Tập trung thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của ngành kiểm sát

25/03/2020 | 07:49 GMT+7

Những tháng đầu năm, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được bảo đảm; công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, kiểm sát hoạt động tư pháp được tăng cường. Để hiểu rõ hơn về những kết quả này, phóng viên Báo Hậu Giang có cuộc trao đổi với ông Trần Quang Khải (ảnh), Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân (VKSND) tỉnh, ông Khải cho biết:

- Những tháng đầu năm, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh được giữ vững ổn định, đặc biệt không xảy ra các loại tội phạm xâm phạm an ninh quốc gia, xâm phạm hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, tình hình tội phạm vẫn diễn biến phức tạp và tăng 19,6% so cùng kỳ. Viện kiểm sát hai cấp đã thực hành quyền công tố, kiểm sát việc khởi tố 110 vụ/180 bị can.

Chúng tôi cho rằng, nguyên nhân chủ yếu của tình hình tội phạm trên là do công tác quản lý nhà nước về kinh tế, xã hội ở một số lĩnh vực còn chưa theo kịp tình hình tội phạm; tác động tiêu cực của cơ chế thị trường; ý thức chấp hành pháp luật của một bộ phận nhân dân còn hạn chế…

Vậy ngành đã và đang thực hiện kế hoạch công tác như thế nào để đảm bảo tốt nhiệm vụ đấu tranh với tội phạm, thưa ông ?

- Ngay từ đầu năm, ngành kiểm sát tỉnh đã tích cực, chủ động đề ra các giải pháp đảm bảo thực hiện đồng bộ, toàn diện các nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2020; đồng thời luôn đảm bảo sự lãnh đạo của cấp ủy đảng trong quá trình thực hiện chức năng, nhiệm vụ được giao; xây dựng mối quan hệ phối hợp tốt các cơ quan tư pháp và cơ quan hữu quan ở địa phương trên tinh thần thượng tôn pháp luật. Tiếp tục xác định nhiệm vụ chống oan, sai và bỏ lọt tội phạm là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của VKSND hai cấp.

Đối với công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử các vụ án hình sự, chúng tôi tiếp tục chỉ đạo VKSND hai cấp thực hiện quyết liệt nhiều biện pháp nhằm tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, đảm bảo mọi hoạt động điều tra đúng pháp luật; tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu trong hoạt động công tố; thực hiện nghiêm các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, quy chế nghiệp vụ của ngành; chủ động đề ra các giải pháp nhằm nâng cao chất lượng điều tra. Chủ động triển khai các hoạt động điều tra như trực tiếp hỏi cung, phúc cung, nhất là đối với những vụ án nghiêm trọng, phức tạp, chứng cứ có nhiều mâu thuẫn; tiếp tục thực hiện “số hóa hồ sơ vụ án” nhằm tạo điều kiện cho việc tổng hợp, đánh giá chứng cứ của kiểm sát viên tại phiên tòa; thận trọng, khách quan khi quyết định truy tố, đảm bảo có căn cứ, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật.

Hiện nay, hoạt động tranh tụng tại tòa được đánh giá có vai trò rất quan trọng trong quá trình xét xử, đảm bảo hiệu quả hoạt động tố tụng, ngành kiểm sát Hậu Giang đã có những giải pháp như thế nào để nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên, thưa ông ?

- Hoạt động tranh tụng tại phiên tòa không chỉ đánh giá kết quả hoạt động của các giai đoạn điều tra, truy tố mà còn tác động đến giai đoạn xét xử, để bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của bị cáo và những người liên quan, bảo đảm việc truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Do đó, ngành kiểm sát Hậu Giang xác định, việc nâng cao kỹ năng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa là một nội dung quan trọng trong quá trình thực hiện chức năng thực hành quyền công tố.

Từ đó, ngành đã đề ra các giải pháp tăng cường công tác quản lý, chỉ đạo của lãnh đạo viện kiểm sát; chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng về kỹ năng nghiệp vụ cho đội ngũ kiểm sát viên, chủ yếu là hình thức tự đào tạo thông qua việc tổ chức các cuộc thi nhằm nâng cao năng lực, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, bản lĩnh chính trị và ý thức trách nhiệm của kiểm sát viên.

Song song đó, viện kiểm sát hai cấp đã phối hợp tổ chức các phiên tòa rút kinh nghiệm. Hiện nay, mỗi kiểm sát viên làm công tác thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử hình sự phải thực hiện ít nhất một phiên tòa rút kinh nghiệm/năm. Mỗi năm, toàn ngành tổ chức trên 50 phiên tòa rút kinh nghiệm. Đa số các phiên tòa này đều có lãnh đạo VKSND tỉnh tham dự và rút kinh nghiệm. Hầu hết các kiểm sát viên đã thực hiện tốt chức trách, nhiệm vụ tại phiên tòa, góp phần nâng cao chất lượng tranh tụng, bảo đảm các bản án, quyết định đúng pháp luật.

Từ nay đến cuối năm, ngành sẽ tập trung những nhiệm vụ trọng tâm nào, thưa ông ?

- Năm 2020 được đánh giá là năm có nhiều sự kiện chính trị quan trọng như đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập ngành Kiểm sát nhân dân, 16 năm thành lập và phát triển VKSND tỉnh Hậu Giang. Do đó, toàn ngành sẽ tập trung quán triệt, thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ, quyền hạn của ngành theo chỉ đạo của Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thực hiện nghiêm chủ trương tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra. Chủ động nâng cao chất lượng tranh tụng của kiểm sát viên tại phiên tòa, bảo đảm truy tố, xét xử đúng người, đúng tội, đúng pháp luật và kiên quyết không để xảy ra các trường hợp oan, sai hoặc bỏ lọt tội phạm, bảo vệ tốt hơn quyền con người, quyền công dân trong tố tụng hình sự.

Ngành cũng sẽ chú trọng công tác giáo dục, rèn luyện phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm, đạo đức tác phong của người cán bộ kiểm sát; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm rèn luyện đạo đức, tác phong, lề lối, trách nhiệm, kỷ luật công vụ, nội vụ của cán bộ, kiểm sát viên. Kiên quyết xử lý nghiêm minh các cán bộ, kiểm sát viên vi phạm pháp luật và quy chế nghiệp vụ của ngành.

Cảm ơn ông về cuộc trao đổi này !

ĐÌNH BẢO thực hiện

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>