Cùng nhau thoát nghèo

21/01/2019 | 09:51 GMT+7

Chia sẻ kinh nghiệm nuôi cá lóc trong vèo với mọi người xung quanh, để cùng nhau vươn lên thoát nghèo, là việc mà ông Trần Văn Mol, ở ấp Sậy Niếu B, xã Phụng Hiệp, huyện Phụng Hiệp mong muốn.

Ông Mol cho cá lóc ăn.

Đi dọc tuyến kênh Đất Sét, ấp Sậy Niếu B, xã Phụng Hiệp, sẽ không khó bắt gặp hình ảnh khoảng 40 chiếc vèo nuôi cá lóc của gần chục hộ dân nơi đây. Hỏi ra mới biết, người khởi xướng mô hình này là ông Trần Văn Mol. Gia đình anh Trần Thanh Tuấn và chị Trần Thị Bông, ngụ cùng ấp, một trong những hộ được ông Mol hướng dẫn kỹ thuật, đã mạnh dạn áp dụng nuôi cá lóc và mang về hiệu quả. Chị Bông nói: “May nhờ chú Mol chỉ cho cách nuôi, tôi mới bán được cá mà có tiền chữa bệnh cho chồng bị thoái hóa cột sống, thần kinh tọa. Bây giờ chồng tôi cũng khỏe nhưng không làm nặng được, nên nuôi cá lại càng thích hợp hơn”.

Vợ chồng anh Tuấn thuộc diện hộ nghèo của ấp, không đất sản xuất, chỉ có mỗi căn nhà nhỏ được dựng tạm để ở. Do đó, nuôi cá lóc trong vèo được xem là phương cách thích hợp để cải thiện cuộc sống, khi tận dụng tốt diện tích mặt nước ở tuyến kênh trước nhà. Anh Tuấn bày tỏ: “Chú Mol rất hiền, nhiệt tình hướng dẫn vợ chồng tôi những điều cần thiết từ việc làm vèo, chọn cá, lượng thức ăn, đề phòng bệnh,… nên sản lượng đạt cao. Gia đình tôi đang chờ đợi xuất bán đợt cá mới để kiếm tiền ăn tết, hy vọng sẽ sớm thoát nghèo trong thời gian tới”.

Ở Sậy Niếu B, người nào nhiều vốn nuôi 5-7 vèo cá, ít thì 1-2 vèo nhưng cũng tạm đủ để trang trải cuộc sống. Anh Giang Trung Hậu, ở ấp Sậy Niếu B, chia sẻ: “Tôi mới xuất bán cá đợt đầu với 500 con, lãi được vài triệu đồng đủ tiền cho vợ đi sinh, nên mừng quá trời. Tôi mới thả nuôi thêm khoảng 1.000 con cá giống, hy vọng sẽ có thêm thu nhập khá. Tôi mang ơn chú Mol lắm”.

Nuôi cá lóc trong vèo được cho là phù hợp với điều kiện tự nhiên của người dân vùng sông nước, đặc biệt dành cho các lao động nhàn rỗi tại nông thôn, ít đất sản xuất. Đối với người dân ấp Sậy Niếu B, việc hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá của ông Mol đã để lại ấn tượng tốt trong lòng họ. Theo lẽ thông thường, khi có được sản phẩm ăn nên làm ra, ít ai có thể tận tình hướng dẫn kỹ thuật cho người khác như ông Mol để cùng nhau tham gia sản xuất, bởi trong kinh tế luôn cần giữ vững thế độc tôn.

Nhưng thật tâm, ông Mol lại nghĩ khác: “Tôi hiểu và cảm thông với những người có hoàn cảnh khó khăn, do mình cũng từng trải. Bản thân không có nhiều điều kiện giúp đỡ mọi người về vật chất, nên việc làm được là hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá để họ phát triển kinh tế. Mọi người đầy đủ cái ăn, cái mặc, đón tết sung túc là tôi vui rồi. Tôi mong muốn mọi người cùng nhau thoát nghèo, cũng là cách góp phần xây dựng quê hương”.

Ông Mol còn là thương binh hạng 4/4, ở tuổi 64 cùng với vết thương chiến tranh nên hiện tại sức khỏe khá yếu, không làm được việc nặng. Những năm 1976, sau khi tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông trở về quê và lập gia đình, dù vợ chồng cứ cố gắng làm lụng nhưng vẫn chẳng thoát khỏi cái nghèo. Vợ mất khi các con còn nhỏ, hơn 30 năm, ông tự mình bươn chải, gánh trách nhiệm người cha, bổn phận làm mẹ. Gia đình ông Mol cũng thuộc dạng hộ nghèo tại địa phương do việc trồng mía thất thoát, vườn cây ăn trái không thuận lợi,… Rồi hơn 10 năm trước, ông Mol tình cờ thấy người quen ở thị trấn Kinh Cùng, huyện Phụng Hiệp, nuôi mấy vèo cá lóc nên học hỏi và làm thử nghiệm.

Sau nhiều lần thất bại, do gặp khó về kỹ thuật, ông Mol vẫn bền lòng tự nghiên cứu và trời cũng không phụ lòng người. Từ số lượng cá giống thả nuôi ban đầu khoảng 2.000 con, đến nay, đã tăng hơn 10 lần. Mỗi năm, trừ chi phí, ông Mol thu về hơn 100 triệu đồng từ việc bán cá lóc, vươn lên thoát nghèo vào năm 2015. Ngồi tại nhà ông Mol chưa đầy 2 giờ đồng hồ, nhưng có tận 3 vị khách trong và ngoài ấp đến để hỏi thăm về kỹ thuật nuôi cá.

Ông Nguyễn Văn Túc, Phó Chủ tịch UBND xã Phụng Hiệp, nói: “Việc làm của ông Mol rất ý nghĩa, đã góp phần cùng địa phương xây dựng tốt mô hình giảm nghèo. Ông Mol không hề ích kỷ, giấu giếm kinh nghiệm mà luôn sẵn sàng chia sẻ với mọi người, đó là đức tính tốt cần được nhân rộng và phát huy. Theo dự kiến, trong năm nay, một số hộ dân đang thực hiện mô hình nuôi cá lóc trong vèo của ấp sẽ thoát nghèo”.

Sống là cho đâu chỉ nhận riêng mình, sống để san sẻ và yêu thương. Việc làm nhỏ, nhưng ý nghĩa lớn của ông Mol đã giúp nhiều người hoàn cảnh khó khăn có một phương kế sinh nhai hiệu quả, dễ áp dụng. Xuân Kỷ Hợi 2019 của người dân ở ấp Sậy Niếu B, xã Phụng Hiệp sẽ càng sung túc hơn khi cuộc sống còn sự sẻ chia, chân thật, không ích kỷ hay vụ lợi. Niềm vui sẽ nhân đôi với mong chờ cá lóc được giá…

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>