Tuyên truyền pháp luật sâu rộng đến đồng bào dân tộc

20/11/2020 | 10:04 GMT+7

Thời gian qua, công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật trong vùng đồng bào dân tộc được tỉnh rất quan tâm. Qua đó, nhiều chính sách được triển khai, thực hiện, đem lại hiệu quả, góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho đồng bào.

Một buổi truyền thông trợ giúp pháp lý của Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh cho đồng bào dân tộc Khmer tại xã Xà Phiên, huyện Long Mỹ.

Thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, là một trong những địa bàn có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống với hơn 1.210 nhân khẩu. Nhận thức được tầm quan trọng trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật, các ban, ngành, đoàn thể thị trấn đã có nhiều nỗ lực đưa kiến thức pháp luật đến với đồng bào dân tộc tại địa phương.

Theo Phòng Dân tộc huyện Châu Thành A, hiện các chùa Khmer trên địa bàn thị trấn như chùa Aranhứt, BôTungVongSây… đều được trang bị tủ sách pháp luật với hàng trăm đầu sách, báo các loại. Đặc biệt, tại thị trấn Bảy Ngàn và thị trấn Cái Tắc là hai đơn vị có đông bà con Khmer sinh sống, đều thành lập “Tổ tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong đồng bào dân tộc Khmer và vận động không vi phạm pháp luật”.

Ông Nguyễn Văn Tồn, Tổ trưởng Tổ tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật trong đồng bào dân tộc Khmer ấp Long An A, thị trấn Cái Tắc, cho biết: “Hàng tháng, chúng tôi đều tổ chức các buổi sinh hoạt của tổ tại chùa. Ngoài tuyên truyền các chính sách, pháp luật cho bà con thì tổ còn nắm bắt những tâm tư, nguyện vọng của hộ Khmer, giải quyết kịp thời những phát sinh, không xảy ra khiếu kiện. Từ đó, góp phần ổn định, đảm bảo an ninh trật tự địa phương”.

Còn ông Danh Thanh Lâm, ở ấp Long An A, thị trấn Cái Tắc, chia sẻ: “Thời gian qua, được sự quan tâm của Đảng và Nhà nước với nhiều chính sách dành cho đồng bào dân tộc, đời sống của bà con khấm khá hơn trước. Vì vậy, khi có những buổi tuyên truyền, sinh hoạt pháp luật thì bà con tham gia rất đông, qua đó tình trạng vi phạm pháp luật trong đồng bào tại thị trấn rất ít xảy ra, bà con ai cũng lo làm ăn, tranh chấp, kiện tụng hầu như không có…”.

Còn theo Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã phối hợp với địa phương thực hiện được 5 cuộc truyền thông về trợ giúp pháp lý cho đồng bào dân tộc thiểu số tại các địa điểm như: Chùa Mahamăngkolrăngsây, phường III, thành phố Vị Thanh; chùa OchumWongSa, xã Hỏa Lựu, thành phố Vị Thanh; chùa Andoong Mechay XarayWonXa, xã Lương nghĩa, huyện Long Mỹ… Đặc biệt, vừa qua hưởng ứng “Ngày vì người nghèo” của Cục Trợ giúp pháp lý, Bộ Tư pháp, trung tâm đã phối hợp với UBND xã Xà Phiên tổ chức buổi truyền thông về trợ giúp pháp lý tại chùa Phothiwonwongsa, với hơn 30 người tham dự là các tăng ni, phật tử là đồng bào dân tộc Khmer.

Ông Vũ Anh Quân, Giám đốc Trung tâm Trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh, cho biết, các buổi truyền thông đều được tổ chức tại các địa bàn có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống hoặc các điểm chùa để thuận tiện cho bà con. Tại các buổi truyền thông, bên cạnh triển khai đến người đồng bào một số nội dung của Luật Trợ giúp pháp lý, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia… chúng tôi còn tổ chức phát trên 300 tờ gấp, tư vấn pháp luật tại chỗ cho 30 trường hợp bà con có nhu cầu.

Theo Ban dân tộc tỉnh, hiện nay, toàn tỉnh có trên 7.500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số với 30.500 người, chiếm tỷ lệ 3,9% dân số toàn tỉnh, trong đó, dân tộc Khmer có trên 22.000 người… Thời gian qua, thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động trong vùng đồng bào dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh cùng với Sở Tư pháp, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Hội Luật gia, UBND cấp huyện phối hợp tổ chức phổ biến, tuyên truyền, giáo dục pháp luật tại 20 điểm với hơn 3.000 lượt đồng bào tham dự.           

Ông Ký Hiếu Thanh, Phó ban Dân tộc tỉnh, cho biết, thời gian tới, Ban Dân tộc tỉnh sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các sở, ban, ngành, chính quyền địa phương tổ chức tuyên truyền các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước về dân tộc về đầu tư, phát triển kinh tế - xã hội, các cuộc vận động hoặc phong trào thi đua yêu nước; tuyên truyền vận động giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp, tiến bộ; chú trọng vận động đồng bào dân tộc thay đổi các thói quen, tập quán lạc hậu, bài trừ các tệ nạn xã hội, để qua đó nâng cao đời sống kinh tế - xã hội cho đồng bào…

Bài, ảnh: Đ.BẢO

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>