Những giọt máu nghĩa tình

31/12/2018 | 10:50 GMT+7

Số lượng đơn vị máu tiếp nhận hiện tại tăng gấp 10 lần so với những năm đầu mới thành lập tỉnh, tác nhân nào đưa đến kết quả này?

Gia đình ông Nhanh xem việc hiến máu tình nguyện là việc làm cần thiết trong cuộc sống để san sẻ yêu thương.

Từ cá nhân

“Ai thịt heo không? Thịt heo đây”, là tiếng rao bán hàng mỗi sáng của anh Phan Văn Triệu, ở ấp 9, xã Thuận Hưng, huyện Long Mỹ, trên bước đường nặng gánh mưu sinh cùng chiếc xe cà tàng, mà ở vùng quê này ai cũng biết. Nhưng họ còn nhớ nhiều đến anh là người vui tính, luôn tích cực trong công tác hiến máu tình nguyện tại địa phương. Anh Triệu cười nói: “Hồi đó, tôi đâu biết hiến máu là gì, nên cũng sợ lắm. Rồi được địa phương tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn cho mình hiểu, tôi bắt đầu tham gia đến giờ luôn, sức khỏe vẫn tốt. Tôi sẽ hiến máu đến khi nào bác sĩ không nhận nữa thì thôi”.

Gần 15 năm, anh Triệu đã hiến máu 38 lần, nhiều hơn số tuổi 35 của mình. Anh còn là tuyên truyền viên đắc lực ở xã trong công tác vận động hiến máu, khi đặt bản thân như một minh chứng cho việc hiến máu không ảnh hưởng tới sức khỏe, cuộc sống, tạo sự thuyết phục cao đến mọi người. Hiện anh đang tham gia câu lạc bộ (CLB) hiến máu tình nguyện của huyện, sẵn sàng giúp đỡ những người có nhu cầu về máu trong điều trị bệnh.

Bên cạnh những người nông dân chân lấm, tay bùn, phong trào hiến máu trong cán bộ, công chức, viên chức cũng được phát triển, lan tỏa nhiều hơn. Bà Mai Thị Lan, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND thị trấn Cái Tắc, huyện Châu Thành A, chia sẻ: “Tôi hiến máu đến nay đã 32 lần và thấy đó là việc ý nghĩa, để chia sẻ với mọi người, bởi đâu gì thay thế được máu. Tôi tâm niệm phải làm những điều có ích cho xã hội, cộng đồng và hài lòng vì việc mình thực hiện”. Với sự chủ động, nhiệt tình trong công tác hiến máu, bà Lan vừa được nhận bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam. Bản thân bà còn lập ra nhóm hiến máu với 6 thành viên, kịp thời hỗ trợ máu trong và ngoài huyện khi cần thiết. Bản thân với trách nhiệm, gương mẫu đi đầu, bà Lan đã góp phần trở thành nguồn động lực cho phong trào hiến máu tình nguyện tại địa phương.

Không chỉ mỗi cá nhân tham gia hiến máu, mà việc làm này còn đang lan tỏa rộng khắp đến từng hộ gia đình, tạo thành một thể chung tay, chung lòng.

Đến nhà nhà

Ngày nay, nhận thức của người dân về hiến máu được nâng lên, họ không còn lo lắng, băn khoăn mà thay vào đó là hưởng ứng nhiệt tình, khi gác lại việc đồng áng, mưu sinh tham gia tình nguyện. Mỗi giọt máu cho đi là mang về cả một sự sống. “Nhiều bệnh nhân đang cần máu, tôi chỉ muốn làm điều nho nhỏ nhưng mang lại niềm hạnh phúc đến bao gia đình khác. Mình nghèo tiền, nghèo bạc nhưng đâu nghèo nhân nghĩa, không có vật chất thì giúp bằng máu”, ông Lâm Văn Nhanh, ở ấp Vĩnh Hòa, xã Vĩnh Tường, huyện Vị Thủy, bộc bạch.             

Từ bản thân đi hiến máu, ông Nhanh còn vận động vợ mình là bà Hồng Thị Út tham gia. Bà Út nói: “Có nhiều người không hiểu cứ nói hai vợ chồng đi hiến máu vì tiền, nhưng chúng tôi đều bỏ ngoài tai. Vợ chồng tôi nghĩ mình còn sức khỏe, giúp được gì cho mọi người thì giúp thôi”. Công việc thường ngày của ông Nhanh là chạy xe ôm hoặc làm hồ, vợ thì buôn bán nhỏ tại nhà nhưng cả hai đều rất tích cực tham gia hiến máu tình nguyện, mới đây, còn nhận bằng khen của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

15 năm qua, phong trào hiến máu trên địa bàn tỉnh ngày càng thu hút nhiều người tham gia, đó là kết quả của một hành trình dài. Từ thành thị đến nông thôn, từ người người đến nhà nhà đều hưởng ứng, kịp thời cung cấp máu cho việc cấp cứu và điều trị bệnh. Mỗi cá nhân chọn cho mình việc làm khác nhau để san sẻ yêu thương, giúp đỡ mọi người và hiến máu là điều thiết thực nhất có thể thực hiện.

Hiến máu nhân đạo là một nghĩa cử cao đẹp thể hiện sự hiểu biết, lòng nhân ái và trách nhiệm của mỗi cá nhân đối với cộng đồng. Dần dần trở thành một phong trào lớn của toàn xã hội, mang đậm tính nhân văn, thể hiện sâu sắc đạo lý “Thương người như thể thương thân”. Dù cuộc sống của những người hiến máu tình nguyện đôi khi chẳng mấy dư dả, trình độ học vấn không cao, nhưng họ luôn hướng về người cần giúp đỡ, làm nên nét đẹp bền vững theo thời gian. “Hiến máu cứu người, xin hiến thường xuyên” là một việc làm ý nghĩa, khi nhiều bệnh nhân đã được cứu sống nhờ những giọt máu nghĩa tình.

Chuyện hiến máu giờ đây không còn xa lạ với mọi người như trước, họ xem đây là việc làm tất yếu, cảm thấy hạnh phúc vì đã sẻ chia, một giọt máu cho đi - một cuộc đời ở lại. Họ là những bông hoa đẹp trong phong trào hiến máu tình nguyện, có chung tấm lòng yêu thương, biết nghĩ về cộng đồng. Tin rằng, những bông hoa đẹp sẽ ngày càng khoe sắc, tỏa hương thơm, đưa phong trào hiến máu tỉnh nhà phát triển. Hiến máu tình nguyện là biểu hiện sinh động nhất cho tình yêu thương giữa người với người.

Tính từ năm 2004 đến nay, tỉnh đã tiếp nhận 109.697 đơn vị máu. Trong đó, năm 2004 chỉ có 1.283 đơn vị, đến nay tăng lên 12.611 đơn vị máu, gấp 10 lần so với những ngày đầu mới thành lập tỉnh. Hiện tỉnh có 1 CLB máu hiếm, 68 CLB gia đình hiến máu và 11 CLB hiến máu dự bị,… tổng số thành viên 3.144 người.

 

Bài, ảnh: HỒNG NHUNG

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>