Tìm hiểu pháp luật: Hỏi, đáp về Luật Trồng trọt

12/09/2019 | 05:51 GMT+7

Ngày 19 tháng 11 năm 2018, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam khóa XIV, kỳ họp thứ 6 thông qua Luật Trồng trọt và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2020.

Nhằm giúp cán bộ, công chức, viên chức và Nhân dân có nhu cầu tìm hiểu pháp luật, Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật tỉnh giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật Trồng trọt dưới dạng hỏi - đáp sau:

Hỏi: Hãy cho biết cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt được quy định như thế nào ?

Đáp: Điều 8 Luật Trồng trọt quy định cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt như sau:

- Cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt là hệ thống thông tin liên quan đến trồng trọt, được xây dựng thống nhất từ trung ương đến địa phương, được chuẩn hóa để cập nhật, khai thác và quản lý bằng công nghệ thông tin.

- Nội dung cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt bao gồm:

+ Cơ sở dữ liệu về văn bản quy phạm pháp luật, văn bản chỉ đạo điều hành liên quan đến trồng trọt;

+ Cơ sở dữ liệu sản xuất, bảo quản, chế biến và thương mại về trồng trọt;

+ Cơ sở dữ liệu về kết quả nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật; dữ liệu về dinh dưỡng đất, sử dụng đất trồng trọt; dữ liệu giống cây trồng, phân bón, nước tưới;

+ Cơ sở dữ liệu khác về trồng trọt.

- Tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin, cập nhật và khai thác cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt theo quy định của pháp luật.

- Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định việc cung cấp thông tin, cập nhật, khai thác và quản lý cơ sở dữ liệu quốc gia về trồng trọt.

Hỏi: Hãy cho biết các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt ?

Đáp: Điều 9 Luật Trồng trọt quy định các hành vi bị nghiêm cấm trong hoạt động trồng trọt như sau:

- Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng chưa được quyết định công nhận lưu hành hoặc tự công bố lưu hành, trừ trường hợp được cơ quan có thẩm quyền cho phép.

- Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu phân bón chưa được quyết định công nhận lưu hành tại Việt Nam, trừ trường hợp nhập khẩu phân bón quy định tại Tổ chức, cá nhân nhập khẩu phân bón chưa được công nhận lưu hành tại Việt Nam phải có Giấy phép nhập khẩu phân bón trong trường hợp sau đây: Phân bón để khảo nghiệm; phân bón dùng cho sân thể thao, khu vui chơi giải trí; phân bón sử dụng trong dự án của nước ngoài tại Việt Nam; phân bón làm quà tặng, làm hàng mẫu; phân bón tham gia hội chợ, triển lãm; phân bón phục vụ nghiên cứu khoa học; phân bón làm nguyên liệu để sản xuất phân bón khác; phân bón tạm nhập, tái xuất hoặc phân bón quá cảnh hoặc chuyển khẩu qua cửa khẩu Việt Nam; phân bón gửi kho ngoại quan; phân bón nhập khẩu vào khu chế xuất và sản xuất phân bón để xuất khẩu theo hợp đồng với tổ chức, cá nhân nước ngoài.

- Sản xuất, buôn bán giống cây trồng không đáp ứng điều kiện sản xuất, buôn bán; sản xuất, buôn bán phân bón chưa được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện sản xuất, buôn bán phân bón.

- Sản xuất, buôn bán, nhập khẩu giống cây trồng, phân bón, vật tư nông nghiệp khác và sản phẩm cây trồng giả, hết hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc.

- Cung cấp thông tin về giống cây trồng, phân bón sai lệch với thông tin đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt hoặc sai lệch với thông tin tự công bố.

- Thực hiện trái phép dịch vụ khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm định ruộng giống, giám định, chứng nhận chất lượng giống cây trồng, sản phẩm cây trồng, phân bón.

- Cung cấp sai hoặc giả mạo kết quả khảo nghiệm, thử nghiệm, kiểm định ruộng giống, kiểm tra, giám định, chứng nhận chất lượng, hợp chuẩn, hợp quy về vật tư nông nghiệp và sản phẩm cây trồng.

- Xuất khẩu trái phép giống cây trồng thuộc Danh mục nguồn gen giống cây trồng cấm xuất khẩu.

- Canh tác gây hại cho cây trồng, vật nuôi và sức khỏe con người; gây ô nhiễm môi trường; suy thoái và cạn kiệt tài nguyên đất, nước và đa dạng sinh học.

- Khai thác, sử dụng trái phép tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước vào mục đích phi nông nghiệp.

(Còn tiếp)

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>