.

Sau khi kết thúc 2 phiên tòa, sẽ tiến hành đánh giá kết quả cụ thể. Nếu việc tổ chức phiên tòa giả định có chất lượng, mang lại hiệu quả, phù hợp với thực tiễn sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình tại 8 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh.

 

Bài, ảnh: ĐÌNH BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>