Bước tiến của nông dân, nông thôn

13/01/2020 | 19:00 GMT+7

Nông dân có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, làm giàu chính đáng; nông thôn “thay da đổi thịt” rõ rệt là những dấu ấn nổi bật qua 10 năm thực hiện Kết luận số 61 của Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa X) về “Đề án nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội Nông dân Việt Nam trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và xây dựng giai cấp nông dân Việt Nam giai đoạn 2010-2020”.

Tuyến đường rộng 3,5m ở ấp Xẻo Cao A, xã Thạnh Xuân, được xây dựng nhờ sự đóng góp của người dân.

Nông dân làm giàu

Anh Phạm Văn Dũng, ở ấp 3B, thị trấn Bảy Ngàn, huyện Châu Thành A, được biết đến là hội viên nông dân cần cù, chịu khó làm ăn. Khu vườn nhà anh không rộng lắm, chỉ khoảng 6.000m2, nhưng hơn 200 gốc xoài cát Hòa Lộc và một số giống xoài khác được trồng ngay hàng thẳng lối, luôn tươi tốt nhờ bàn tay chăm sóc cần mẫn của chủ vườn.

Anh Dũng khoe, mỗi năm gia đình thu hoạch khoảng 10 tấn trái, nhờ giá bán khá cao nên có thể kiếm được hàng trăm triệu đồng lợi nhuận sau khi trừ đi các chi phí…

“Để trồng xoài cát Hòa Lộc đạt hiệu quả cao không phải chuyện dễ dàng, bởi người trồng phải am hiểu đặc tính sinh trưởng của cây và biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong chăm sóc. Là hội viên nông dân nên tôi được tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trồng xoài và vay vốn từ Quỹ hỗ trợ nông dân khi có nhu cầu. Nhờ vậy mà mô hình trồng xoài của gia đình đạt hiệu quả khá cao mấy năm liên tiếp”, anh Dũng phấn khởi nói.

Theo ông Châu Minh Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, một trong những kết quả thiết thực nhất trong thực hiện Kết luận số 61 trên địa bàn tỉnh là Quỹ hỗ trợ nông dân ngày càng tăng về số vốn và phát huy hiệu quả trong xây dựng các mô hình phát triển kinh tế, ứng dụng khoa học kỹ thuật.

Cụ thể, Quỹ hỗ trợ nông dân giai đoạn 2011-2020 có tổng vốn hơn 36 tỉ đồng, tăng hơn 20,8 tỉ đồng so năm 2010. Qua đó, hỗ trợ, giúp đỡ nông dân xây dựng và nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, mở rộng sản xuất, ưu tiên cho vay nhóm nông hộ, tổ hợp tác. Đến nay, toàn tỉnh phát vay 256 dự án cho hơn 6.000 lượt hộ với số vốn xoay vòng hơn 66 tỉ đồng.

Cùng với đó, 10 năm qua, phong trào nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững cũng được hội nông dân các cấp phát động sâu rộng. Kết quả, có 50.226 hộ nông dân đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất - kinh doanh giỏi”; có 76 câu lạc bộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi; 166 hợp tác xã nông nghiệp, 935 tổ hợp tác. Đặc biệt, đã hỗ trợ, giúp đỡ cho 5.179 hộ thoát nghèo.

Góp sức xây dựng nông thôn mới

Đời sống được nâng lên nên hội viên nông dân có điều kiện đóng góp nhiều hơn cho sự phát triển của địa phương, nhất là trong xây dựng nông thôn mới. Nổi bật là tham gia hiến đất và đóng góp tiền, ngày công lao động để xây dựng, sửa chữa cầu, đường giao thông, thủy lợi nội đồng, nạo nét, đắp bờ bao khép kín và các công trình phúc lợi xã hội khác. Kết quả, đã hiến là 598.170m2 đất với tổng kinh phí hơn 354 tỉ đồng và 518.981 ngày công lao động.

Hàng ngày, đi dọc trên tuyến đường đan rộng 3,5m ở xóm mình, lòng ông Đặng Văn Lâm, ở ấp Xẻo Cao A, xã Thạnh Xuân, huyện Châu Thành A, dâng lên niềm vui khó tả. Trước đây, tuyến đường này loang lổ nhiều ổ gà, ổ voi khiến người dân đi lại khó khăn trong những ngày mưa gió.

Thấy vậy, chính quyền xã đã phối hợp với ấp vận động kinh phí từ người dân và các mạnh thường quân để xây dựng lại tuyến đường. Nhờ sự đồng thuận cao nên tuyến đường rộng 3,5m, dài gần 2km nhanh chóng được hoàn thành với tổng nguồn vốn hơn 2 tỉ đồng.

Riêng gia đình ông Lâm đã đóng góp hơn 15 triệu đồng, đó là chưa kể phần đất, hoa màu mà ông đã hiến tặng để công trình được thực hiện đúng theo tiến độ. “Bây giờ đường rộng rãi nên xe cứu thương có thể vào tận nhà dân để cứu người, còn việc chuyên chở hàng hóa của bà con cũng ngon lành hơn trước. Quan trọng hơn là phần đóng góp của chúng tôi đã giúp xã nhà được công nhận danh hiệu nông thôn mới vào năm 2017”, ông Lâm nói.

Những kết quả kể trên cho thấy hội viên nông dân có nhiều đóng góp quan trọng trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn. Để rồi đến nay, Hậu Giang có 3/8 đơn vị cấp huyện hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới gồm: thị xã Ngã Bảy, thành phố Vị Thanh và huyện Châu Thành A; số xã đạt chuẩn nông thôn mới của tỉnh là 31/53 xã, trong đó có 1 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (xã Đại Thành, thị xã Ngã Bảy).

Anh Phạm Văn Dũng thường xuyên theo dõi sự phát triển của xoài để chăm sóc tốt hơn.

Phát triển, nhân rộng các mô hình hiệu quả

Để việc thực hiện Kết luận số 61 đạt nhiều kết quả phải kể đến sự quan tâm trong chỉ đạo, tổ chức thực hiện của cấp ủy, chính quyền các cấp.

Ông Châu Minh Tiến cho biết, công tác lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện Kết luận số 61 được cấp ủy, chính quyền các cấp quan tâm, kịp thời triển khai, quán triệt và ban hành các văn bản chỉ đạo thực hiện. Trong khi đó, hội nông dân các cấp đã chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng ban hành các văn bản chỉ đạo phù hợp, đồng thời phối hợp với UBND tỉnh xây dựng và ký kết liên tịch, ban hành chương trình thực hiện.

Thực hiện Kết luận số 61, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh thành lập Ban chỉ đạo do đồng chí Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy xã làm Trưởng ban chỉ đạo. Nhiệm vụ của Ban chỉ đạo là tập trung phát triển các phong trào thi đua của Hội, đặc biệt là phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi.

Đến nay, toàn xã có 802 hộ nông dân sản xuất giỏi các cấp. Cùng với đó, từ các nguồn vốn hỗ trợ, xã đã tạo điều kiện cho 88 lượt hộ nông dân vay tổng số vốn hơn 1,1 tỉ đồng để cải tạo đất trồng khóm, nuôi cua đinh.

Ông Nguyễn Văn Sủng, Bí thư Đảng ủy xã Vị Tân, nhấn mạnh: “Từ việc quan tâm tạo điều kiện về khoa học kỹ thuật, hỗ trợ nguồn vốn vay đã làm thay đổi chất lượng, năng suất và giá trị hàng hóa, từng bước làm thay đổi tập quán sản xuất của nông dân, góp phần quan trọng trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế ở địa phương. Nhờ vậy, từ mức thu nhập bình quân đầu người 14 triệu đồng năm 2010 đến nay đã tăng lên 43 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo của xã hiện chỉ còn 2,95%”.

Có thể khẳng định, Kết luận số 61 đã đem lại kết quả thiết thực, nâng cao vai trò của hội viên nông dân trong thực hiện các phong trào ở địa phương. Nhất là vai trò chủ thể trong phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của nông dân, Hội Nông dân.

Đạt nhiều kết quả quan trọng nên cấp ủy, chính quyền các cấp tiếp tục đề ra nhiều giải pháp nhằm thực hiện tốt hơn nữa Kết luận số 61. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Lữ Văn Hùng lưu ý cần quan tâm xây dựng tổ chức bộ máy hội nông dân các cấp đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới; tiếp tục nâng cao vai trò, trách nhiệm của Hội trong phát triển tam nông, nâng cao đời sống nông dân, trọng tâm là phát triển nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả và xây dựng nông thôn mới.

Qua thực hiện Kết luận số 61, các cấp hội nông dân thực hiện ủy thác với Ngân hàng chính sách xã hội cho 35.999 hộ vay, tổng dư nợ 849 tỉ đồng. Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chi nhánh Hậu Giang thực hiện chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn cho 5.884 hộ nông dân vay, số tiền 5,5 tỉ đồng.

Hội Nông dân tỉnh còn được Trung ương Hội Nông dân hỗ trợ xây dựng Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân trên diện tích 1,6ha, tổng mức đầu tư hơn 39 tỉ đồng (UBND tỉnh hỗ trợ chi phí giải phóng mặt bằng là 1,8 tỉ đồng).

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>