Giúp cấp ủy, chính quyền nhận thấy những tồn tại, hạn chế trong lãnh đạo, điều hành

12/03/2024 | 07:47 GMT+7

Trong 10 năm qua, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội của tỉnh có nhiều nỗ lực thực hiện Quyết định 217, ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị “về việc ban hành quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội”.

Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện Long Mỹ nỗ lực thực hiện tốt công tác giám sát, phản biện xã hội.

Việc thực hiện Quyết định 217 góp phần củng cố niềm tin trong đoàn viên, hội viên và Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành của Nhà nước, tạo mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với Nhân dân. Bên cạnh đó, hoạt động giám sát, phản biện xã hội từng bước có sự chuyển biến rõ nét, thực chất, đi vào chiều sâu, tập trung vào những vấn đề bức xúc mà người dân quan tâm. Từ đó, tăng cường phát huy dân chủ, tạo được sự đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, góp phần bảo đảm an ninh trật tự, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nhiều kết quả đạt được

Xác định tầm quan trọng của Quyết định 217 nên Mặt trận các cấp trên địa bàn huyện Long Mỹ luôn nỗ lực thực hiện tốt, trở thành điểm sáng của tỉnh trong công tác giám sát, phản biện xã hội. Theo đó, hàng năm, Mặt trận các cấp trong huyện xây dựng kế hoạch giám sát, phản biện với nội dung là những vấn đề có liên quan đến phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và được người dân quan tâm. Qua đó, góp ý giúp cấp ủy, chính quyền quyết định các vấn đề quan trọng trong quản lý lãnh đạo, điều hành trên các lĩnh vực.

Riêng năm 2023, Mặt trận từ huyện đến các xã, thị trấn thực hiện được 23 cuộc giám sát và 25 nội dung phản biện. Mỗi cuộc giám sát, phản biện dù có chủ đề, nội dung, đối tượng khác nhau nhưng có chung mục đích và kết quả hướng tới là góp ý giúp chính quyền nhận ra những mặt hạn chế, yếu kém để khắc phục trong quá trình điều hành thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Đơn cử như năm qua, Mặt trận huyện Long Mỹ tổ chức đoàn giám sát việc thực hiện các nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến kinh phí hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tại xã Xà Phiên. Ngoài ghi nhận kết quả đạt được, đoàn giám sát thẳng thắn chỉ ra những khó khăn, hạn chế mà đơn vị được giám sát còn gặp phải. Cụ thể, trong năm 2022 và 6 tháng đầu năm 2023, UBND xã Xà Phiên chưa dự phòng kinh phí để tổ chức bầu, kiện toàn thành viên tổ hòa giải ở cơ sở; không có kinh phí dự phòng mai táng phí (nếu hòa giải viên gặp tai nạn hoặc rủi ro bị thiệt hại về tính mạng trong khi thực hiện hoạt động hòa giải ở cơ sở).

Bên cạnh đó, UBND xã chưa hướng dẫn xây dựng mẫu biểu hồ sơ thanh, quyết toán đối với công tác hòa giải cho các tổ hòa giải nên việc ghi biên bản, hồ sơ thủ tục chưa đảm bảo đúng theo quy định. Công tác hòa giải đôi lúc chưa kịp thời; việc chuyển hồ sơ hòa giải thành đôi lúc còn chậm so với quy định dẫn đến bị thất lạc hồ sơ…

Từ thực tế trên, đoàn giám sát kiến nghị Thường trực HĐND huyện quan tâm chỉ đạo việc phân bổ nguồn ngân sách cho cấp xã đảm bảo theo đúng quy định của nghị quyết HĐND tỉnh; có sự phân bổ hợp lý hơn cho xã Xà Phiên, vì đây là xã có nhiều ấp, dân số, diện tích rộng so với các xã, thị trấn còn lại. Đồng thời, đề nghị Thường trực UBND huyện chỉ đạo Phòng Tài chính - Kế hoạch có văn bản hướng dẫn UBND xã Xà Phiên quan tâm hỗ trợ kinh phí cho hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội tương đối bằng so với các xã, thị trấn còn lại.

Đối với UBND xã Xà Phiên, đoàn giám sát đề nghị xem xét tham mưu HĐND cùng cấp phân bổ ngân sách theo nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể - chính trị xã hội, vì việc phân bổ còn thấp so với nghị quyết... Bà Nguyễn Thị Kim Hân, Trưởng Ban Dân vận Huyện ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Long Mỹ, cho biết, sau các cuộc giám sát, Mặt trận có ban hành kiến nghị gửi đến các cơ quan được giám sát; đồng thời, quan tâm theo dõi, bám sát việc các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát khắc phục những hạn chế đã được đoàn giám sát chỉ ra.

“Thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận góp phần làm sáng tỏ một cách khách quan những kết quả và hạn chế trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của cấp ủy, chính quyền địa phương của các tổ chức. Từ đó, kiến nghị những nội dung nhằm thực hiện đúng và có hiệu quả hơn các chính sách, quy định pháp luật, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người dân”, bà Nguyễn Thị Kim Hân nhấn mạnh.

Không riêng huyện Long Mỹ, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong tỉnh thể hiện quyết tâm, nỗ lực trong thực hiện Quyết định 217 của Bộ Chính trị. Kết quả đạt được trong 10 năm qua là minh chứng rõ nhất cho điều đó, khi Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp trong tỉnh tổ chức được 9.194 cuộc giám sát và 1.378 cuộc phản biện, góp ý văn bản.

Tiếp tục tạo thuận lợi hơn

Dù kết quả đạt được trong thực hiện Quyết định 217 là nỗ lực lớn của cấp ủy, chính quyền, Mặt trận và đoàn thể các cấp, nhưng không vì thế mà hài lòng, chủ quan, bởi những hạn chế vẫn còn. Qua đánh giá của Tỉnh ủy cho thấy, chất lượng giám sát một số nội dung chưa sâu; đối tượng giám sát phần nhiều là tổ chức, giám sát đối với cá nhân còn ít; phản biện xã hội một số nội dung chất lượng chưa cao, chưa tổ chức được nhiều cuộc hội nghị phản biện.

Nguyên nhân của các hạn chế trên là do một số cấp ủy đảng, chính quyền và cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ vị trí, vai trò của công tác giám sát, phản biện xã hội; kinh phí phục vụ cho giám sát và phản biện xã hội, nhất là ở cơ sở chưa đáp ứng yêu cầu. Đội ngũ cán bộ Mặt trận và các đoàn thể chưa có nhiều kinh nghiệm, chuyên môn, nghiệp vụ trong các lĩnh vực giám sát, phản biện; năng lực nhìn nhận, phân tích vấn đề, đánh giá và kết luận trong quá trình giám sát, phản biện còn hạn chế; chưa huy động được đội ngũ chuyên gia các lĩnh vực tham gia giám sát, phản biện xã hội.

Mặt khác, trong giám sát, phản biện xã hội còn ngại va chạm, chưa mạnh dạn, chưa kịp thời phản ánh, báo cáo cho cấp ủy đảng, các ngành chức năng để chỉ đạo, uốn nắn, giải quyết dứt điểm các vấn đề còn tồn tại. Một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa chủ động yêu cầu Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội phản biện dự thảo về các chương trình, dự án...

Còn theo đánh giá của Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành, hoạt động giám sát, phản biện xã hội đôi lúc còn mang tính hình thức. Việc chỉ đạo tiếp thu ý kiến đóng góp, giải quyết những kiến nghị và trả lời sau giám sát, phản biện xã hội cấp cơ sở có lúc còn chậm, chưa kịp thời. Đối với hoạt động phản biện xã hội chủ yếu chỉ thực hiện bằng cách gửi văn bản góp ý.

Để khắc phục hạn chế gặp phải và thực hiện tốt hơn Quyết định 217 thời gian tới, Bí thư Tỉnh ủy yêu cầu phải tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt việc thực hiện giám sát, phản biện xã hội, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và trách nhiệm của mỗi cấp ủy, chính quyền, cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức. Các cơ quan hành chính nhà nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm và tạo điều kiện thuận lợi để Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp trên địa bàn tỉnh thực hiện chức năng giám sát, phản biện xã hội theo quy định…

Theo ông Nghiêm Xuân Thành, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, hoạt động giám sát đã giúp cấp ủy, chính quyền nhận thấy những tồn tại, hạn chế, từ đó nâng cao tinh thần trách nhiệm trong việc giải quyết các vấn đề có liên quan đến Nhân dân. Trong khi đó, nhiều ý kiến phản biện xã hội của Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội từ tỉnh đến cơ sở được các cơ quan tiếp thu, đánh giá cao.

 

Bài, ảnh: TRƯỜNG SƠN

Viết bình luận mới
Tin cùng chuyên mục
Các tin khác
Xem thêm >>