Đảng viên làm kinh tế giỏi

10/01/2021 | 15:57 GMT+7

Với tinh thần chịu khó, sáng tạo, quyết tâm làm giàu, nhiều đảng viên ở thành phố Ngã Bảy đã và đang thực hiện nhiều mô hình phát triển kinh tế mang lại hiệu quả cao.

Đảng viên Nguyễn Văn Dư có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm nhờ cây kiểng.

Khi hoàn thành xong công việc của cơ quan là anh Nguyễn Văn Dư, công chức văn phòng - thống kê phường Hiệp Lợi, lại tất bật lo chuyện làm ăn của gia đình. Anh Dư hiện là Phó Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Dư Tài Lộc, ở khu vực Xẻo Vông B, phường Hiệp Lợi, chuyên sản xuất, kinh doanh cây giống và cây cảnh.

Anh Dư bén duyên với nghề làm cây cảnh cách đây hơn 4 năm. “Một lần trên đường đi làm về nhìn người ta tạo dáng cho cây cảnh thấy khoái quá nên học hỏi làm theo. Dần dà thấy ngày càng yêu thích nghề này, một phần vì đam mê, phần nữa là thu nhập cũng khá”, anh Dư cho biết.

Anh Dư dẫn chứng mua một cây vú sữa của người dân giá 10 triệu đồng, sau khi chăm chút, tạo dáng cho đẹp thì có thể bán được giá gấp đôi. Nhờ một đồng vốn thu về hai đồng lời như vậy mà anh Dư có lợi nhuận từ 300-400 triệu đồng mỗi năm. Chưa kể là cơ sở của anh còn giải quyết việc làm cho 8-9 lao động ở địa phương.

Để mở rộng quy mô sản xuất, anh Dư cùng một số anh em có cùng chí hướng quyết định thành lập HTX Dư Tài Lộc vào tháng 10-2020 với 7 thành viên. Ngoài cây cảnh, HTX còn sản xuất, cung ứng giống các loại cây có múi như: cam, bưởi, sầu riêng, mít… Diện tích sản xuất của HTX là 4ha.

Mới 39 tuổi đời nhưng anh Dư đã có một cơ ngơi đáng mơ ước. “Là người đảng viên phải thể hiện tinh thần nêu gương trong tất cả mọi việc, nhất là trong phát triển kinh tế gia đình. Làm nghề gì cũng vậy, phải có quyết tâm mới thành công. Thời gian đầu tôi cũng gặp khó khăn do thiếu kinh nghiệm, nhưng càng làm thì càng quen. Tôi nghĩ đảng viên, nhất là đảng viên trẻ nên tìm tòi, học hỏi và mạnh dạn khởi nghiệp nếu thấy có mô hình phù hợp với điều kiện bản thân”, anh Dư bộc bạch.

Còn anh Bùi Hoàng Bằng, công tác tại Ban Tổ chức Thành ủy Ngã Bảy, cũng là một điển hình đảng viên làm kinh tế giỏi. Nhận thấy rắn ri cá dễ chăm sóc lại có giá bán khá cao trên thị trường nên anh Bằng quyết định khởi nghiệp với loài này vào năm 2009 tại phần đất của gia đình mình ở ấp 2, xã Thạnh Hòa, huyện Phụng Hiệp.

Ban đầu anh nuôi thử trong bể xi măng nhưng không thành công. Qua quá trình nuôi nhận thấy rắn thích hợp môi trường nước và có lục bình mới sống tốt nên anh may vèo lưới thả nuôi trong ao nước sau nhà, vậy mà rắn sinh sôi phát triển.

Anh Bằng cho biết, rắn ri cá dễ nuôi, vật dụng nuôi khá đơn giản gồm: vèo lưới, trụ tre (hoặc trụ gỗ), lục bình, rau ngổ, dây ni-lông đen, chà tre (hoặc các loại chà khác) là có thể làm nơi cho rắn sinh sống. Bên ngoài vèo nên thả cá sặc hoặc cá mè để làm sạch môi trường nước ao và tận dụng nguồn cá để làm thức ăn cho rắn.

Anh chia sẻ thêm kinh nghiệm: “Lợi thế của mô hình nuôi rắn ri cá trong vèo là chỉ cần diện tích nhỏ, vốn bỏ ra ban đầu thấp nhưng thu về lợi nhuận khá cao. Do đó, mỗi người có thể áp dụng thực hiện mô hình này để tăng thu nhập cho gia đình. Điều quan trọng khi nuôi rắn là vèo nuôi phải thoáng, ao mương phải sạch và có nước ra vô thường xuyên. Để tránh hao hụt thì cần phòng chống chuột tấn công làm lủng vèo. Nên để vèo nuôi cách nhau 30cm và cách bờ ao hơn 40cm để chuột không nhảy vào vèo”.

Hiện tại, anh Bằng có trong tay hơn 1.000 con rắn ri cá sinh sản, sinh trưởng. Chưa dừng lại ở đó, nhận thấy heo rừng là loài dễ nuôi và được thị trường ưa chuộng nên anh đã xây dựng chuồng để nuôi vào tháng 7-2019. Theo anh Bằng, con heo rừng ít bệnh, chi phí chăn nuôi thấp vì thức ăn của chúng chủ yếu có từ tự nhiên. Hiện, anh có 60 con heo rừng lớn nhỏ.

Được biết, lợi nhuận từ việc bán rắn ri cá, heo rừng của anh Bằng là hơn 100 triệu đồng/năm. “Mô hình phát triển kinh tế của gia đình tôi nhẹ công chăm sóc và chi phí đầu tư ban đầu không lớn. Hướng tới, tôi sẽ tăng số lượng nuôi để có thêm lợi nhuận”, anh Bằng nói.

Dù không có thống kê cụ thể, nhưng có thể nói số lượng đảng viên ở thành phố Ngã Bảy có mô hình phát triển kinh tế đạt hiệu quả cao như anh Dư, anh Bằng là không ít. Qua khảo sát, phần lớn những mô hình này đều tập trung vào lĩnh vực nông nghiệp vốn là ngành kinh tế chủ lực của thành phố. Dù mỗi đảng viên thực hiện mô hình làm ăn khác nhau nhưng họ có điểm chung là sự cần cù, chịu khó, cộng với những tính toán kỹ lưỡng, hợp lý trong chuyện làm ăn để vươn lên làm giàu chính đáng.

Theo Thành ủy Ngã Bảy, tới đây sẽ chỉ đạo cho cấp ủy các cấp phát động và khuyến khích cho đảng viên trên địa bàn thực hiện các mô hình phát triển kinh tế tại địa phương. Các cấp, các ngành của thành phố cũng sẽ tạo mọi điều kiện về vốn, con giống, chuyển giao khoa học kỹ thuật để đảng viên làm ăn có hiệu quả. Qua đó, tin rằng, số lượng mô hình đảng viên làm ăn có hiệu quả của thành phố sẽ tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>